"Với người Nhật quan trọng là kế hoạch đặt ra và đi đến cùng kế hoạch đó. Tôi cho rằng, để hợp tác thành công có hai điểm chính là tôn trọng lẫn nhau và có sự giao tiếp hai bên. Điều này rất quan trọng. Chúng tôi không cố ép đối phương theo ý mình, mà có sự trao đổi để hiểu nhằm có kết quả chung tốt đẹp cho cả hai".
Đó là phát biểu của ông Yamamuchi Masakazu - Trưởng đại diện tại Việt Nam của Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) tại Hội thảo kinh tế vừa diễn ra tại TP.HCM trong chủ đề kêu gọi vốn đầu tư và xây dựng phát triển doanh nghiệp.
Để có được hợp đồng hợp tác đầu tư toàn diện với Creed Group vào tháng 7/2015, ông Nguyễn Trung Tín, Tổng giám đốc Công ty An Gia cho biết, An Gia phải thay đổi rất nhiều để đạt được những tiêu chuẩn, khắt khe của người Nhật.
Trong đó, yếu tố xây dựng niềm tin để đối tác tin tưởng và luôn minh bạch công khai thông tin là vô cùng quan trọng. Khi đã có được sự tin tưởng lẫn nhau, quá trình gọi vốn cũng trở nên dễ dàng hơn. Được biết, tổng vốn Creed Group đầu tư vào An Gia ban đầu là 200 triệu USD.
“Hợp tác với người Nhật tiêu chuẩn đầu tiên là đường dài, chứ không phải là lợi nhuận. Kinh nghiệm lớn nhất khi chúng tôi làm việc với đối tác nước ngoài, mà cụ thể là Creed Group đó là luôn minh bạch và công khai thông tin. Đây được coi là điều kiện tiên quyết để xây dựng sự hợp tác lâu dài giữa hai bên”, ông Tín nhấn mạnh.
Tất nhiên, gọi được vốn mới chỉ là tiền đề để bắt đầu quá trình phát triển. Trong quá trình hợp tác với các đối tác ngoại, An Gia gặp những thách thức và khó khăn nhất định, như những khác biệt về thông lệ kinh doanh giữa hai quốc gia, sự vận hành bộ máy công ty tương thích với đối tác…
“Để xóa bỏ sự khác biệt này không có cách nào khác là đào tạo đội ngũ nhân viên theo hướng chuẩn quốc tế, quy trình làm việc chuẩn hóa để tương hỗ với đối tác”, CEO An Gia nói.
Theo ông Yamagichi Masakazu, Creed Group luôn mong muốn tìm đối tác có thể chia sẻ những cam kết thỏa thuận chung mà không che dấu thông tin, dù đó là thông tin xấu hay tốt. Giữa 2 đối tác khác văn hóa nên cách thức làm việc và quan điểm có những điểm khác nhau là đương nhiên.
“Có 2 điểm chính trong quan hệ hợp tác của chúng tôi là tôn trọng và giao tiếp hài hòa giữa hai bên. Cùng thảo luận rõ ràng những gì làm được và không làm được để đưa ra giải pháp chung cho 2 bên. Tuy nhiên, một số đối tác Việt Nam thiếu kỹ năng giải thích rõ ràng để giảm thiểu những rủi ro, cũng như kỹ năng dẫn đối tác vào câu chuyện để đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề chung”, ông Yamagichi Masakazu nói .
Nhìn nhận về nhu cầu phát triển bất động sản ở Việt Nam, ông Yamagichi Masakazu cho biết, nhu cầu mua để ở tại thị trường bất động sản Việt Nam còn rất lớn. Nếu tập trung phát triển các dự án chất lượng dịch vụ tốt, thì doanh nghiệp còn có thể tiến xa ở mảng này.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam cũng ngày càng thông minh hơn trong lựa chọn tiêu dùng, nên những nhà đầu tư không giữ được cam kết tiến độ chất lượng sẽ bị đào thảo khỏi thị trường.
“Chúng tôi chưa tham gia vào phân khúc văn phòng cao ốc, nhưng chúng tôi cũng đang hứng thú với thể loại này, tôi tin trong tương lai phân khúc hạng sang và hạng VIP còn tiếp tục phát triển”, Yamagichi Masakazu nói.
Trong khi đó, theo ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ đầu tư công nghệ Vinacapital Ventures, trước khi rót vốn vào doanh nghiệp nào đó, trước hết, quỹ này nhìn vào 3 mảng lớn: thị trường, sản phẩm và con người.
Về thị trường và sản phẩm, Quỹ sẽ xem thị trường có đủ lớn không, sản phẩm có mang tính cách mạng, có mang giá trị cho xã hội không và tiềm năng mang sản phẩm ra thị trường lớn hơn.
Về con người, Quỹ sẽ chọn đầu tư nhưng doanh nghiệp có đội ngũ sáng lập có kinh nghiệm có tầm nhìn tốt và năng lực thực thi và mỗi người có một thế mạnh để tạo ra tổng thể hài hòa.
“Tóm lại, chúng tôi chỉ quyết định đầu tư vào đội khởi nghiệp phải có cả tâm và tầm. Thiếu 1 trong 2 yếu tố này là không đủ. Tầm nhìn xa nhưng phải có tâm mang lại những sản phẩm có giá trị cho xã hội”, ông Khanh nói.
Ông Khanh cho biết, những lĩnh vực mà quỹ đầu tư này đang quan tâm là dịch vụ tài chính (90% dân số vẫn giao dịch bằng tiền mặt), bệnh viện nhà thuốc, hệ thống bán lẻ và hệ thống logistics…