China Eastern và Shanghai Airlines: Hợp lực để sống khoẻ hơn

(ĐTCK) China Eastern Airlines (CEA), hãng hàng không lớn thứ 3 Trung Quốc (sau China Southern Airlines và Air China) vừa đạt được thoả thuận mua lại Shanghai Airlines, hãng hàng không của TP. Thượng Hải với giá 9 tỷ nhân dân tệ (1,3 tỷ USD).
China Eastern và Shanghai Airlines: Hợp lực để sống khoẻ hơn

Đây là nỗ lực mới nhất của cả hai hãng hàng không nhằm cải thiện tình hình kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và kết quả làm ăn mấy năm liền không thuận (cả hai hãng hàng không đều bị lỗ nặng).

Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, Shanghai Airlines sẽ trở thành một công ty con của CEA, vẫn giữ nguyên thương hiệu, song sẽ rút niêm yết cổ phiếu khỏi Sở GDCK Thượng Hải, trong khi cổ phiếu của CEA vẫn tiếp tục được giao dịch đồng thời tại 2 sở GDCK Thượng Hải và Hồng Kông.

Đại diện hai hãng đã ngồi với nhau để tiến hành bàn thảo về phương án sáp nhập từ vài tháng nay. Cách đây hơn 1 tháng, sau khi hai bên đã cơ bản nhất trí với nhau về mặt nguyên tắc của việc sáp nhập thì cổ phiếu của 2 hãng đã tạm ngừng giao dịch (kể từ ngày 8/6 đến 12/7, ngày 13/7 mới bắt đầu giao dịch trở lại). Còn sau khi thông tin về việc hai hãng đạt được thoả thuận sáp nhập thì tại phiên giao dịch ngày 14/7 vừa qua, giá cổ phiếu của cả hai tại Sở GDCK Thượng Hải đều tăng hơn 5% so với phiên giao dịch trước.

Theo tính toán, hãng hàng không mới được hình thành trên cơ sở CEA sáp nhập với Shanghai Airlines sẽ có thế mạnh đáng kể là chiếm thị phần vận chuyển hàng không lớn (cả hành khách lẫn hàng hoá) ở Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc. CEA ước nắm 46,6% thị phần vận chuyển hành khách ở Thượng Hải (thay vì 32,1% như hiện nay), còn thị phần vận chuyển hàng hoá cũng sẽ tăng tương ứng từ 17,6% hiện nay lên 26,6%.

Hai hãng hàng không có ý định đẩy nhanh việc sáp nhập để chuẩn bị đón đầu cơ hội vàng khi Hội chợ Thế giới (World Expo 2010) sẽ bắt đầu mở cửa từ tháng 5/2010 và kéo dài trong những tháng sau đó. World Expo 2010 sẽ đón rất nhiều khách đến từ khắp nơi trên thế giới và đây là cơ hội để 2 hãng phối hợp “hốt bạc”, bởi trụ sở chính và địa bàn hoạt động chủ yếu của 2 hãng đều là Thượng Hải.

Ông Zhou Chi, Chủ tịch Shanghai Airlines cho biết, để hoàn tất mọi thủ tục sáp nhập này cần khoảng thời gian từ 4 đến 5 tháng. Sau đó, CEA chính thức trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 Trung Quốc, chỉ sau China Southern Airlines.

Việc mua lại Shanghai Airlines giúp CEA trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 Trung Quốc
Việc mua lại Shanghai Airlines giúp CEA trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 Trung Quốc

Theo Liu Jiangbo, người phát ngôn của Nhóm công tác phụ trách về việc sáp nhập này, CEA hiện có 220 máy bay các loại, trong khi Shanghai Airlines có tổng cộng 70 chiếc. Trước mắt, Shanghai Airlines tạm thời vẫn khai thác mọi đường bay như cũ. “Sau một thời gian tiếp tục khai thác, những đường bay trùng giữa Shanghai Airlines và CEA sẽ được điều chỉnh lại một cách hợp lý, mang lại hiệu quả cao hơn về mặt kinh tế”, ông Liu Jiangbo nói.

Theo một số nhà phân tích, không phải 2 hãng hàng không này đến với nhau một cách hoàn toàn tự nguyện, mà ít nhiều có sự dàn xếp, thậm chí là ép buộc từ Chính phủ Trung Quốc. Lý do cũng dễ hiểu, bởi Chính phủ Trung Quốc đang muốn kiện toàn và tối ưu hoá hệ thống hãng hàng không dân dụng của nước này trong bối cảnh làm ăn thua lỗ hiện nay. Năm 2008 là năm thất bát của ngành hàng không dân dụng Trung Quốc khi cả 3 “con chim đầu đàn” là China Southern Airlines, Air China, CEA đều bị lỗ nặng. Cụ thể, năm 2008, 3 hãng này bị lỗ tổng cộng 23,9 tỷ nhân dân tệ, trong đó riêng CEA bị lỗ tới 13,9 tỷ nhân dân tệ. Trong 4 năm gần đây, CEA chỉ lãi đúng có một năm. Năm ngoái, Shanghai Airlines cũng bị lỗ 1,25 tỷ nhân dân tệ (183,8 triệu USD). Rồi cả hai hãng hàng không này đều đã nhận tiền cứu trợ của Chính phủ Trung Quốc. CEA đã được cấp 7 tỷ nhân dân tệ, trong khi Shanghai Airlines được nhận 1 tỷ nhân dân tệ.

Đầu tuần này, ông Liu Shaoyong, Chủ tịch CEA tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào hãng này. “CEA đang trong quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài”, ông Liu Shaoyong nói.

Dù biết thị trường hơn 1,3 tỷ người của Trung Quốc là rất tiềm năng và béo bở đối với dịch vụ hàng không dân dụng, song nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các hãng hàng không nước ngoài đều chần chừ chưa muốn đầu tư mua cổ phần của các hãng hàng không Trung Quốc. Bài học nhỡn tiền còn sờ sờ ra đó. Tháng 9/2007, Hãng hàng không Singapore Airlines và Tập đoàn Temasek Holdings Pte của Singapore đã đầu tư 923 triệu USD để mua 24% cổ phần của chính CEA để trở thành cổ đông chiến lược. Thế nhưng, chỉ trong vòng một năm Singapore Airlines và Temasek Holdings cùng phải tháo lui khi có những bất đồng sâu sắc trong quản lý với lãnh đạo của China Eastern Airlines. Một vị lãnh đạo của Hãng hàng không Singapore Airlines đã từng có bình luận chua chát về vụ đầu tư này đại ý như sau: tưởng là ngon xơi mà chẳng dễ xơi.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục