Nơi nhà đầu tư nước ngoài đặt cược
Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022) với chủ đề “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu” diễn ra cuối năm 2022 đã mở ra tín hiệu khởi sắc về dòng vốn đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước. Theo đó, 39 quỹ đầu tư cam kết rót 1,5 tỷ USD cho các start-up Việt trong 3 năm tới.
Việt Nam là một trong những điểm đến hứa hẹn nhất cho các nhà đầu tư ở thị trường châu Á. Nền kinh tế số thành công khi đạt giá trị 23 tỷ USD năm 2022 và đang tiếp tục gia tăng, đạt khoảng 50 tỷ USD vào năm 2025 đã biến Việt Nam thành thị trường phát triển nhanh nhất của khu vực do bùng nổ thương mại điện tử.
Theo StartupBlink (trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu), Việt Nam có đủ đà tăng trưởng để vượt Thái Lan về sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM là động lực thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tương lai của Việt Nam. Lý do chủ yếu là quy mô của nền kinh tế giúp các công ty khởi nghiệp thành công ngay cả khi không mở rộng sang thị trường quốc tế.
Ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures cho rằng, Việt Nam đang trở thành trụ cột thứ ba của khu tam giác vàng giữa Indonesia và Singapore, bởi đang sở hữu những tài năng công nghệ hàng đầu, một văn hóa khởi nghiệp mạnh mẽ và thị trường nội địa phát triển nhanh chóng. “Đây là các yếu tố kích thích các nhà đầu tư toàn cầu muốn đặt cược lớn vào Đông Nam Á”, ông Vinnie Lauria cho biết.
Theo dữ liệu từ Công ty đầu tư mạo hiểm Nextrans (Hàn Quốc), từ năm 2021đến 2022, Việt Nam ngày càng có nhiều nhà đầu tư mới vào giai đoạn đầu của start-up, mở rộng sang thị trường Việt Nam hoặc gây quỹ mới tập trung vào Việt Nam. Nextrans cũng có kế hoạch thành lập một quỹ mới với quy mô 50 triệu USD tập trung vào thị trường này. Nextrans muốn tìm kiếm thêm các doanh nghiệp trong lĩnh vực tăng trưởng bền vững cùng với các lĩnh vực mới nổi như công nghệ tài sản, proptech và SaaS.
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, phụ trách đầu tư Nextrans Việt Nam xác nhận, quỹ mới này có thể giải ngân tới 3 triệu USD cho một thương vụ góp vốn. Tính đến hiện tại, Nextrans đã rót vốn vào hơn 30 start-up trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Khẩu vị của Nextrans là các start-up công nghệ có khả năng tăng trưởng cao, như giáo dục, tài chính, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp.
Trong khi đó, trong năm nay, VinaCapital sẽ ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm thứ hai tại Việt Nam với mục tiêu đầu tư vào các dự án khởi nghiệp ở giai đoạn Series A+ và Seris B và tiền IPO. Quỹ sẽ tập trung tìm kiếm các công ty công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao tại Việt Nam, liên quan đến các lĩnh vực như tiêu dùng, tài chính, y tế, nông nghiệp và du lịch. Quỹ cũng tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực mới như chất thải thực phẩm và các giải pháp an toàn thực phẩm, blockchain, cơ sở hạ tầng xe điện. Quỹ có thể rót tối đa 10 triệu USD cho từng vòng đầu tư.
Đâu là cú hích?
Việt Nam là một trong những điểm đến hứa hẹn nhất cho các nhà đầu tư ở thị trường châu Á.
Trong bối cảnh thanh khoản mắc kẹt, doanh nghiệp có chất lượng tín dụng kém có thể chứng kiến dòng tiền bị bào mòn và khó khăn trong tiếp cận vốn đảo nợ. Tuy nhiên, các đơn vị có dòng tiền mạnh và huy động được vốn quốc tế vẫn sẽ vượt qua được giai đoạn trên.
Năm 2022 ghi nhận nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn quốc tế và hai trong số đó là Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (105 triệu USD) và Công ty cổ phần Kinh doanh F88 (60 triệu USD) đang được xếp hạng tín nhiệm bởi FiinRatings.
Ngoài ra, việc Việt Nam sẽ sớm ban hành Quy định tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh tạo cú hích cho nhiều ngành như năng lượng, xây dựng, bất động sản xanh… tăng trưởng.
Công ty cổ phần Xây lắp Điện 1 (PCC1), Công ty cổ phần TTP Phú Yên đã huy động tín dụng xanh thông qua quá trình xác minh với Tổ chức Trái phiếu Khí hậu (CBI) cho các dự án năng lượng gió, mặt trời. Điều này khiến giới đầu tư kỳ vọng, trong năm nay, sẽ thêm nhiều doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí và huy động thành công tín dụng, trái phiếu xanh.
Thêm vào đó, trong khối liên kết, hợp tác, doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận một làn sóng mới, đó là mua bán, sáp nhập (M&A) giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư với nhau. Đặc biệt, các chủ doanh nghiệp cũng phải chấp nhận việc chuyển nhượng các cổ phần, các dự án cho các nhà đầu tư mới để có thể tăng quy mô của doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần phải có những cơ chế để thúc đẩy các nhà đầu tư sử dụng các công cụ tài chính hỗ trợ như quỹ đầu tư và chứng chỉ quỹ.
Các quỹ đầu tư lớn và các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán, hay các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ PE khi đầu tư vào doanh nghiệp trong thời gian dài đều thắng thế, vì họ có kiến thức sâu và kiên định về việc đầu tư.
Theo ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), rất nhiều quỹ chỉ đầu tư vào những thị trường nằm trong điều lệ của họ, không đầu tư vào thị trường chưa đạt độ minh bạch về tài chính. Bởi vậy, nhiều quỹ đầu tư với hàng trăm tỷ USD sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam, nếu thị trường được nâng hạng.
Theo các nhà gây quỹ đầu tư, khó khăn trong huy động vốn đôi khi cũng có những thuận lợi, làm cho doanh nghiệp chuyển mình hơn. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp nên tìm đến nguồn vốn qua các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực đó.
Hiện không nhiều doanh nghiệp, start-up biết đến nguồn vốn tín dụng xanh, trái phiếu xanh, trong khi khó tiếp cận vay được những ngân hàng truyền thống hoặc những tổ chức tài chính khác.
Bài toán tài chính luôn khó giải và mang tính chiến lược. Sau những khó khăn này, các doanh nghiệp sẽ phải cơ cấu lại, chủ động hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển đều và phát triển vững của doanh nghiệp.