Ðây là sự kiện lớn và quan trọng đối với một công ty đai chúng, nhất là những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, cơ cấu cổ đông phong phú và có nhiều chuyện để kể.
Với những doanh nghiệp lần đầu đại hội để chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần lại càng cần chú ý bởi thị trường chứng khoán từng chứng kiến những phiên đại hội vỡ trận kéo dài tới suốt buổi chiều.
Còn nhớ đại hội đồng cổ đông của Vietcombank. IPO đúng vào lúc thị trường đang sôi sục, giá cổ phiếu lên cao ngất ngưởng tới 105.000 đồng/cổ phần, đại hội tổ chức gần một năm sau đó, thị trường chao đảo, cổ phiếu nằm sàn la liệt, VCB không phải ngoại lệ.
Cổ đông bức xúc, soi thật kỹ tài liệu họp và chất vấn về đủ mọi vấn đề. Họ yêu cầu phải được giải đáp câu hỏi ngay tại đại hội, không được hứa trả lời sau bằng văn bản. Ban chủ tọa đã phải kéo dài thời gian trả lời, hơn 3h chiều đại hội mới kết thúc. Lãnh đạo VCB mệt nhoài, cổ đông thì vẫn còn ấm ức, lên diễn đàn nhà đầu tư “xả stress”.
Thành thực mà nói, đối với các DNNN sau cổ phần hóa, do có sự thay đổi hình thức sở hữu và quản lý, từ một doanh nghiệp được điều hành theo sự chỉ đạo của Nhà nước chuyển sang hình thức đa sở hữu và có sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân, nước ngoài, nên hoạt động và quản trị công ty phải có những thay đổi lớn để đáp ứng. Nhìn rộng hơn sự thay đổi cũng là yêu cầu bắt buộc đối với những doanh nghiệp đại chúng hóa, doanh nghiệp thực hiện việc niêm yết cổ phiếu trên sàn.
Trong rất nhiều thay đổi, công tác truyền thông, công tác quan hệ nhà đầu tư của doanh nghiệp sẽ phải có những thích ứng mới. Ở những doanh nghiệp mà ban lãnh đạo quan tâm đến quyền lợi của cổ đông bên ngoài, lắng nghe ý kiến của cổ đông, báo giới, thường đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt.
Khi tình trạng bất cân xứng thông tin hoặc thiếu minh bạch bị loại bỏ, cổ đông được khuyến khích thực thi các quyền của cổ đông và hăng hái tham gia việc kiểm tra, giám sát về quản trị doanh nghiệp đối với ban điều hành. Từ đó, hoạt động và hiệu quả của doanh nghiệp được cải thiện đáng kể.
Nhiều doanh nghiệp sau khi lên sàn đã có những bước chuyển mình, trở thành những công ty hàng đầu tại Việt Nam. Sự thành công của các công ty này cho thấy vai trò của người lãnh đạo với tư duy đổi mới, nhạy bén, quyết liệt và quan trong hơn hết là khả năng cân bằng lợi ích giữa các nhóm cổ đông, tận dụng được các nguồn lực tài chính, cũng như sự ủng hộ của cổ đông để tập trung cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Ðây cũng là những doanh nghiệp cởi mở, thường xuyên chia sẻ và cộng tác chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, các kênh truyền thông tài chính và đầu tư đáng kể cho công tác IR.
Trong báo cáo mới nhất của Activist Insight, diễn đàn dành cho các nhà đầu tư chủ động trên thế giới, những chiến dịch mà các cổ đông khởi xướng chống lại lãnh đạo doanh nghiệp liên tục tăng hai con số mỗi năm. Áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty và minh bạch thông tin chính là những giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu những chiến dịch không ai mong muốn đó.