Chập chững tìm mô hình toán học đo rủi ro chứng khoán

(ĐTCK) Thiếu định lượng đang là một trong những rủi ro đáng quan ngại trong quản trị rủi ro trên thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán. Ứng dụng mô hình toán và phân tích đã được nhắc tới từ lâu, nhưng để đến bây giờ tất cả mới chỉ... bàn.
Cần nghiên cứu, ứng dụng công cụ toán học vào quản lý rủi ro 
Cần nghiên cứu, ứng dụng công cụ toán học vào quản lý rủi ro

Vẫn còn cảm tính

Trong khi cả cơ quan quản lý lẫn các DN trên thị trường tài chính thế giới đã đi những bước tiến dài về quản trị rủi ro thì theo nhìn nhận của các chuyên gia, Việt Nam đang bị tụt hậu đáng ngại. Theo thông lệ và thực tiễn triển khai trên thị trường tài chính, trong đó có TTCK, các giải pháp kiểm soát, quản lý rủi ro dựa trên các số liệu tính toán mang tính định lượng cao. Thế nhưng, một thực tế có phần ngược lại đang tồn tại trên thị trường tài chính Việt Nam, đó là hàm lượng định lượng thấp, khi vẫn dựa vào cảm tính.

“Điển hình như trong lĩnh vực ngân hàng, hiện quyết định cho vay vẫn dựa trên kinh nghiệm, thậm chí có phần cảm tính. Thực tế này lý giải tại sao cùng một tình huống thẩm định cho vay có tính chất tương tự, nhưng hai cán bộ tín dụng đưa ra quyết định khác nhau. Điều này phần nào cho thấy tính chất rủi ro đáng quan ngại của hoạt động quản trị rủi ro trên thị trường tài chính Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó tổng giám đốc Vietcombank cảnh báo như vậy tại Hội thảo “Ứng dụng toán trong quản trị rủi ro tài chính” tổ chức ngày 28 - 29/7. Hội thảo do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) bảo trợ, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Trung tâm Xuất sắc John von Neumann (JVN), Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) đồng tổ chức.

Liên quan đến quản trị rủi ro trong lĩnh vực chứng khoán, ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc triển khai các kỹ thuật giao dịch, sản phẩm mới, một mặt mang lại những tác động tích cực đối với thị trường, nhưng đồng thời có thể tích tụ các rủi ro.

Chẳng hạn, sản phẩm chứng khoán phái sinh là công cụ phòng ngừa rủi ro, nhưng chính nó trong một thời điểm, bối cảnh cụ thể rất có thể làm xuất hiện rủi ro cho thị trường. Do đó, việc lượng hóa các rủi ro này bằng công cụ toán học, một kinh nghiệm được áp dụng thành công tại nhiều thị trường trên thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát, giảm thiểu rủi ro.

Dùng toán học để “cân đo” rủi ro

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh rủi ro thị trường tài chính ngày càng tăng cao, các công cụ toán - định lượng đã được nhiều định chế tài chính trên thế giới áp dụng. 

Xu hướng này dự báo sẽ được triển khai rộng rãi hơn trong tương lai gần. Bộ phận quản lý rủi ro của nhiều định chế tài chính lớn trên toàn cầu đều nghiên cứu, ứng dụng công cụ toán học vào quản lý rủi ro. Từ thực tiễn hoạt động, bộ phận này sẽ “ra đề” cho các chuyên gia toán học, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất các phương án quản lý rủi ro tối ưu cho doanh nghiệp. 

Lời giải bằng công cụ toán học cho phép lượng hóa tối ưu các rủi ro trong hoạt động, từ đó đưa ra biện pháp kiểm soát và quản lý rủi ro hiệu quả dựa trên những con số, dữ liệu khoa học, thay vì dựa vào ý chí chủ quan, thậm chí có phần cảm tính.

Trong khi đó, tại Việt Nam, theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học VIASM, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Hội thảo “Ứng dụng toán trong quản trị rủi ro tài chính”, để thúc đẩy ứng dụng công cụ toán trong bài toán quản trị rủi ro trên thị trường tài chính Việt Nam thời gian tới, đây là năm thứ hai liên tiếp hội thảo được tổ chức. 

Sau hội thảo lần đầu tiên được tổ chức năm ngoái, việc triển khai nghiên cứu bước đầu được tiến hành, nhưng đang vướng về cơ chế. Do đó, sau hội thảo năm nay, Ban tổ chức hy vọng sẽ định hình được đề tài nghiên cứu lớn tầm cỡ quốc gia, nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các công cụ toán trong cải thiện chất lượng quản lý rủi ro trên thị trường tài chính.

Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ về mô hình quản trị rủi ro toán học, cũng như khả năng ứng dựng các công cụ toán học trong lượng hóa các rủi ro, trên cơ sở đó định ra biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả đối với thị trường tài chính. 

Để tránh tình trạng “đường ai nấy đi” trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng toán học như nhiều lĩnh vực khác, cơ quan quản lý, các định chế tài chính Việt Nam từ thực tiễn quản lý, hoạt động cần thường xuyên “ra đề” cho các nhà toán học, để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu gắn chặt với ứng dụng toán học, nhằm nâng cao chất lượng quản lý rủi ro thị trường tài chính cả ở phương diện cơ quan quản lý, lẫn các định chế tài chính.              

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục