Ngành quỹ, kỳ vọng giảm khó

(ĐTCK) Trong khi nhiều vướng mắc cũ vẫn chưa được tháo gỡ thì nay, ngành quỹ lại đối mặt với nguy cơ khó khăn mới.
Nhà đầu tư cá nhân trên TTCK Việt Nam chủ yếu vẫn tự đầu tư, thay vì bỏ vốn vào các quỹ như thông lệ phổ biến trên thế giới Nhà đầu tư cá nhân trên TTCK Việt Nam chủ yếu vẫn tự đầu tư, thay vì bỏ vốn vào các quỹ như thông lệ phổ biến trên thế giới

Thị trường khó bó ngành quỹ

Ngoại trừ sự xuất hiện của một số quỹ mới, cùng một số quỹ đầu tư có lãi, về cơ bản bức tranh ngành quỹ năm 2018 còn nhiều điểm chưa khởi sắc.

Ngay cả khi có sự xuất hiện của một số quỹ mới, thì vẫn thuộc các loại hình quỹ quen thuộc là đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu với quy mô vốn nhỏ, mà chưa có sự xuất hiện của một số loại hình quỹ mới như mong đợi của thị trường, chẳng hạn như quỹ hưu trí.

Vào cuối tháng 11/2018, nhiều quỹ, nhất là các quỹ đầu tư vào cổ phiếu, do các công ty quản lý quỹ dày dạn kinh nghiệm quản lý phải chào thua thị trường, khi giá trị tài sản ròng giảm đáng kể so với đầu năm nay. Chẳng hạn, giá trị tài sản ròng của Quỹ Đầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF) tại ngày 23/11 giảm sâu tới 18,14%.

Tương tự, giá trị tài sản ròng của Quỹ Đầu tư cổ phiếu triển vọng Bảo Việt và Quỹ Đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt, hai quỹ do Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (BVF) quản lý cũng lần lượt giảm 7,81 % (tại ngày 27/11) và 8,6% (tại ngày 29/11) so với đầu năm nay…

Không chỉ các quỹ do công ty quản lý quỹ nội địa quản lý thất bại trong nỗ lực kiếm lời, mà điều này cũng xảy ra ngay cả với công ty quản lý quỹ liên doanh với đối tác ngoại có nhiều kinh nghiệm trên thương trường quốc tế.

Cụ thể, cả hai quỹ do Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank là Quỹ Đầu tư cân bằng chiến lược (VCBF- TBF) và Quỹ Đầu tư cổ phiếu hàng đầu (VCBF-BCF) có giá trị tài sản ròng tại ngày 28/11/2018 lần lượt giảm 3,37%, 6,61% so với đầu năm nay.

Thị trường 2018 suy yếu khiến nhiều quỹ đầu tư hoạt động kém hiệu quả, nhiều công ty quản lý cũng hoạt động nhạt nhòa. Không ít công ty đến nay vẫn chưa huy động được vốn để thành lập quỹ.

Theo góc nhìn của Công ty Quản lý quỹ MB (MB Capital), một trong những nguyên nhân chính khiến các các quỹ đầu tư ở Việt Nam hiện chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, là chính sách thuế đối với quỹ đầu tư đang tồn tại nhiều bất cập.

Theo đó, hiện chưa có chính sách ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư, hoặc chính sách thuế chưa thực sự hấp dẫn, đặc biệt là đối với quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Đặc thù của loại hình quỹ này là hạn chế về tính linh hoạt, thanh khoản thấp do không được chuyển nhượng, cho, tặng, chỉ được nhận trước tuổi nghỉ hưu và trong một vài trường hợp đặc biệt.

Vì vậy, nếu thiếu cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, đặc biệt là ưu đãi về thuế, thì trong giai đoạn ban đầu khi thành lập quỹ, công ty quản lý quỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thu hút người lao động và các doanh nghiệp tham gia vào quỹ.

Thêm nữa, nhà đầu tư thông qua quỹ đầu tư đang phải chịu mức thuế cao hơn nhiều so với việc đầu tư trực tiếp. Cụ thể, ngoài phải nộp thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 20%, công ty quản lý quỹ còn phải khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân trước khi chi trả lợi tức cho nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào quỹ đầu chứng khoán.

Trong khi đó, khi chuyển nhượng chứng khoán trực tiếp, nhà đầu tư chỉ phải lựa chọn một trong hai mức thuế suất là 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng hoặc 20% trên lợi nhuận.

Theo thông lệ quốc tế, hầu hết các nước phát triển thường ưu đãi về thuế cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào quỹ đầu tư so với đầu tư trực tiếp vào chứng khoán nhằm khuyến khích các quỹ đầu tư phát triển. Bởi vậy, để khuyến khích việc tham gia vào quỹ đầu tư tại Việt Nam, chính sách ưu đãi về thuế cho các quỹ đầu tư cần được quy định cụ thể trong Luật Chứng khoán và các văn bản dưới luật.

Pháp lý nên rộng cửa hơn

Những vướng mắc trên của ngành quỹ không mới và trong khi chưa được tháo gỡ thì lại xuất hiện những nguy cơ khó khăn mới, xuất phát từ một số quy định mới tại dự thảo Luật Chứng khoán đang được khẩn trương xây dựng, để theo kế hoạch trình ra Quốc hội thông qua vào cuối năm 2019.

Nhìn nhận về một nội dung mới tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, BVF cho rằng, quy định quỹ đại chúng được thành lập nếu có ít nhất 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua chứng chỉ quỹ và tổng giá trị chứng chỉ quỹ đã bán đạt ít nhất 50 tỷ đồng có thể ảnh hưởng quan trọng tới hoạt động huy động vốn để thành lập quỹ đại chúng.

Bởi lẽ, các tổ chức có liên quan có thể sẽ gặp khó khăn khi xác định các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là các cá nhân trong danh sách nhà đầu tư đăng ký mua chứng chỉ quỹ.

Dự thảo cũng bổ sung điều kiện duy trì giấy phép hoạt động của công ty quản lý quỹ là phải đang quản lý tối thiểu một quỹ. Quy định này, theo nhiều thành viên thị trường, nếu không rõ ràng sẽ gây khó cho công ty quản lý quỹ.

Nhà quản lý đang thúc đẩy tái cơ cấu nhà đầu tư theo hướng gia tăng nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Việc lắng nghe ý kiến từ thị trường, sớm có những cơ chế, giải pháp hỗ trợ ngành quỹ, nhất là với các sản phẩm quỹ mới ra đời vừa thúc ngành quỹ phát triển, vừa đạt mục tiêu tái cơ cấu nhà đầu tư.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục