Hà Nội phát triển du lịch golf, “trải thảm đỏ” đón khách "nhà giàu"

0:00 / 0:00
0:00
Ngành du lịch Hà Nội đẩy mạnh phát triển du lịch golf “may đo” cho dòng khách có khả năng chi cao, ở lâu, quay lại nhiều lần.
Hà Nội phát triển du lịch golf, “trải thảm đỏ” đón khách "nhà giàu"

Hà Nội giàu tiềm năng hút golf thủ

Du lịch golf là hoạt động thể thao - giải trí thú vị và là ngành công nghiệp mang lại doanh thu “khủng”.

Theo nghiên cứu của The R&A và Sports Marketing Surveys (SMS), từ năm 2016 đến nay, số người chơi golf trên toàn thế giới đã tăng hơn 5,5 triệu người. Đến cuối năm 2021, con số này đạt 66,6 triệu người. Các khu vực tăng mạnh nhất là châu Âu (từ 7,9 triệu người, lên 10,6 triệu người); châu Á (từ 20,9 triệu người, lên 23,3 triệu người); Bắc Mỹ (từ 29,9 triệu người, lên 30,6 triệu người). Đây cũng là những thị trường khách trọng điểm của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.

Du nhập vào Việt Nam chưa lâu, nhưng tốc độ phát triển golf được đánh giá là nhanh, mạnh nhất thế giới. Theo Hiệp hội Golf Việt Nam, số người chơi golf tại Việt Nam hiện khoảng 100.000 người, trong đó, khoảng 30.000 người chơi ít nhất 2 lần/tháng. Du lịch golf đang được xem là “kho báu”, “con gà đẻ trứng vàng” để ngành kinh tế xanh Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng phục hồi, bứt phá.

Ông Mark Siegel, Giám đốc điều hành Công ty Golfasian, chuyên tổ chức giải thi đấu golf lớn nhất châu Á nhận định: “Việt Nam nằm trong số những điểm đến chơi golf đang lên của thế giới. Du lịch kết hợp chơi golf có thể mang lại cho Việt Nam 200 - 300 triệu USD doanh thu một năm”.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2023, trong số 1,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, có tới 800.000 lượt du khách đến chơi golf. Mỗi khách du lịch đến Việt Nam chơi golf chi tiêu 40 triệu đồng/5 ngày, chưa kể vé máy bay. Khách du lịch golf đã và đang góp phần tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch, tạo thêm việc làm cũng như thu nhập cho người dân địa phương.

“Du lịch golf mang lại lợi nhuận cao và là sản phẩm ngành kinh tế xanh mà Việt Nam hướng tới phát triển”, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định.

Là một trong những đầu tàu của ngành kinh tế xanh miền Bắc và cả nước, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, Hà Nội hội tụ đủ các yếu tố để phát triển sản phẩm du lịch golf trở thành sản phẩm đặc sắc, với 6 cụm sân golf, bao gồm 10 sân golf tiêu chuẩn như Long Biên, Vân Trì Golf Club, Kings Island Golf, Minh Trí, Legend Hill và khoảng 10 sân tập… Đây đều là những sân golf lớn, chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế với cảnh quan tự nhiên đa dạng, hấp dẫn.

Ngoài ra, hệ thống phụ trợ, cơ sở lưu trú của Hà Nội khá đa dạng, chuyên nghiệp, nhất là các khách sạn nghỉ dưỡng 4 - 5 sao được đầu tư đồng bộ, hiện đại với nhiều thương hiệu lớn. Đặc biệt, du khách đến Hà Nội còn dễ dàng tiếp cận hệ sinh thái golf ở các địa phương lân cận như Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh...

“Du lịch golf được Hà Nội đẩy mạnh phát triển cách đây 2 thập kỷ giúp ngành kinh tế xanh Hà Nội tăng sức hút với các golf thủ, cũng là đối tượng ‘khách nhà giàu’, trong đó có không ít nhà đầu tư tiềm năng”, ông Minh cho hay.

Đẩy mạnh liên kết, thu hút đầu tư vào du lịch golf

Các sân golf, nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, lưu trú, lữ hành cần bắt tay hình thành các tour du lịch golf trọn gói với chi phí hợp lý. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để sản phẩm du lịch golf của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng có thể cạnh tranh với các nước Đông Nam Á.

- Ông Phạm Thành Trí, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, Sở Du lịch Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận những khó khăn, thách thức khi phát triển du lịch golf, như số lượng sân golf chưa nhiều, chi phí cao, tỷ lệ du khách đến chơi golf chưa cao.

Ông Lê Tiến Dũng, đại diện Công ty Du lịch Xanh cho biết, việc kết nối giữa các sân golf với đơn vị lữ hành còn hạn chế, nên đơn vị này gặp khó khăn khi muốn sắp xếp cho các đoàn khách quốc tế đến chơi golf ở Hà Nội do các sân golf thường xuyên kín lịch, nhất là dịp cuối tuần. “Vì không thể đặt lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành thường phải ‘né’ sân golf Hà Nội, khiến du khách đến Thủ đô, nhưng lại phải di chuyển tới Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng để chơi golf. Điều này khiến ngành du lịch Hà Nội thất thu”, ông Dũng nêu thực tế.

Theo ông Dũng, Hà Nội có thể học cách làm của Đà Nẵng. Đó là các sân golf bán voucher chơi golf, cập nhật kịp thời lịch trống của sân golf và tạo thuận tiện cho các doanh nghiệp lữ hành.

Đồng tình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Phạm Thành Trí cho rằng, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để mở rộng du lịch golf, song hiện tại, mức thuế cao ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Hầu hết công ty lữ hành chưa quan tâm mạnh mẽ đến du lịch golf. Nhân lực du lịch chưa được đào tạo đầy đủ về golf. Sản phẩm du lịch golf nghèo nàn, đơn giản. Các thành phần của ngành du lịch chưa kết nối với golf. Truyền thông về du lịch golf còn thiếu và yếu...

Ông Trí đề xuất, Hà Nội cần có kế hoạch và lộ trình phát triển du lịch golf rõ ràng, trong đó tăng cường kết nối, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf. Mở rộng thị trường du lịch golf cho khách du lịch châu Âu, Mỹ, Australia, Đông Nam Á... bằng cách tổ chức các hoạt động giao lưu, giải đấu.

Hiện nay, du lịch golf xếp thứ 3 tại châu Á. Đây là cơ hội để du lịch golf Hà Nội “trải thảm đỏ” đón dòng du khách siêu giàu này. Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết, để đạt mục tiêu thu hút 22 triệu lượt khách trong năm 2023, ngành du lịch Hà Nội đã và đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư xây dựng sản phẩm mới cho phân khúc khách trung và cao cấp. Tới đây, Hà Nội sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch golf, tổ chức nhiều sự kiện, giải đấu golf để hấp dẫn dòng khách nhà giàu trong nước và quốc tế. Từ đó, đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển ngành kinh tế xanh bền vững.

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục