Tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công thương tổ chức sáng ngày 3/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành, mà trước hết là tập trung cho 4 quy hoạch ngành được giao chủ trì gồm: Quy hoạch Điện lực quốc gia; Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng quốc gia; Quy hoạch Hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.
Đây đều là các quy hoạch ngành rất quan trọng và rất khó, nhất là Quy hoạch Điện lực quốc gia và Quy hoạch tổng thể về Năng lượng quốc gia. Cho đến nay, các quy hoạch này đã được hoàn thành và đang trong giai đoạn thẩm định để phê duyệt theo quy định.
Theo Thủ tướng, quy hoạch vừa phải bảo đảm tiến độ, vừa phải bảo đảm chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển đúng hướng, mang lại lợi ích cho người dân và đất nước.
"Chính phủ rất trăn trở việc này. Tiến độ rất cần nhưng cần hơn nữa là chất lượng quy hoạch, nhất là Quy hoạch Điện VIII. Ở điểm này chúng ta bình tĩnh, không nóng vội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Vào ngày 11/11/2022, Bộ Công thương đã có Tờ trình 7194/TT-BTC về phê duyệt Đề án Quy hoạch Điện VIII sau khi đã làm việc với các bên liên quan và tiến hành rà soát theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trước tờ trình này, Bộ Công thương cũng đã có các tờ trình khác về Quy hoạch Điện VIII gồm Tờ trình 1682/TTr-BCT (ngày 26/3/2021); Tờ trình 6277/TTr-BCT (ngày 8/10/2021), Tờ trình 2279/TTr-BCT (ngày 29/4/2022), Tờ trình 4778/TTr-BCT (ngày 11/8/2022), Tờ trình 4967/TTr-BCT (ngày 18/8/2022), Tờ trình 5709/TTr-BCT (ngày 23/9/2022),Tờ trình 6328/TTr-BCT (ngày 13/10/2022).
Tổng cộng đã có 8 tờ trình về Quy hoạch điện VIII, kể từ ngày 26/3/2021.
Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian phân tích 5 vấn đề liên quan tới điện gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện. Theo đó, về nguồn điện phải sử dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, trong đó có tiềm năng điện gió, điện mặt trời.
Vấn đề truyền tải điện phải tránh tình trạng xây dựng nguồn ồ ạt nhưng không có đường dây truyền tải; phân phối điện phù hợp với điều kiện đất nước và từng khu vực; sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm; giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân.
Đối với vấn đề giá điện, giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành "giật cục", cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.
Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, mối quan tâm từ phía nhà đầu tư về việc bao giờ, Quy hoạch điện VIII sẽ được phê duyệt hiện đã giảm nhiệt, không còn sôi sục như hồi năm 2021, hay nửa đầu năm 2022.
Theo Bộ Công thương, Đề án Quy hoạch Điện VIII đã tính toán tối ưu tổng thể và 5 khâu cụ thể có quan hệ chặt chẽ với nhau là nguồn điện - truyền tải điện - phân phối điện - sử dụng điện hiệu quả - giá điện.
Mục tiêu là đạt được quy mô và cơ cấu nguồn tối ưu, cân bằng nội vùng, chi phí giá điện nhỏ nhất.
Liên quan đến việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đã đứng yên gần 4 năm qua dù nhiều yếu tổ liên quan như nhiên liệu, tỷ giá, chi phí lương đều đã biến động rất mạnh, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối ngày 2/2, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.
Cụ thể, EVN cần khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất điện năm 2022, thuê các đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN và các đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra liên bộ (gồm Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan) kiểm tra và công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023 đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022, EVN ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 và tính toán giá bán điện bình quân.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan (Tổng cục Thống kê) để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trên cơ sở báo cáo của EVN về đề xuất điều chỉnh phương án điều chỉnh giá điện, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát đề xuất của EVN.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo của EVN, nếu giá điện vẫn tiếp tục đứng yên, thì đến hết tháng 5/2023, Công ty mẹ - EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản. Sau đó, từ tháng 6/2023, Công ty mẹ - EVN sẽ thiếu hụt tiền thanh toán là 3.730 tỷ đồng và đến tháng 12/2023, mức thiếu hụt lên tới 28.206 tỷ đồng.Hậu quả của việc không được tăng giá điện ở mức hợp lý để bù đắp chi phí sẽ gây tình trạng mất cân đối dòng tiền hoạt động và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.Đó là các nhà máy điện sẽ không nhận được tiền bán điện, dù vẫn bán điện lên lưới hoặc các nhà máy điện sẽ dừng cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia nếu không muốn bị nợ tiền điện lớn hoặc không có dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất điện vì nguồn thu tiền điện bán cho EVN không có.
Ở thời điểm đầu tháng 2/2023, Bộ Công thương vẫn chưa tiến hành công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nhiều năm qua, việc công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN đều được Bộ Công thương thực hiện sau khoảng 1 năm.
Cụ thể, kết quả hoạt động năm 2019 sẽ được công bố vào ngày 8/2/2021, kết quả hoạt động năm 2020 được công bố vào tháng 2/2022 và kết quả hoạt động năm 2021 thì hiện là tháng 2/2023 vẫn chưa được công bố. Với đà này, kết quả hoạt động của năm 2022 sẽ được công bố vào tháng 2/2024.