S&P 500 lập kỷ lục, Nasdaq lên cao nhất 15 năm

(ĐTCK) Với hàng loạt thông tin tích cực hỗ trợ, như kết quả kinh doanh, giá dầu tăng, căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt..., chứng khoán toàn cầu có phiên tăng đẹp cuối tuần. Trong đó, chỉ số S&P 500 lập kỷ lục mới, trong khi Nasdaq cũng leo lên mức cao nhất 15 năm.
S&P 500 lập kỷ lục, Nasdaq lên cao nhất 15 năm

Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm khá tốt trong phiên cuối tuần với các thông tin tích cực đến từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh. Ngoài ra, tình hình Hy Lạp cũng hỗ trợ ít nhiều cho phố Wall khi Chính phủ mới của nước này bắt đầu có động thái để hướng tới 1 thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế.

Bên cạnh đó, việc giá dầu tiếp tục hồi phục tốt giúp nhóm cổ phiếu năng lượng tăng ấn tượng. Cùng với đó là thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine đã được ký kết cũng góp phần giúp giới đầu tư chứng khoán nhẹ lòng.

Với các thông tin tích cực trên, phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên cuối tuần, trong đó, chỉ số S&P 500 lập kỷ lục mới, trong khi chỉ số Nasdaq cũng tăng lên mức cao nhất 15 năm.

Kết thúc phiên 13/2, chỉ số Dow Jones tăng 46,97 điểm (+0,26%), lên 18.019,35 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,51 điểm (+0,41%), lên 2.096,99 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 36,22 điểm (+0,75%), lên 4.893,84 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,09%, chỉ số S&P 500 tăng 2,02% và chỉ số Nasdaq tăng 3,15%. Đây là tuần tăng mạnh thứ 2 liên tiếp trong tháng 2 của phố Wall.

Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall giảm mạnh trong phiên cuối tuần, xuống dưới mức 15. Điều này cho thấy, tâm lý nhà đầu tư đang rất hứng khởi và chứng khoán có nhiều triển vọng để tiếp tục tăng mạnh trong tuần tới.

Tuần tới, thị trường chờ đợi kết quả kinh doanh của Wal-mart với dự đoán tập đoàn bán lẻ này sẽ có doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh sau mùa mua sắm rầm rộ vừa diễn ra trong bối cảnh niềm tin người tiêu dùng tăng mạnh, thị trường lao động tiếp tục được cải thiện và tiền lương đã tăng lên.

Thị trường chứng khoán châu Âu bước vào phiên cuối tuần cũng nhận được thông tin tích cực. Bên cạnh diễn biến tích cực về tình hình Hy Lạp, thì nền kinh tế Đức tăng trưởng 0,7% quý IV/2014, cao hơn dự kiến, với nhu cầu trong nước của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã thoát khỏi giai đoạn trầm lắng.

Kết thúc phiên 13/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 45,41 điểm (+0,67%), lên 6.873,52 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 43,75 điểm (+0,40%), lên 10.963,40 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 33,16 điểm (+0,70%), lên 4.759,36 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,29%, chỉ số DAX tăng 1,08% và chỉ số CAC 40 tăng 1,46%. Đây cũng là tuần tăng thứ 2 liên tiếp trong tháng 2 của chứng khoán châu Âu.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã rút lui khỏi mức cao 7 tuần rưỡi do áp lực chốt lời ở một số cổ phiếu tăng mạnh trước đó. Tuy nhiên, giới đầu tư cũng nhanh chóng chuyển hướng sang các cổ phiếu có tính chu kỳ, nên mức giảm của chỉ số Nikkei 225 chỉ ở mức khiêm tốn.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại có phiên tăng mạnh cuối tuần nhờ những thông tin tích cực về địa chính trị tại châu Âu, cũng như thông tin Thụy Điển bất ngờ nới lỏng chính sách tiền tệ. Chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục duy trì đà tăng mạng theo kỳ vọng của giới đầu tư về khả năng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ đưa ra chương trình kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên 13/2, chỉ số Nikkei 225 giảm 66,36 điểm (-0,37%), xuống 17.913,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 260,39 điểm (+1,07%), lên 24.682,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 30,41 điểm (+0,96%), lên 3.203,83 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm tăng 1,50% sau khi giảm 0,15% tuần trước, chỉ số Hang Seng duy trì đà tăng nhẹ 0,01% sau khi đã tăng 0,70% tuần trước. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite lấy lại gần hết những gì đã đánh mất tuần trước đó với mức tăng 4,16% (tuần trước giảm 4,19%).

Dù mất đi tính hấp dẫn là nơi trú ẩn với các thông tin về kinh tế tích cực, cũng như địa chính trị châu Âu, nhưng giá vàng vẫn duy trì được đà tăng nhẹ trong phiên cuối tuần.

Theo các nhà phân tích, dữ liệu kinh tế Mỹ vẫn là thông tin có tác động mạnh nhất tới giá vàng trong tuần tới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần chú ý đến những gì xảy ra ở châu Âu, bởi cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp dù đang phát đi tín hiệu tích cực, nhưng không chắc chắn và khả năng Hy Lạp rời khu vực đồng euro vẫn còn.

Thứ Hai tuần tới, thị trường Mỹ sẽ nghỉ ngày Tổng thống, trong khi một số thị trường châu Á cũng bắt đầu bước vào kỳ nghỉ Tết cổ truyền, nên vàng sẽ ít biến động.

Kết thúc phiên 13/2, giá vàng giao ngay tăng 6,2 USD (+0,51%), lên 1.227,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 6,4 USD/ounce (+0,52%), lên 1.220,7 USD/ounce.

Kết thúc tuần giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,44%, giá vàng giao tháng 4 giảm 0,61%. Đây là tuần giảm thứ 2 liên tiếp trong tháng của giá vàng, nhưng mức giảm tuần này khiêm tốn hơn rất nhiều tuần trước.

Giá dầu tiếp tục hồi phục ấn tượng trong phiên cuối tuần khi dữ liệu vừa công bố cho thấy sự sụt giảm số lượng giàn khoan của Mỹ trong tuần, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2011

Kết thúc phiên 13/2, giá dầu thô Mỹ tăng 1,57 USD/thùng (+2,97%), lên 52,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,34 USD (+0,59%), lên 57,39 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tiếp tục tăng 2,11% sau khi tăng 7,15% tuân trước, trong khi giá dầu thô Brent đảo chiều giảm nhẹ 0,71% sau khi tăng mạnh 17,65% của tuần trước.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục