Trả lời:
1. Chủ trương của Chính phủ đối với việc chuyển tiền kiều hối:
Thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về việc tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút nguồn lực kiều hối xây dựng đất nước, các chính sách quản lý ngoại hối đối với nguồn kiều hối luôn được thực hiện theo hướng thông thoáng và phù hợp với xu thế hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người thụ hưởng trong nước cũng như các tổ chức tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ kiều hối, qua đó khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước.
Chính sách quản lý ngoại hối đối với kiều hối hiện nay được quy định cụ thể tại các văn bản sau:
(i) Pháp lệnh ngoại hối 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013);
(ii) Quyết định số 170/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước;
(iii) Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối;
(iv) Nghị định 89/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế;
(v) Thông tư 34/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ;
(vi) Thông tư 11/2016/TT-NHNN ngày 29/6/2016 sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ, hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, bàn đổi ngoại tệ của cá nhân.
2. Quy định về các hình thức chuyển tiền kiều hối về Việt Nam
Quyết định số 170và Thông tư số 34/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 về hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ, đã quy định 4 hình thức chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Đó là: Chuyển ngoại tệ thông qua các tổ chức tín dụng được phép; Chuyển ngoại tệ thông qua Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam; Các tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ; Cá nhân mang theo người vào Việt Nam.
3. Quy định về hình thức nhận tiền kiều hối
Theo quy định tại Quyết định 170, người nhận kiều hối trong nước khi có ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào được:
(i) Nhận bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam (bằng tiền mặt hoặc bằng chuyển khoản) theo yêu cầu;
(ii) Trong trường hợp nhận bằng ngoại tệ, người nhận có thể bán cho các tổ chức tín dụng được phép, gửi tiết kiệm ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép; mở và gửi vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân tại các tổ chức tín dụng được phép và được sử dụng cho các mục đích được pháp luật thừa nhận và bảo vệ như cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài theo quy định....
(iii) Không phải nộp phí hoặc thuế thu nhập đối với nguồn kiều hối nhận được.
Có thể nói Chính phủ đã xây dựng hành lang thông thoáng thu hút dòng tiền về Việt Nam thông qua chính sách tối ưu hoá lợi ích của người thụ hưởng, đa dạng hoá hình thức nhận kiều hối, tự do hoá và phát triển các kênh cung cấp dịch vụ chuyển tiền kiều hối. Điều này đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam thường xuyên lọt vào danh sách 10 quốc gia nhận lượng kiều hối lớn nhất thế giới.