Giới đầu tư lo sợ với dữ liệu việc làm Mỹ khả quan

(ĐTCK) Bình thường, dữ liệu việc làm và tiền lương của Mỹ khả quan sẽ giúp chứng khoán tăng mạnh, tuy nhiên, lần này nó gắn với khả năng Fed tăng lãi suất, nên giới đầu tư nhanh chóng bán ra, khiến chứng khoán đảo chiều, trong khi má phanh giữ giá vàng không rơi đã bị đứt.
Giới đầu tư lo sợ với dữ liệu việc làm Mỹ khả quan

Cuối cùng dữ liệu quan trọng và được nhiều nhà đầu tư chờ đợi nhất cũng đã được công bố. Theo Bộ Lao động Mỹ, bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 1 của nước này tăng thêm 257.000 việc làm, cao hơn nhiều so với con số kỳ vọng 234.000 việc làm của giới phân tích. Dữ liệu việc làm của tháng 11 và 12 năm ngoái cũng đã được điều chỉnh lên mức rất cao so với con số công bố trước đó.

Không chỉ có vậy, tiền lương trong tháng 1 cũng tăng thêm 12 cent sau khi giảm 5 cent vào tháng trước, qua đó giúp mức tăng trưởng tiền lương theo năm đạt 2,2%, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014. Điều này có thể giúp lạm phát tăng hơn và có thể lên mức mục tiêu của Cục dự trữ Lên bang Mỹ (Fed). Lạm phát thấp chính là lực cản khiến Fed trì hoãn việc tăng lãi suất của mình.

“Điều này cho thấy, khả năng lớn là Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 tới”, Sebastien Galy, nhà phân tích cao cấp về  thị trường ngoại hối của Societe Generale tại New York nói sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố.

Sau thông tin tích cực về việc làm, bình thường chứng khoán Mỹ sẽ có phản ứng tích cực và tăng mạnh, nhưng lần này đã khác. Việc phố Wall đã tăng khá mạnh trước đó với đà tăng của giá dầu, cùng với nỗi lo Fed sẽ tăng lãi suất vào giữa năm nay đã khiến giới đầu tư nhanh chóng chốt lời, kéo cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm trở lại trong phiên chiều và đóng cửa trong sắc đỏ. Ngay cả cổ phiếu năng lượng cũng không còn duy trì được sắc xanh, dù giá dầu vẫn có mức tăng khá tốt.

Kết thúc phiên 6/2, chỉ số Dow Jones giảm 60,59 điểm (-0,34%), xuống 17.824,29 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,05 điểm (-0,34%), xuống 2.055,47 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 20,70 điểm (-0,43%), xuống 4.744,40 điểm.

Dù giảm điểm trong phiên đầu tuần, nhưng với việc giá dầu hồi phục mạnh trong tuần qua, chứng khoán Mỹ cũng có tuần tăng tốt với chỉ số Dow Jones tăng 3,84%, chỉ số S&P 500 tăng 3,03% và chỉ số Nasdaq tăng 2,36%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, giới đầu tư vẫn chưa thoát khỏi mối lo Hy Lạp và chính sự sụt giảm cổ phiếu ngân hàng từ thị trường Hy Lạp đã gây ra những lo ngại cho giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu. Tuy nhiên, sau khi dữ liệu việc làm khả quan của Mỹ được công bố, cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng trưởng vững chắc, chứng khoán châu Âu đã hồi trở lại, trong khi chỉ số chung tăng nhẹ, thì các chỉ số ở các thị trường chính cũng chỉ có mức giảm khiêm tốn.

Kết thúc phiên 6/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 12,49 điểm (-0,18%), xuống 6.853,44 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 59,02 điểm (-0,54%), xuống 10.846,39 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 12,27 điểm (-0,26%), xuống 4.691,03 điểm.

Cũng giống phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng có tuần tăng tốt nhờ giá dầu tăng, nhưng do mối lo Hy Lạp, nên đà tăng không như chứng khoán Mỹ. Trong đó, chỉ số FTSE 100 tăng 1,54% trong tuần, chỉ số DAX tăng 1,42% và chỉ số CAC 40 tăng 1,88%.

Trong khi các thị trường chính khác của châu Á vẫn giảm điểm, đặc biệt là thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục với mối lo tăng trưởng kinh tế chậm lại, thì chứng khoán Nhật Bản lại hồi phục khá, lấy lại được gần hết những gì đã mất trong phiên thứ Năm nhờ giá dầu tiếp tục duy trì đà tăng. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều giảm nhẹ trở lại khi giới đầu tư chốt lời và lo lắng từ tình hình của đại lục. Theo giới phân tích, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối  với các ngân hàng thương mại chưa đủ mạnhd dể kích thích nền kinh tế, mà PBOC cần phải cắt giảm lãi suất thêm nữa.

Kết thúc phiên 6/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 143,88 điểm (+0,82%), lên 17.648,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 86,10 điểm (-0,35%), xuống 24.679,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 60,62 điểm (-1,93%), xuống 3.075,91 điểm.

Trong tuần trong khi chứng khoán Hồng Kông có được mức tăng nhẹ, thì chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc đều giảm, đặc biệt là chứng khoán Trung Quốc. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,15%, chỉ số Hang Seng tăng 0,70%, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 4,19%.

Đúng như dự đoán của giới phân tích, giá vàng đã lao mạnh ngay khi dữ liệu về thị trường việc làm của Mỹ khả quan. Dữ liệu này tích cực ngoài việc lấy đi vai trò trú ẩn của vàng, còn làm gia tăng khả năng Fed tăng lãi suất, qua đó khiến đồng USD tăng mạnh và gây áp lực lớn cho giá vàng.

Dù Fed chưa tăng lãi suất, nhưng sau dữ liệu về thị trường lao động khả quan của Mỹ được công bố, đồng USD đã tăng mạnh so với các loại tiền tệ khác. Trong phiên cuối tuần, đồng EUR giảm 1,38% so với đồng USD, xuống 1,13220 USD, mức giảm trong ngày lớn nhất trong 2 tuần, trong khi đồng USD cũng tăng mạnh trở lại so với đồng JPY, có lúc lên mức 119,23, mức cao nhất 3 tuần rưỡi, trước khi đóng cửa ở mức 118,845 JPY, tăng 1,13%. Chỉ số USDIndex tăng 1,15%, lên 94,64.

Chính vì vậy, sau khi lình xình để chờ thông tin trong phiên giao dịch châu Á và châu Âu, giá vàng đã lao mạnh ngay khi bước vào phiên giao dịch Mỹ với thông tin tích cực từ Bộ Lao động Mỹ công bố, xuống mức thấp nhất kể từ 12/1.

Kết thúc phiên 6/2, giá vàng giao ngay giảm 31,2 USD (-2,47%), xuống 1.233,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 28,1 USD/ounce (-2,23%), xuống 1.234,6 USD/ounce.

Kết thúc tuần giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 3,88%, giá vàng giao tháng 2 và tháng 4 cùng giảm 3,49%.

Trái ngược với giá vàng, giá dầu đã có tuần tăng ấn tượng. Nhận định về việc giá dầu đã chạm đáy trong tuần trước của giới phân tích dường như đang đúng. Những thông tin không khả quan chỉ làm cho giá nhiên liệu này giảm 1 phiên và nhanh chóng lấy lại đà tăng sau đó. Trong phiên cuối tuần, giá dầu tiếp tục tăng mạnh hơn 2% sau khi đã có 4% trong phiên trước.

Kết thúc phiên 6/2, giá dầu thô Mỹ tăng 1,21 USD/thùng (+2,34%), lên 51,69 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,23 USD (+2,13%), lên 57,80 USD/thùng.

Trong tuần, do phiên lao dốc mạnh nhất trong lịch sử hôm thứ Tư sau dữ liệu kho dự trữ của Mỹ tăng lên mức kỷ lục, nên giá dầu thô Mỹ có mức tăng 7,15%, thua xa so với mức 17,65% của giá dầu thô Brent.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục