Sông Bạch Đằng đã trở thành dòng sông huyền thoại. Cọc Bạch Đằng đã trở thành biểu tượng đánh giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trên dòng sông Bạch Đằng, dân tộc ta đã 3 lần viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Nơi đây đã ghi dấu 3 trận thủy chiến hào hùng của dân tộc chống quân Nam Hán năm 938 dưới sự dẫn dắt của Ngô Quyền, chống quân Tống năm 981 của Lê Đại Hành và chống quân Nguyên Mông năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo.
Năm 2012, thị xã Quảng Yên đã lập hồ sơ và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1419 xếp hạng quần thể Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và thị xã Quảng Yên quan tâm đặc biệt, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị quần thể Khu di tích.
Giai đoạn I của Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng đã được dành 80 tỷ đồng để từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, gắn mục tiêu bảo tồn với khai thác, phát huy giá trị di tích; hoạch định các tuyến du lịch gắn kết với các điểm di tích, đưa các không gian bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể vào quy hoạch chung để định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Trong giai đoạn II, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí vốn và đảm bảo nguồn kinh phí khoảng gần 800 tỷ đồng nhằm hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án, để phát huy giá trị của Khu di tích Bạch Đằng trong giáo dục truyền thống và phát triển du lịch. Trong thời gian tới, thị xã sẽ phối hợp tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những giá trị đặc biệt của Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng nhằm thu hút du khách.
Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND Thị xã Quảng Yên khẳng định lễ hội là sự kiện chính trị, văn hoá, du lịch có ý nghĩa quan trọng với thị xã. |
Lễ hội truyền thống Bạch Đằng là sự kiện chính trị, văn hóa và du lịch có ý nghĩa quan trọng; là dịp để bày tỏ lòng tri ân những cống hiến, hy sinh của các bậc tiền nhân và nhân dân trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước.
Điểm mới là lễ hội năm nay được tổ chức quy mô cấp tỉnh, có số lượng diễn viên đông đảo, các tiết mục biểu diễn đặc sắc và thu hút đông đảo nhân dân, du khách tham gia.
Đông đảo người dân, du khách đến dự khai hội. Ảnh: Nguyễn Nam. |
Tại buổi lễ, các đại biểu đã ôn lại lịch sử, truyền thống và những chiến tích lẫy lừng của cha ông trên dòng Bạch Đằng. Qua đó, khẳng định ý nghĩa và giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Bạch Đằng trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, khơi dậy truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ về giá trị lịch sử, lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Trong đêm khai hội, sau phần nghi lễ dâng hương, gióng trống khai hội, nhân dân và du khách được thưởng thức Chương trình nghệ thuật sử thi “Bạch Đằng- Bản anh hùng ca của dân tộc”, thả đèn hoa đăng tại Bến đò cổ.
Vở diễn ôn lại câu chuyện về chiến thắng Bạch Đằng chống quân Nguyên Mông năm 1288. |
Lễ hội truyền thống Bạch Đằng năm 2023 diễn ra từ ngày 25 - 28/4 (tức ngày 6 - 9/3 âm lịch). Từ ngày 26/4 sẽ diễn ra nhiều nghi lễ quan trọng như: Rước tượng Đức Thánh Trần theo nghi lễ truyền thống từ đền Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang và ngược lại; lễ tế yết đình Yên Giang, lễ tế chính hội, tế giã hội tại đền Trần Hưng Đạo, cùng nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa thể thao sôi động khác.