Theo TS. Vũ Bằng, QTCT là một vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, yêu cầu này được đặt ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. QTCT tốt sẽ giúp cải thiện hoạt động DN, tăng cường khả năng chống đỡ, đặc biệt khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Trong thời gian qua, nhiều DN đã chú trọng hơn đến vấn đề QTCT cũng như có nhiều nỗ lực triển khai QTCT, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực. “Do đó, đây là nhiệm vụ và thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự tham gia của không chỉ các cơ quan quản lý, mà còn sự quyết tâm thay đổi của chính bản thân các DN”, Chủ tịch UBCK nói.
“Nền kinh tế, TTCK đang có những tín hiệu tích cực, nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm tìm cơ hội đầu tư vào các DN nội địa, nên các DN cần quyết tâm, tăng cường QTCT tốt hơn nữa để thu hút nhà đầu tư nước ngoài”, TS. Vũ Bằng nói và nhấn mạnh, DN nào thực hiện QTCT tốt hơn thì giữ được mối quan hệ cổ đông tốt hơn và dễ dàng huy động vốn hơn.
Người đứng đầu UBCK cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề QTCT, ngay từ năm 2007, trong Điều lệ mẫu áp dụng cho các DN niêm yết, UBCK đã bắt đầu đưa vào những tiêu chuẩn đầu tiên về quản trị. Sau đó, từ năm 2010, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện nhiều dự án luật về DN, chứng khoán, hướng các DN tuân thủ và đến gần hơn với các tiêu chuẩn và yêu cầu cơ bản về QTCT của thị trường tài chính toàn cầu.
Bà Vũ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về QTCT tại HNX cho rằng, các DN Việt Nam hiện nay hầu hết chưa tự nguyện thực hiện các thông lệ tốt về QTCT, mà chỉ đang cố gắng tuân thủ các quy định tối thiểu của pháp luật. Các DN thực sự chưa nhận thức rõ về sự cần thiết trong việc xây dựng lộ trình QTCT để có thể thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư dài hạn trong bối cảnh dòng vốn đầu tư liên tục dịch chuyển và yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư quốc tế.
Các DN cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức về trách nhiệm và đạo đức của đội ngũ lãnh đạo DN, đặc biệt là các thành viên HĐQT. Bởi HĐQT là người nắm giữ tiền của nhà đầu tư, phải là người có hiểu biết, trung thực, có tầm nhìn và công bằng với quyền lợi của cổ đông. Khi sự gắn kết giữa lãnh đạo DN và các cổ đông thành một khối sẽ tạo động lực cho sự phát triển chung.
Tại hội thảo, nhiều vấn đề băn khoăn liên quan đến QTCT được nêu ra. Đại diện CTCK FPT (FPTS) cho rằng, hiện nay, các DN ở Việt Nam đang gặp khó khăn về QTCT, khá nhiều quyết định của HĐQT dựa trên cơ chế tập thể, nên trách nhiệm giải trình chưa cao. Vậy làm thế nào để nâng cao trách nhiệm giải trình? Một câu hỏi khác, thông lệ QTCT khuyến nghị các CTCP tách vị trí chủ tịch HĐQT với tổng giám đốc (CEO), nhưng thực tế nhiều DN Việt Nam hợp nhất 2 vị trí này (1 người đảm nhận 2 vị trí). Nên chăng, cần có những quy định cụ thể trong mô hình nào thì nên tách biệt và mô hình nào nên hợp nhất hai chức danh trên?
Việc lựa chọn mô hình quản trị theo một cấp (HĐQT) hay hai cấp (HĐQT và Ban kiểm soát) cũng là vấn đề được đặt ra tại hội thảo.
Bà Lê Thị Thu Hà, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK cho biết, hiện nay không phải DN nào cũng có quy chế nội bộ về QTCT. Nhiều DN có ban hành quy chế thì cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nên cơ quan quản lý vẫn nhận được nhiều kiến nghị từ phía cổ đông khi DN chưa chấp hành đúng luật. Trong thời gian tới, UBCK sẽ phối hợp với một số thành viên thành lập Học viện QTCT, xây dựng, phát hành và hướng dẫn về QTCT và công bố thông tin. UBCK cũng sẽ giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động công bố thông tin và QTCT bằng cách kiểm tra định kỳ và bất thường, nếu phát hiện vi phạm sẽ có những hình thức xử phạt DN.
Bà Anne E.Molyneux, Giám đốc CS International, thành viên Ban điều hành của Mạng lưới QTCT quốc tế (ICGN) cho biết, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã ban hành bộ nguyên tắc QTCT mới, hướng dẫn QTCT cho các DNNN, tập trung vào việc nâng cao yêu cầu công bố thông tin. Ủy ban Basel về giám sát hoạt động ngân hàng đã hỗ trợ hướng dẫn cho Bộ quy tắc QTCT của OECD, tập trung vào điều kiện hoạt động và yêu cầu giám sát ngân hàng. Liên hiệp châu Âu đưa ra các mục tiêu và quy định mới nhằm tăng cường sự minh bạch của thị trường, nâng cao sự tham gia của cổ đông và thúc đẩy sức cạnh tranh cũng như tốc độ tăng trưởng của DN.
Bà Anne khuyến nghị, các cơ quan quản lý cấp cao nhất của Việt Nam cần cam kết nâng cao chất lượng QTCT, có kế hoạch toàn diện phát triển QTCT tại Việt Nam và huy động sự tham gia của các nguồn lực thị trường.
Với sự nỗ lực của UBCK, các Sở GDCK, vấn đề QTCT đang dần nhận được sự quan tâm của nhiều DN và công chúng đầu tư. Làm thế nào để nâng cấp QTCT nhằm tăng cường sự minh bạch, lòng tin, sự phát triển bền vững của DN là câu hỏi lớn, cần sự vào cuộc mạnh hơn của nhà quản lý và của chính các DN đại chúng.
Giúp doanh nghiệp đương đầu với những bất ổn từ hội nhập Ông Joe Chen, Giám đốc Phòng QTCT, Sở GDCK Đài Loan Việt Nam cần tiến tới các chuẩn mực và nguyên tắc QTCT quốc tế. Đây là vấn đề quan trọng để xây dựng một nền tảng DN vững mạnh, có thể đương đầu với những bất ổn đến từ việc hội nhập. Tuy nhiên, điều này phải có một lộ trình phát triển nhất định, thực hiện phối kết hợp giữa các nhóm công tác liên ngành có sự quan hệ mật thiết với nhau và phải có một đơn vị riêng biệt, chịu trách nhiệm quảng bá, đào tạo và đánh giá về chất lượng QTCT của các DN theo từng bước cụ thể. Điều này không dễ, cũng không khó. Bản thân Đài Loan từng trải qua những giai đoạn như vậy, nên chúng tôi muốn chia sẻ rằng, điểm quan trọng là phải tạo ra được một cơ chế quản lý cũng như vận hành thị trường có hệ thống pháp luật đầy đủ, cụ thể, rõ ràng. |
Quản trị công ty không còn là cần thiết, mà là vấn đề cấp thiết Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX)
Trong khi Việt Nam vẫn đang đi tìm mô hình phát triển QTCT thì thế giới đã tiến những bước dài. QTCT không còn là vấn đề cần thiết, mà đã trở thành vấn đề cấp thiết. Việc phát triển QTCT cần có sự phối hợp của cộng đồng DN, các nhà nghiên cứu, phân tích, các nhà làm chính sách... HNX mong muốn đồng hành cùng các DN trong việc tăng cường và cải thiện chất lượng hoạt động QTCT tại Việt Nam, tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng DN và tăng cường khả năng cạnh tranh của DN, hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.
|
Các nhà quản trị doanh nghiệp hãy là người khôn ngoan TS. Vũ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn QTCT tại HNX Cổ nhân đã nói: “Người ấu trĩ muốn làm lợi cho mình/Kẻ khôn ngoan muốn làm lợi cho người khác”. Tôi mong các nhà quản trị DN hãy là người khôn ngoan vì “có tâm thì có phúc, có phúc thì có phần”. Muốn phát triển bền vững, DN phải có chính sách cụ thể để chăm lo lợi ích cho người lao động, tôn trọng quyền lợi đối tác, giữ gìn môi trường và có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, Thực tế, nhiều DN còn bận lo toan cho những điều thiết yếu trước mắt, chưa quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, lãnh đạo DN có tầm nhìn dài hạn thì cần có lộ trình từng bước thực hiện các mục tiêu trên. |
Điểm quản trị thấp sẽ ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu, sức hấp dẫn của doanh nghiệp TS. Nguyễn Thu Hiền, chuyên gia QTCT của ASEAN, Giám đốc Chương trình quản trị kinh doanh Maastricht, Đại học Bách khoa TP.HCM Điểm QTCT của DN Việt Nam rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Chưa nhiều DN đáp ứng được các tiêu chí trong thang điểm QTCT của ASEAN, vì họ đánh giá rất toàn diện, chú trọng tới nhiều khía cạnh của HĐQT và các công tác đối với vấn đề nội tại và tác động bên ngoài của DN. Đây là điểm mà đa phần các DN Việt Nam yếu và thiếu. Ví dụ, HĐQT thiếu tính độc lập, sự hạn chế của Ban kiểm soát, hạn chế trong việc tôn trọng tiếng nói và quyền lợi của tất cả các cổ đông… Trong khi đó, những điểm này có trọng số rất lớn trong tổng điểm, vì vậy DN Việt Nam thường có mức điểm thấp. Khi điểm thấp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị thương hiệu, cũng như tính hấp dẫn của DN, của quốc gia trong cộng đồng nhà đầu tư ngoại. Vì vậy, Việt Nam cần cải thiện đồng bộ chất lượng HĐQT và hoạt động của Ban điều hành theo đúng những tiêu chuẩn quốc tế, để không tụt hậu quá xa so với khu vực. |