Làm rõ suất đầu tư Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vốn 35.940 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Bộ GTVT được đề nghị phối hợp với các địa phương đánh giá, làm rõ về sơ bộ tổng mức đầu tư, sự chênh lệch trong suất đầu tư Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku giữa hai đoạn tuyến trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định, Gia Lai.
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung trong công văn số 9505/BKHĐT - PTHTĐT vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ GTVT tham gia ý kiến về phương án đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài dự kiến 180 km, điểm đầu tại cảng Nhơn Hội, tỉnh Bình Định và điểm cuối tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.

Nay, Bộ GTVT và các địa phương đề xuất đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài 123 km, điểm đầu tại thị xã An Nhơn và tiến trình đầu tư trước năm 2030 là chưa phù hợp với Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ - TTg ngày 1/9/2021.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT làm rõ cơ sở, sự cần thiết và báo cáo Thủ tướng về những nội dung khác nhau giữa quy mô đầu tư Dự án với quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời làm rõ cơ quan chủ quản Dự án sẽ là Bộ GTVT hay UBND 2 tỉnh Gia Lai, Bình Định làm cơ sở xác định trách nhiệm hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Theo rà soát, cập nhật tại thời điểm hiện tại, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku 35.940 tỷ đồng với chiều dài tuyến khoảng 123 km, quy mô 4 làn xe theo quy hoạch; suất đầu tư Dự án khoảng 292 tỷ đồng/km.

Suất đầu tư này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là khá lớn so với một số tuyến cao tốc trục Đông - Tây tại khu vực kết nối vùng Duyên hải Trung bộ với vùng Tây Nguyên như: tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với chiều dài khoảng 117,5 km, quy mô 4 làn xe phân kỳ có tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng, suất đầu tư khoảng 187 tỷ đồng/km; tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành với chiều dài khoảng khoảng 128,8 km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh có tổng mức đầu tư là 25.540 tỷ đồng, suất đầu tư khoảng 198 tỷ đồng/km và tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt với chiều dài khoảng khoảng 99 km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh có tổng mức đầu tư là 25.058 tỷ đồng, suất đầu tư khoảng 253 tỷ đồng/km.

Theo báo cáo của UBND liên tỉnh Gia Lai và Bình Định gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 5/2024, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định có chiều dài tuyến 57,6 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 18.200 tỷ đồng có suất đầu tư trung bình khoảng 317 tỷ đồng/km; đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai có chiều dài tuyến 85,6 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.373 tỷ đồng có suất đầu tư trung bình khoảng 226 tỷ đồng/km.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các địa phương cần đánh giá, làm rõ hơn nữa về sơ bộ tổng mức đầu tư, sự chênh lệch trong suất đầu tư của Dự án giữa hai đoạn tuyến trên địa bàn 2 tỉnh và các tuyến khác, làm cơ sở báo cáo Thủ tướng trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định khi đủ điều kiện thực hiện.

Bên cạnh đó, UBND liên tỉnh Gia Lai và Bình Định đã báo cáo “với kịch bản mức hỗ trợ vốn của nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư theo quy định của Luật PPP, Dự án không đảm bảo hiệu quả về tài chính theo quy định.

Trường hợp để Dự án hiệu quả về tài chính và thời gian thu hồi vốn với các kịch bản khoảng 25 năm, 18 năm, 10 năm, mức vốn của nhà nước cần tham gia hỗ trợ Dự án chiếm tỷ lệ từ 76% đến 88% tổng mức đầu tư, vì vậy việc đầu tư theo phương thức PPP không hiệu quả, khó khả thi”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong phân tích nêu trên, UBND liên tỉnh Gia Lai và Bình Định mới báo cáo sơ bộ, chưa có báo cáo đánh giá, phân tích kỹ về những số liệu, thông số đầu vào, đầu ra của Dự án theo phương thức PPP để có căn cứ, cơ sở báo cáo Thủ tướng.

Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT phối hợp với hai tỉnh Gia Lai và Bình Định phân tích, làm rõ, đưa ra các thông tin, số liệu tính toán cụ thể để chứng minh nhận định nêu trên; đồng thời thống nhất về thông tin, số liệu giữa báo cáo của Bộ và báo cáo của 2 địa phương (tỷ lệ vốn nhà nước tham gia để Dự án có hiệu quả về mặt tài chính) để chứng minh sự phù hợp và sự cần thiết phải chuyển đổi hình thức đầu tư từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công.

Bộ GTVT cũng được lưu ý chỉ đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công khi không thể huy động nguồn vốn đầu tư Dự án bằng các phương thức đầu tư khác và có khả năng cân đối nguồn vốn từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư Dự án, đảm bảo tính khả thi, trong đó có tính đến phương án phân cấp cho từng địa phương chủ động sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý để đầu tư các đoạn tuyến đi qua địa bàn quản lý nhằm giảm áp lực cho nguồn vốn ngân sách trung ương trong giai đoạn 2026 - 2030.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục