Bank of America: Thị trường chứng khoán đang tăng giá ảo

(ĐTCK) Giá cổ phiếu đã tách rời khỏi nền kinh tế do sự can thiệp gần đây từ các ngân hàng trung ương vào thị trường trái phiếu, theo các nhà phân tích tại Bank of America.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Trong một phân tích được công bố vào ngày thứ Sáu (22/5), bộ phận chứng khoán của Bank of America đã nhấn mạnh câu hỏi tại sao thị trường chứng khoán lại tách rời khỏi nền kinh tế, đây cũng là câu hỏi phổ biến của giới đầu tư.

Bất chấp khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, cho đến nay, Mỹ đã chứng kiến 38 triệu người thất nghiệp và tác động mạnh mẽ đến GDP toàn cầu, nhưng các tài sản rủi ro cũng hồi phục mạnh mẽ sau thời gian giảm mạnh.

Tính đến sáng ngày 22/5, S&P 500 đã tăng hơn 14% và Dow Jones tăng hơn 11% trong quý II, đà hồi phục mạnh kể từ giai đoạn báo tháo lịch sử tháng 3 khi Covid-19 bắt đầu lan rộng ở Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới.

Michael Hartnett, chiến lược gia của Bank of America đã đưa ra một số lý do chính cho việc không nên nắm giữ cổ phiếu thời điểm hiện tại, trong đó đầu tiên là thị trường đang trải qua nhịp hồi phục ngắn hạn trong xu hướng giảm dài hạn, hay ông còn gọi đó là hiện tượng tăng giá ảo của thị trường chứng khoán.

“Giá trái phiêu chính phủ và doanh nghiệp đã được giữ cố định bởi Ngân hàng Trung ương thực hiện bơm tiền và mua vào… Tại sao mọi người lại kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ diễn biến hợp lý?”, Hartnett cho biết.

“Các Ngân hàng Trung ương đã triển khai tổng cộng khoảng 4.000 tỷ USD để mua tài sản trong 8 tuần qua và vốn hóa thị trường cổ phiếu toàn cầu đã tăng thêm 15.000 tỷ USD”, Hartnett cho biết thêm.

Đồng thời, các Ngân hàng Trung ương đã chi ra 2,4 tỷ USD mỗi giờ để mua tài sản tài chính. Bank of America kỳ vọng, con số này sẽ giảm xuống 608 triệu USD trong những tuần tới.

Tuy nhiên, 2.215 trong tổng 3.042 cổ phiếu toàn cầu (cổ phiếu được niêm yết ở nhiều sàn chứng khoán khác nhau) còn lại vẫn đang trong xu hướng giảm giá, nhiều hơn 20% so với mức cao nhất mọi thời đại. Sau giai đoạn thị trường sụt giảm mạnh, vốn hoá mất 30.000 tỷ USD vào tháng 2 và tháng 3, việc hồi phục sau đó là việc được kỳ vọng sẽ diễn ra.

Sự phục hồi đã tập trung vào các tên tuổi cổ phiếu công nghệ, vốn hóa của nhóm cổ phiếu FAAMG (Facebook, Amazon, Apple, Microsoft, Google) đã vượt vốn hóa thị trường chứng khoán khu vực châu Âu.

Hartnett chỉ ra các đợt hồi phục của thị trường giá xuống trong lịch sử là năm 1929, 1938 và 1974 đã chứng kiến sự phục hồi trung bình là 61% từ mức thấp tương ứng trước đó, sau khi giảm trung bình 49%. Nếu lịch sử lặp lại, chỉ số S&P 500 sẽ tiến tới 3.180 điểm vào giai đoạn cuối của đợt hồi phục, đóng cửa ngày thứ Sáu (22/5) chỉ số ghi nhận 2.955 điểm.

Hartnett đã mô tả thị trường hồi phục nhưng vẫn nằm trong xu hướng giảm giá dài hạn. Các nhà hoạch định chính sách đã tập trung hỗ trợ trong ngắn hạn mà bỏ quên sự phát triển ổn định về mặt dài hạn. Việc hỗ trợ của ngân hàng trung ương trong hiện tại buộc các ngân hàng phải cho vay và các công ty yếu kém trong việc trả nợ phát hành trái phiếu.

Chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ bị suy giảm, Hartnett dự đoán rằng, thu nhập trễn mỗi cổ phiếu (EPS) sẽ giảm mạnh vào năm 2021 hơn là năm 2020 khi nhà hoạch định chính sách yêu cầu hoàn vốn cứu trợ thông qua thuế, thuế nhập khẩu và các quy định khác.

Ông cho biết thêm rằng, khả năng sẽ có lãi suất âm ở Mỹ do áp lực bầu cử Tổng thống tháng 11/2020, thương mại toàn cầu sẽ bị gián đoạn, chính sách bảo hộ quốc gia lên ngôi. Tất cả sẽ gây sức ép vào mùa thu (22/9-21/12) sắp tới.

Vũ Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục