Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, các vấn đề, lĩnh vực đã được Quốc hội giám sát chuyên đề, chất vấn tại các kỳ họp đều là những nội dung quan trọng, được nhân dân và cử tri quan tâm.
Các báo cáo và thực tế cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, từng lĩnh vực có chuyển biến tích cực, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của thành viên Chính phủ và các vị trưởng ngành.
Có thể kể đến những chuyển biến rõ nét kết quả của các phiên chất vấn trước đây như việc xử lý 12 đại dự án ngàn tỷ thua lỗ của Bộ Công thương từng khiến dư luận xã hội và cử tri vô cùng bức xúc.
Sau thời gian xử lý quyết liệt, với lộ trình đặt ra rõ ràng là năm 2018 xử lý một cách cơ bản và năm 2020 xử lý toàn diện, triệt để, dứt điểm, đến nay có 2 dự án đã đi vào hoạt động, bước đầu có lãi và đang xem xét để đưa ra khỏi danh sách 12 “đại dự án” thua lỗ.
Hay quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tưvào nông nghiệp, nông thôn, thực hiện chương trình nông thôn mới cũng có tín hiệu khả quan khi tốc độ phát triển ngành nông nghiệp tăng trưởng mỗi năm một cao.
Một trong những điểm đáng chú ý trong lĩnh vực này là bên cạnh 13.300 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động hiệu quả, hiện đã có 8.800 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gấp 2,75 lần 2016..
Riêng lĩnh vực đầu tư công, tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp, gây áp lực lên bội chi, nợ công từng nhiều lần được các đại biểu Quốc hội lên tiếng đã đạt được kết quả đáng ghi nhận khi số dự án đầu tư công giai đoạn 2016-2020 giảm hơn 50% so với giai đoạn.
Việc giảm mạnh số dự án khởi công mới đã chấm dứt được tình trạng xin-cho, đầu tư dàn trải, dẫn đến thiếu vốn, dự án đầu tư dở dang, phân tán, kém hiệu quả, làm tăng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Vấn đề bội chi ngân sách nhà nước đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, cả số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP. Với kết quả đạt được, Chính phủ quyết tâm đưa bội chi vào năm 2020 chỉ còn 3,5% GDP và trong cả giai đoạn bội chi tương đương 3,9% GDP.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc điều hành kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước… hiện còn rất nhiều tồn tại, khó khăn, đòi hỏi tư lệnh các ngành phải nỗ lực hơn nữa mới hoàn thành được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
Đó là thu ngân sách dự kiện chỉ đạt 97-98%. Đó là tinh giản biên chế trong 3 năm qua mới giảm được 1,03% tổng số biên chế trong khi mục tiêu đặt ra là bình quân mỗi năm phải giảm tối thiểu 1,5% tổng số công chức, viên chức...
Có thể nhận định rằng, những vấn đề được đại biểu đưa ra trong ngày đầu tiến hành chất vấn liên quan tới ô nhiễm môi trường, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiến độ thực hiện một số dự án, phát triển thủy điện… đều rất thực tế, sát với thực tiễn cuộc sống.
Qua ngày đầu chất vấn, có thể bước đầu hình dung được những vấn đề có khả năng giải quyết sớm, cùng những vấn đề đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình cụ thể để triển khai một cách đồng bộ thì mới mang lại kết quả.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra 3 ngày tại kỳ họp lần này không chỉ đánh giá tổng thể mức độ thực hiện lời hứa của những thành viên Chính phủ đã đưa ra trong các phiên chất vấn trước đây, mà còn góp phần làm rõ những vướng mắc trong quá trình triển khai, từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ, nâng cao trách nhiệm thực hiện của các cơ quan chịu sự giám sát của Quốc hội.
Đây cũng là thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng các tư lệnh ngành khi thực hiện lời hứa. Điều này, theo Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – còn thể hiện sự đồng hành với Chính phủ, các ngành trong triển khai thực hiện những yêu cầu đã được Quốc hội đề ra trong các nghị quyết của Quốc hội về giám sát, về chất vấn và trả lời chất vấn.