Chờ hướng tiếp sức cho quỹ đầu tư

(ĐTCK) Theo thông lệ quốc tế, hầu hết các nước phát triển ưu đãi về thuế cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào quỹ đầu tư so với đầu tư trực tiếp vào chứng khoán.
Chờ hướng tiếp sức cho quỹ đầu tư

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2019 của Bộ Tài chính ngày 9/1, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mong muốn Bộ Tài chính, đặc biệt là Vụ Tài chính ngân hàng phối hợp với Ủy ban hỗ trợ phát triển các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí và khuyến khích các quỹ này tham gia đầu tư trên thị trường trái phiếu.

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh các chính sách hỗ trợ cho ngành quản lý quỹ Việt Nam hiện không đáng kể, chưa đáp ứng được mong đợi của thị trường. Tình trạng này tồn tại suốt nhiều năm qua và đến nay chưa được tháo gỡ, nên chưa tạo thuận lợi, thậm chí còn gây khó khăn cho sự phát triển của ngành quỹ.

Từ thực tiễn thị trường, ý kiến từ phía công ty quản lý quỹ nhìn nhận, một trong những nguyên nhân chính khiến các quỹ đầu tư ở Việt Nam hiện chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư là do chính sách thuế đối với quỹ đầu tư đang tồn tại nhiều bất cập.

Theo đó, hiện chưa có chính sách ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư, chính sách thuế hiện hành chưa hấp dẫn, đặc biệt là đối với quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Đặc thù của loại hình quỹ này là hạn chế về tính linh hoạt, thanh khoản thấp do không được chuyển nhượng, cho, tặng, chỉ được nhận trước tuổi nghỉ hưu và trong một vài trường hợp đặc biệt.

Vì vậy, nếu thiếu cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, nhất là ưu đãi về thuế, thì trong giai đoạn ban đầu khi thành lập quỹ, công ty quản lý quỹ gặp rất nhiều khó khăn khi thu hút người lao động và các doanh nghiệp tham gia quỹ.

Thêm vào đó, nhà đầu tư triển khai các hoạt động đầu tư thông qua quỹ đầu tư đang phải chịu mức thuế cao hơn nhiều so với đầu tư trực tiếp.

Cụ thể, ngoài phải nộp thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 20%, công ty quản lý quỹ còn phải khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân trước khi chi trả lợi tức cho nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào quỹ đầu chứng khoán. Trong khi đó, khi chuyển nhượng chứng khoán trực tiếp, nhà đầu tư chỉ phải lựa chọn một trong hai mức thuế suất là 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng hoặc 20% trên lợi nhuận.

Theo thông lệ quốc tế, hầu hết các nước phát triển ưu đãi về thuế cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào quỹ đầu tư so với đầu tư trực tiếp vào chứng khoán, nhằm hỗ trợ các quỹ đầu tư phát triển.

Chẳng hạn, thị trường Singapore, Hồng Kông, Malaysia, Australia, Luxembourg, các quỹ đầu tư được miễn thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn và các nhà đầu tư tham gia vào quỹ được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản lợi tức từ quỹ.

Để giải tỏa những điểm nghẽn trên, thị trường đang trông đợi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất các giải pháp đến Bộ Tài chính, trên cơ sở đó Bộ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội triển khai các giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là về phí, thuế nhằm tiếp sức cho sự phát triển của ngành quản lý quỹ vốn đang thiếu và yếu cả về lượng và chất, qua đó phát triển nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp cho thị trường.

Liên quan đến các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán năm 2019, tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đến nay, Bộ đã trình Chính phủ Đề án hợp nhất 2 Sở giao dịch chứng khoán; đang tập trung hoàn thiện Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Triển khai các giải pháp phát triển thị trường, đa dạng hóa các nhà đầu tư, thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm; đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục