Khi chào bán cổ phần, Tập đoàn hứa với các nhà đầu tư sẽ đưa cổ phiếu ra giao dịch tập trung từ 1/4/2018 nhưng nay đã gần cuối tháng 4, vẫn chưa có tin tức gì về việc này. Các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn cũng “bóng chim, tăm cá”. Trong khi đó, cổ đông đã phải nộp phí lưu ký cổ phiếu đều đặn hàng ngày.
Khi được hỏi chuyện, một lãnh đạo của Tập đoàn cho hay, không ngờ thủ tục chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần lại phức tạp thế, chưa chuyển đổi mô hình hoạt động, VRG chưa thể đưa cổ phiếu ra sàn. Nhưng khi được cung cấp một loạt doanh nghiệp khác vẫn giữ lời hứa khi chưa hoàn tất thủ tục chuyển doanh nghiệp sang công ty cổ phần, vị này ớ người hỏi lại “giờ được phép như vậy à?”.
VRG đã ế hơn 300 triệu cổ phần trong đợt chào bán lần thứ nhất, với cung cách quản trị như vậy, liệu trong các đợt bán cổ phần tới đây, doanh nghiệp có thể thu hút được thêm các nhà đầu tư mới?
Nhìn rộng hơn, đã và sẽ có bao nhiêu lời hứa gió bay như thế khi các công ty tiến hành huy động vốn qua TTCK Việt Nam? Năm 2017, VN-Index là một trong những chỉ số có mức tăng trưởng cao nhất thế giới nhưng không vì thế mà chuyện huy động được vốn cho thị trường Việt Nam trở nên dễ dàng.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nói rằng, việc huy động vốn trên thị trường sơ cấp của các doanh nghiệp, tức là tiền huy động cho sản xuất, kinh doanh, vẫn vô cùng khó khăn. Nhiều nhà đầu tư trong nước vẫn đang e dè với chứng khoán, còn nhà đầu tư nước ngoài lớn, vẫn đang quan sát xem Việt Nam đối phó với hậu khủng hoảng tài chính thế giới và khó khăn của nền kinh tế thế nào. Với thị trường vốn, họ đang dõi theo năng lực quản lý thị trường, sự công khai minh bạch, quản trị của các doanh nghiệp… đã khác trước hay chưa.
Những biến động của thị trường với nhiều phiên tăng giảm dữ dội từ đầu năm đến nay có thể trở thành chuyện thường ngày, thử thách bản lĩnh của nhà đầu tư. Bỏ vốn vào thị trường, ngoài lo chuyện doanh nghiệp cho “leo cây” như VRG, nhiều nhà đầu tư còn phải “đỏ con mắt” canh chuyện thế giới.
Nếu chiến tranh thương mại nổ ra giữa các nền kinh tế lớn, cho dù ở quy mô vừa phải, các chuyên gia phân tích quốc tế đã nhận định, cũng có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu mất 1% và làm suy giảm dòng vốn đầu tư quốc tế đáng kể vào các nền kinh tế mới nổi. Việt Nam sẽ phải chịu những tác động tiêu cực nhất định, TTCK không nằm ngoài vòng xoáy đó.