Theo các chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ, làn sóng M&A thứ 2 đối với ngành ngân hàng sẽ nóng dần trong thời gian tới với sự thay đổi về mọi mặt cả quản trị, quản lý rủi ro.
Phát biểu tại Diễn đàn M&A do Báo Đầu tư và Công ty AVM tổ chức chiều ngày 7/8 tại TP. HCM, ông John Ditty, Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng, Việt Nam đang trải qua một giai đoạn ý nghĩa về M&A, giá trị cũng như số lượng thương vụ M&A tăng lên khá mạnh.
Tuy nhiên, hoạt động này bắt đầu trì trệ kể từ năm 2013 và chưa có dấu hiệu khởi sắc trong những tháng đầu năm 2014. Vì thế, nếu nói đến làn sóng M&A thứ 2 tại thị trường Việt Nam, theo ông John Ditty, cần xem xét đến yếu tố các thương vụ M&A. Trọng tâm M&A hiện nay vẫn tập trung chủ yếu vào ngành tài chính, hàng tiêu dùng nhanh, bảo hiểm, viễn thông. Nếu nền kinh tế tăng trưởng mạnh, khả năng M&A sẽ sôi động lên, trong số đó phải kể đến làn sóng M&A lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
“Qua khảo sát chúng tôi thấy rằng, Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu M&A. Có khoảng 100 triệu USD đang giao dịch M&A và khả năng sẽ tăng lên 200 - 300 triệu USD, thậm chí có thể lên đến 1 tỷ USD. Theo đó, quy mô M&A trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng được thay đổi và mở ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư tham gia vào”, ông John Ditty nói và cho rằng, một trong những yếu tố có thể thúc đẩy M&A chính là quy định room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu của ngành, cũng sẽ là một nhân tố quan trọng thúc đẩy làn sóng M&A thứ 2. Tuy nhiên, theo ông John Ditty, điều quan trọng là các ngân hàng phải nhận thấy được vai trò quan trọng của mình trong việc dẫn vốn cho nền kinh tế, M&A không chỉ là một giá trị mua - bán đơn thuần, mà chính là giá trị mang lại.
Làn sóng M&A trong lĩnh vực ngân hàng được cho là sẽ sôi động trong thời gian tới, không chỉ với các nhà băng nhỏ mà cả M&A giữa ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng cổ phần. Theo phân tích của một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng, nếu đơn thuần là một ngân hàng cổ phần quy mô lớn sẽ khó có thể “ôm” một ngân hàng yếu. Tuy nhiên, dưới mô hình ngân hàng TMCP quốc doanh có sự chi phối của Nhà nước thì khả năng phải “ôm” thêm một ngân hàng nhỏ, yếu kém khi có chỉ đạo có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, trong nửa cuối năm 2014, hoạt động M&A giữa các TCTD phi ngân hàng như các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính… cũng sẽ được đẩy mạnh.
Tổng giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng, mục tiêu lớn nhất của NHNN khi thực hiện tái cấu trúc toàn diện hệ thống là nhằm hướng tới việc hình thành một hệ thống tài chính vững mạnh, với một số NHTM trụ cột, có khả năng quản trị tốt, có thể cạnh tranh hiệu quả ở tầm khu vực. Vì thế, M&A ngân hàng chỉ là một trong nhiều biện pháp mà NHNN sử dụng để hướng tới mục tiêu trên.
Phó tổng giám đốc phụ trách phòng tư vấn, Công ty TNHH Grant Thornton (Việt Nam), bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà cũng cho hay, M&A lĩnh vực ngân hàng đã sôi động trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo bà Hà, cũng có những giao dịch chuyển nhượng khác hoặc thoái vốn không bị ràng buộc bởi quy định công bố thông tin và không được tiết lộ. Vì thế, nhiều khả năng sẽ còn thấy ở một mức độ nào đó sự hợp nhất trong ngành ngân hàng ở thời gian tới, đặc biệt là khi NHNN bắt đầu thực hiện tuân thủ Basel 2.
“Xu hướng M&A ngân hàng trong năm 2014 sẽ theo trình tự ưu tiên: yêu cầu các tập đoàn lớn thoái vốn đầu tư vào các ngân hàng; các ngân hàng sẽ chủ động tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài; M&A để giải quyết vấn đề tồn đọng trong một số ngân hàng; một số ngân hàng lớn có thể được sát nhập theo hướng dẫn, yêu cầu của NHNN để hình thành một ngân hàng lớn mạnh có thể cạnh tranh trong khu vực”, bà Hà nói.
Theo ông Hạ Bá Trực, Giám đốc đầu tư HDBank, việc mua bán, sáp nhập, hợp nhất giữa các ngân hàng hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt, đặc biệt là từ các ngân hàng nước ngoài…, chủ trương của NHNN là khuyến khích các ngân hàng tự nguyện M&A, như trường hợp DaiA Bank sáp nhập vào HDBank.