Chứng khoán lình xình, vàng, dầu lao dốc

(ĐTCK) Mọi ánh mắt của giới đầu tư đang hướng về cuộc đàm phán nợ giữa Hy Lạp và châu Âu, trong khi thông tin về cuộc đàm phán này lại trái chiều, khiến giới đầu tư trở nên thận trọng. Trong khi đó, lực bán kỹ thuật và đồng USD tăng mạnh khiến vàng giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần. Giá dầu tiếp tục giảm mạnh khi các kho dự trữ lên mức kỷ lục.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Dù thị trường đang bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh, nhưng khác với mọi lần, mùa công bố kết quả kinh doanh lần này không mấy có tác động tới thị trường khi mọi ánh mắt đều đổ dồn về Brussels, nơi diễn ra cuộc đàm phán giữa các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro với Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp về vấn đề nợ của nước này.

Chứng khoán Mỹ, nhất là 2 chỉ số S&P 500 và Dow Jones chủ yếu dao động dưới mức tham chiếu trong phiên giao dịch hôm thứ Tư khi giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ lo lắng về vấn đề Hy Lạp.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đang bước vào cuộc đàm phán với các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro với nhiệm vụ như phát biểu trước Quốc hội của tân Thủ tướng nước này rằng, Hy Lạp sẽ không chấp nhận bất kỳ một thỏa thuận nào về việc mở rộng gói cứu trợ quốc tế.

Trong khi đó, Đức, quốc gia có tiếng nói trọng lượng trong khu vực đồng euro là nước tỏ thái độ cứng rắn nhất với Hy Lạp khi yêu cầu Athens phải tôn trọng đúng các cam kết trước đó. Những mâu thuẫn này khiến giới đầu tư lo ngại cuộc đàm phán sẽ đổ vỡ và làm tăng nguy cơ Hy Lạp sẽ tách khỏi khu vực đồng euro.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Luxembourg cho biết, vào cuối ngày đàm phán, các quan chức châu Âu đã nhất trí mở thêm cơ hội các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục.

Cuộ đàm phán này đã không đưa ra một tuyên bố chính thứ nào, cũng như hướng nào cụ thể về việc mở rộng gói cứu trợ quốc tế cho Hy Lạp cho đến cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra vào thứ Hai tuần sau.

"Chúng tôi tìm hiểu một số vấn đề, một trong số đó là các chương trình hiện tại. Chúng tôi đã thảo luận về khả năng của một phần mở rộng gói cứu trợ. Một số người thích sự lựa chọn này, nhưng chúng tôi không đi đến kết luận nào. Chúng tôi sẽ cần một chút thời gian", Jeroen Dijsselbloem, người chủ trì cuộc họp sáng sớm hôm thứ Năm (12/2) tại Brussels phát biểu.

Sau thông tin này, giới đầu tư phố Wall đã bớt lo lắng, giúp các chỉ số dần hồi phục và hãm bớt đà giảm vào cuối phiên.

Ngoài vấn đề Hy Lạp, cuộc khủng hoảng Ukraine cũng bớt căng thẳng với cuộc gặp giữa 4 bên Nga, Đức, Pháp và Ukraine để tìm biện pháp tháo gỡ cho cuộc khủng hoảng này.

Kết thúc phiên 11/2, chỉ số Dow Jones giảm 6,62 điểm (-0,04%), xuống 17.862,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,06 điểm (-0,00%), xuống 2.068,53 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 13,54 điểm (+0,28%), lên 4.801,18 điểm.

Tương tự chứng khoán Mỹ, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng hướng ánh mắt đến cuộc đàm phán vấn đề nợ của Hy Lạp. Vì vậy, các chỉ số chính trên thị trường cũng chủ yếu dao động dưới tham chiếu.

Trong khi các quan chức châu Âu cho biết về hướng mở có lợi cho cuộc đàm phán, thì một quan chức chính phủ Hy Lạp khẳng định, có thể sẽ không có phần mở rộng của gói cứu trợ.

Rõ ràng những thông tin về cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp đang khiến giới đầu tư khá khó xử, vì các thông tin được đưa ra trái chiều nhau.

Kết thúc phiên 11/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 10,95 điểm (-0,16%), xuống 6.818,17 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 1,72 điểm (-0,02%), xuống 10.752,11 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 16,27 điểm (-0,35%), xuống 4.679,38 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch, thì trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm khá mạnh do tác động bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng khi giới đầu tư lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục duy trì đà tăng khi giới đầu tư kỳ vọng vào chương trình kích thích kinh tế sắp được đưa ra. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm thứ Ba cam kết, sẽ chống lại bất kỳ sự suy thoái của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Kết thúc phiên 11/2, chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch, nhưng ngay khi mở cửa phiên sáng nay (12/2) đã tăng mạnh hơn 1,5%. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 213,08 điểm (-0,87%), xuống 24.315,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 16,11 điểm (+0,51%), lên 3.157,70 điểm.

Trên thị trường vàng, việc đồng USD mạnh lên, cùng lực bán kỹ thuật và giá dầu thô giảm mạnh trở lại đã tác động tiêu cực trên giá vàng. Ngoài ra, vai trò trú ẩn an toàn của vàng cũng chưa được xác định khi cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp vẫn chưa có thỏa thuận chính thức. Chịu những tác động trên, giá vàng đã có phiên giảm mạnh trong ngày thứ Tư và xuống mức thấp nhất 4 tuần.

Kết thúc phiên 11/2, giá vàng giao ngay giảm 15,8 USD (-1,28%), xuống 1.217,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 12,6 USD/ounce (-1,02%), xuống 1.219,6 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục giảm mạnh khi thông tin về các kho dự trữ tăng cao lên mức kỷ lục. Sau khi mất hơn 5% trong phiên thứ Ba, giá dầu lại giảm tiếp hơn 3% trong ngày thứ Tư.

Kết thúc phiên 11/2, giá dầu thô Mỹ giảm 1,18 USD/thùng (-2,42%), xuống 48,84 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,77 USD (-3,24%), xuống 54,66 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục