Tương quan mới trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ

Cách đây một thập kỷ, khi thâm hụt ngân sách Chính phủ Mỹ tăng cao, nhiều nhà phê bình cho rằng, Washington “phụ thuộc vào lòng hảo tâm của người ngoài”. Khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài, mà chủ yếu là các chính phủ, là đối tượng mua phần lớn số trái phiếu kho bạc Mỹ được phát hành mới.
Hoạt động tăng cường mua nợ chính phủ của các nhà đầu tư trong nước giúp Washington giảm nhu cầu thu hút vốn nước ngoài, đồng thời giúp giữ lãi suất tại Mỹ ở mức thấp Hoạt động tăng cường mua nợ chính phủ của các nhà đầu tư trong nước giúp Washington giảm nhu cầu thu hút vốn nước ngoài, đồng thời giúp giữ lãi suất tại Mỹ ở mức thấp

Giờ đây, thâm hụt ngân sách của Mỹ cũng đang phình to, nhưng theo tờ New York Times, câu chuyện lần này đã khác. Chính các nhà đầu tư tại Mỹ, thay vì các nhà đầu tư nước ngoài, là những người mua hầu hết số nợ Mỹ mới phát hành. New York Times dẫn số liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố tuần trước cho thấy, các chính phủ - từng một thời là khách hàng quan trọng của Washington - đã bán ròng trái phiếu kho bạc Mỹ trong nửa đầu năm nay.

 

Thời gian gần đây, tờ Financial Times cũng đưa tin về việc Trung Quốc, nước hiện nắm giữ nhiều nợ Mỹ nhất thế giới, liên tục bán ròng trái phiếu kho bạc Mỹ trong mấy tháng trở lại đây. Cùng với đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh mua vào trái phiếu của Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

Hoạt động tăng cường mua nợ chính phủ của các nhà đầu tư trong nước giúp Washington giảm nhu cầu thu hút vốn nước ngoài, đồng thời giúp giữ lãi suất tại Mỹ ở mức thấp. Mặc dù vậy, New York Times cho rằng, không thể vì thực tế này mà khẳng định, giới đầu tư tại Mỹ sẵn sàng hơn trong việc cho Chính phủ vay tiền là vì họ lo sợ thua lỗ ở những kênh đầu tư khác. Ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 2008, cả các nhà đầu tư bên trong và bên ngoài nước Mỹ đều không mấy hứng thú với trái phiếu do Washington phát hành.

 

Trong năm 2007, Bộ Tài chính Mỹ vay ròng số tiền 237 tỷ USD. Trong đó, 81% đến từ các chính phủ nước ngoài, mà chủ yếu là các ngân hàng trung ương. Các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài chiếm lượng mua ròng còn lại, vì các công ty, ngân hàng và cá nhân tại Mỹ trong năm đó đã bán ròng 13 tỷ USD nợ Mỹ.

 

Nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, số liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, các chính phủ nước ngoài đã bán ròng 10 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Từ năm 2000 (năm Chính phủ Mỹ đạt thặng dư ngân sách) tới nay, chưa khi nào các chính phủ nước ngoài bán ròng nợ do Washington phát hành.

 

New York Times lưu ý, số liệu về tình hình thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trong nửa đầu năm nay mới chỉ là số liệu sơ bộ và có thể sẽ được điều chỉnh. Ngoài ra, các con số này cũng cần được nhìn nhận với quan điểm thận trọng, vì chưa chắc đã phản ánh được quyền sở hữu thực sự số trái phiếu được mua bán. Chẳng hạn, số trái phiếu kho bạc Mỹ do một quỹ ở London nắm giữ được xem là thuộc sở hữu của khách hàng Anh, nhưng trên thực tế, khách hàng sở hữu thực sự số trái phiếu đó có thể sống ở New York, Hồng Kông hoặc Paris.

 

Tính chung, các nhà đầu tư tại Mỹ mua nhiều nợ Mỹ hơn các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các chính phủ, trong cả năm 2009 và cả nửa đầu năm nay. Lực mua này được xem là nguồn tài chính quan trọng để Washington thực hiện các vụ giải cứu nhà băng, doanh nghiệp, và vực dậy nền kinh tế khỏi suy thoái. Lượng trái phiếu Mỹ do các nhà đầu tư trong nước mua không tính tới khối lượng mua bán do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các cơ quan khác của Chính phủ Mỹ thực hiện.

 

Trong vòng hai năm rưỡi kể từ cuối năm 2007, Bộ Tài chính đã phát hành số trái phiếu trị giá 3.500 tỷ USD. Trong đó, hơn một nửa số nợ này được bán cho các công ty, ngân hàng và cá nhân tại Mỹ.

 

Trong khi đó, trong vòng 6 năm kể từ năm 2002 tới năm 2007, 3/4 trong số 1.700 tỷ USD trái phiếu mới phát hành của Chính phủ Mỹ đã được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài mua. Trong đó, các chính phủ nước ngoài chi 1.000 tỷ USD để mua nợ Mỹ.

 

Hiện 46% số dư nợ trái phiếu kho bạc Mỹ là do các nhà đầu tư bên ngoài nước Mỹ nắm giữ, giảm so với mức 49% vào đầu năm 2008 - thời điểm trước khi bùng nổ khủng hoảng tài chính - nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức 31% vào thời điểm cuối năm 2001.


VNE

Tin cùng chuyên mục