Quy định cụ thể cách thức xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm từ đất

0:00 / 0:00
0:00
Các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách bắt đầu cho ý kiến Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) tham gia thảo luận. Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) tham gia thảo luận.

Chiều 6/4 Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách bắt đầu cho ý kiến Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo).

Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, các vấn đề lớn sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân đã được Thường trực Chính phủ thống nhất.

Đề cập một số vấn đề được nhân dân quan tâm góp ý, Phó thủ tướng cho biết đã cơ quan soạn thảo sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, quy định đã cụ thể hơn rất nhiều.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Phó thủ tướng nêu rõ, giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án thu hồi, tái định cư.

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) nhận xét, Dự đã quy định rõ hơn về quyền và trách nhiệm của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai. Tại khoản 10 Điều 14 Dự thảo quy định "Nhà nước quyết định chính sách thu, chi tài chính về đất đai, điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi".

Khẳng định quy định này là rất phù hợp, song đại biểu cho rằng so với các chính sách tài chính về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thu thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đã được quy định khá đầy đủ và rõ ràng, thì chính sách, pháp luật đất đai hiện hành lại chưa có các quy định cụ thể để điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất đối với từng loại dự án bị tác động bởi các yếu tố đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng, quy hoạch hay chuyển mục đích sử dụng đất.

Đặc biệt tại các dự án thu hồi đất dưới dạng tuyến luôn tạo ra bất bình đẳng giữa những người dân phải di dời để triển khai dự án với người dân không phải di dời. Những người dân bị di dời được bồi thường đôi khi không thỏa đáng, mất việc làm, sinh kế bị ảnh hưởng và hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ dự án do bị di dời, trong khi đó giá trị đất đai của các hộ dân không bị di dời có giá trị tăng thêm rất lớn.

Tuy nhiên, Nhà nước chưa có những quy định điều tiết phần giá trị tăng thêm này để chia sẻ lợi ích với các bên, nhất là đối với người có đất bị thu hồi thuộc diện phải di chuyển, đại biểu An nhấn mạnh.

Vì vậy, bà An đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể cách thức xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm từ đất hoặc là giao cho Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết, cụ thể để tăng tính khả thi của quy định trong thực tế.

Cũng liên quan đến trách nhiệm của nhà nước, đại biểu Sùng A Lềnh ( Lào Cai) nói, qua giám sát và khảo sát tại địa phương cho thấy việc quy định trách nhiệm của nhà nước trong luật hiện hành không được quy định cụ thể nên trong thực tiễn đang xảy ra tình trạng khi người dân có nhu cầu chuyển mục đích, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... có đề nghị thì cơ quan nhà nước mới triển khai thực hiện.

"Đây chính là kẽ hở của luật, tạo điều kiện để xảy ra tiêu cực, như phải có quan hệ xin - cho, dẫn đến tình trạng tham nhũng vặt diễn ra tại các địa phương, nhất là cấp cơ sở xảy ra tình trạng lợi dụng dịch vụ công biến thành dịch vụ tư để trục lợi cá nhân", vị đại biểu Lào Cai phát biểu.

Ông đề nghị cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với người sử dụng đất trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng đất thực hiện các thủ tục về đất đai, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, người dân và phòng ngừa tiêu cực, vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai.

Góp ý về cơ chế thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề xuất những dự án đô thị, dự án thương mại, dịch vụ với quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên thì nên để Nhà nước thu hồi đất, không thực hiện cơ chế thỏa thuận.

Nếu thực hiện thỏa thuận thì cần phải có cơ chế để kiểm soát trong khuôn khổ pháp luật quy định, khi không thỏa thuận được thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định vì Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm lợi ích cuộc sống và sinh kế của người dân khi bị thu hồi đất, song người dân cũng phải có nghĩa vụ nhường đất cho các dự án để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Điều đó cũng thể hiện rõ nguyên tắc hiến định, đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, người dân được giao quyền sử dụng và được thực hiện một số quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật, ông Thắng nói.

Sáng 7/4 Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục