Hết thời loạn hoa hồng xăng dầu?
Các chính sách của Bộ Tài chính đối với kinh doanh xăng dầu liên tục bị Hiệp hội xăng dầu phản đối. Mới đây nhất là việc khống chế thù lao hoa hồng.
Trong công văn gửi Bộ Tài chính mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, để đại lý bán lẻ có thể bù đắp đủ các chi phí và thu nhận được khoản lợi nhuận hợp lý khoảng 30-50 đồng/lít xăng, dầu thì mức thù lao bình quân trên địa bàn cả nước tại thời điểm hiện nay phải trên 550 đồng/lít (giao tại cửa hàng). Con số này được đưa ra là dựa theo kết quả điều tra hàng trăm cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn cả nước do hiệp hội thực hiện.
Hiệp hội còn nhấn mạnh: "Bất kỳ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính nào đều không thể phủ nhận kết quả điều tra này".
Tuy nhiên, các quy định cứng gần đây của Bộ Tài chính về mức thù lao cho tổng đại lý, đại lý xăng dầu lại thấp hơn rất nhiều so với con số mà Hiệp hội điều tra.
Ngày 28/3, Bộ đã ban hành Thông báo 135 công bố, chi phí định mức kinh doanh tối đa cho các doanh nghiệp xăng dầu được tăng lên từ 25-43% so với trước đây.
Đối với 3 mặt hàng là xăng, dầu diezen, dầu hỏa, các doanh nghiệp được tính chi phí kinh doanh tối đa là 860 đồng/lít, tăng 260 đồng/lít so với trước. Đối với dầu madut, chi phí kinh doanh định mức tối đa tăng lên 500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với trước.
Trong khoản này, Bộ Tài chính đã ấn định mức thù lao cho tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được phép chi trả tối đa là 50% chi phí này. Tính ra, mức thù lao bình quân cả năm của đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ được khống chế ở mức 430 đồng/lít đối với xăng, dầu hỏa, dầu diezen và 250 đồng/kg dầu madut. Đây sẽ là con số cứng nằm trong kết cấu tính giá cơ sở xăng dầu- một căn cứ quan trọng để điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Liên Bộ Tài chính- Công Thương.
Gần đây nhất, Bộ Tài chính ban hành tiếp Thông báo số 308 để nới rộng hơn khoản chi hoa hồng này. Theo đó, mức trần thù lao bán lẻ xăng dầu như trên chỉ phải áp dụng với các đại lý, tổng đại lý có cửa hàng xăng dầu nằm trong bán kính 50km tính từ cửa kho xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối. Đối với những đại lý, tổng đại lý có cửa hàng nằm ngoài bán kính trên, mức thù lao được xác định tự do hơn và sẽ do Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch và Ban giám đốc của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối xem xét quyết định.
Có ngăn được cuộc chạy đua hoa hồng?
Vấn đề tăng chi phí kinh doanh định mức, xác định lại thù lao, hoa hồng xăng dầu đã được đặt ra từ 3 năm nay. Nhiều con số thù lao được đề xuất, gắn với bối cảnh kinh tế vĩ mô như lạm phát tăng.... Song, rốt cục, mức trần thù lao được bộ Tài chính chốt lại là 860 đồng/lít vẫn chính là con số đã được đưa ra, trên cơ sở tính toán mặt bằng giá cả từ năm 2010.
Có thể hiểu, mục đích của Bộ Tài chính là nhằm đảm bảo một sân chơi cạnh tranh lành mạnh trong thị trường bán lẻ xăng dầu. Các mức thù lao được ấn định tuyệt đối cũng là nhằm để ngăn ngừa những cuộc chạy đua chi hoa hồng xăng dầu thường thấy trước đây.
Tuy nhiên, cả 2 lần điều chỉnh chính sách trên của Bộ Tài chính đều bị Hiệp hội xăng dầu phản bác gay gắt.
Trong văn bản gửi bộ Tài chính, Hiệp hội khẳng định, việc khống chế mức thù lao đối với các tổng đại lý và đại lý trong phạm vi 50km như Bộ quy định mới đây là thiếu tính thực tiễn. Điều này sẽ làm giảm sút khả năng cạnh tranh vốn đã quá ít ỏi giữa các doanh nhân đầu mối trong bối cảnh Bộ Tài chính quyết định giá bán lẻ xăng dầu như hiện nay.
"Hiện nay có những thương nhân đầu mối giao mức thù lao "bất thường" làm ảnh hưởng đến thị phần của một số doanh nghiệp khác, nhưng mong muốn chỉ bằng một Thông báo khống chế mức thù lao để giải quyết sự cạnh tranh thiếu lành mạnh này là điều khó thực hiện", công văn của Hiệp hội nhấn mạnh.
Thêm vào đó, theo phân tích của Hiệp hội, quy định mới lại không khống chế thù lao cho đại lý nằm ngoài phạm vi 50km thì sẽ có nguy cơ những đầu mối có mức giao thù lao bất thường sẽ càng tự do chi hoa hồng cho các Tổng đại lý và đại lý có khoảng cách trên 50km mà không chịu chế tài gì. Nói cách khác quy định của Bộ Tài chính không thể giải quyết được bất hợp lý nói trên.
"Điều quan trọng ở đây là cơ quan có thẩm quyền có muốn và cương quyết làm rõ "nguồn gốc của các lô hàng" có mức thù lao bất thường này hay không? Còn để xử lý hiện tượng "bất thường" đó thì chúng ta đã có đầy đủ căn cứ pháp lý được quy định rất rõ trong hệ thống các văn bản pháp quy hiện hành mà không cần đến một Thông báo như Bộ Tài chính vừa ban hành", Hiệp hội xăng dầu đánh giá.
Nhưng cũng như vụ truy thu 350 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu, Hiệp hội này bức xúc nhấn mạnh, các khuyến cáo của Hiệp hội đưa ra ngay từ khi có quy định mới về thù lao hồi đầu năm đã không được Bộ Tài chính ghi nhận đầy đủ.
"Nếu cơ quan thuế hoặc kiểm toán căn cứ vào nội dung trong hai Thông báo nói trên của Quý Bộ trong việc thực hiện công tác thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trong năm 2013 thì sẽ xảy ra những hậu quả khó lường cho những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu."
Với bản phân tích đó, cơ quan này đã kiến nghị Bộ Tài chính cần xem xét lại các quy định khống chế thù lao xăng dầu để đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu đúng theo Nghị định 84 hiện hành.
>> Đòi 350 tỷ thuế, “ăn thua” với Bộ Tài chính