Quản trị công ty, thấy gì từ TTCK khu vực?

(ĐTCK) Ngày 4/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Sở GDCK TP. HCM (HOSE), Sở GDCK Hà Nội (HNX) tổ chức Hội nghị quản trị công ty hướng tới hội nhập khu vực các nước ASEAN và tập huấn soạn thảo tài liệu cổ đông hướng đến các thông lệ quản trị công ty tốt nhất (theo thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN).
Thị trường vốn phải là tiên phong để thúc đẩy và lan tỏa những giá trị về quản trị công ty Thị trường vốn phải là tiên phong để thúc đẩy và lan tỏa những giá trị về quản trị công ty

Theo TS. Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBCK, mục đích chính của diễn đàn này là nhằm nâng cao nhận thức và ý thức áp dụng các chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty cho các DN niêm yết, giúp DN định vị được mức độ quản trị công ty của mình và nền tảng quản trị công ty của cả quốc gia nói chung trong tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực.

Trong đó, thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN đang trở thành một công cụ cần được DN quan tâm, bởi nó giúp nâng cao chuẩn mực thực hành quản trị công ty trong các DN niêm yết tại các nước thành viên ASEAN, quảng bá hình ảnh của DN với NĐT trong và ngoài nước.

Theo ông Long, để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh của DN, của Việt Nam, bên cạnh việc cải cách thể chế mạnh mẽ, yêu cầu hình thành nền tảng quản trị công ty tốt là cấp thiết và phải được thúc đẩy ở tất cả các loại hình DN.

Tuy nhiên, thị trường vốn phải là tiên phong để thúc đẩy và lan tỏa những giá trị về quản trị công ty. Hiện tại, Việt Nam đang đứng thứ hạng thấp nhất trong 6 quốc gia tham gia đánh giá thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN (gồm Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Việt Nam).

TS. Nguyễn Thu Hiền, chuyên gia quản trị công ty khu vực ASEAN 2012-2015 cho rằng, DN Việt chủ yếu có xuất phát điểm từ DNNN hoặc công ty gia đình, nên việc cổ phần hoá và đại chúng hoá những DN trên là một bước tiến lớn và để cải thiện chất lượng quản trị DN hơn nữa thì cần thêm thời gian và nỗ lực từ nhiều phía.

Ngoài ra, nhận thức, hành động của DN trong việc nâng cao quản trị công ty, hiểu biết về thẻ điểm quản trị công ty vẫn ở mức hạn chế. Đây là thách thức rất lớn và cần phải tuyên truyền rộng rãi hơn để các DN hiểu việc thực hiện tốt thẻ điểm quản trị công ty sẽ giúp DN quảng bá hình ảnh trong mắt các NĐT quốc tế.

Đối với các nước thành viên còn lại trong khối ASEAN, để thực hiện tốt và cải thiện điểm số trong thẻ điểm, mỗi quốc gia đều có những giải pháp riêng biệt, hiệu quả mà Việt Nam có thể tham khảo.

Ông Ricardo Jacinto, Giám đốc Viện Thành viên HĐQT Philippines chia sẻ, UBCK Philippines yêu cầu các DN nội địa dựa trên những tiêu chí của thẻ điểm quản trị DN tự đánh giá, cập nhật nội dung này trong báo cáo thường niên.

Kết quả quản trị DN phải được báo cáo theo mẫu chung và công bố trên website của DN. Điều này giúp NĐT dễ dàng so sánh chất lượng quản trị giữa các DN. UBCK tổng hợp và trao đổi trực tiếp với từng DN có điểm đánh giá thấp, từ đó, cùng đưa ra giải pháp cải thiện.

Theo TS. Bandid Nijathaworn, Giám đốc Viện Thành viên HĐQT Thái Lan, sau khủng hoảng tài chính châu Á, Thái Lan đã có những bài học cho riêng mình. Vai trò của quản trị công ty đối với sự phát triển của DN cũng như với nền kinh tế được Chính phủ và nhiều DN ý thức rất rõ. UBCK Thái Lan đã giúp DN hiểu được rằng, việc áp dụng thẻ điểm quản trị công ty không tốn quá nhiều chi phí, trong khi mang lại nhiều lợi ích.

Quản trị công ty tại các DN Thái Lan đã có nhiều cải thiện, có sự tham gia của NĐT cá nhân, họ được tham dự các cuộc họp, sự kiện về quản trị công ty và NĐT cá nhân cho ý kiến phản hồi về quản trị công ty của DN... Tuy nhiên, thách thức của Thái Lan hiện nay là việc phổ biến thẻ điểm, thông lệ quản trị công ty tốt với các DN chưa niêm yết.

Bà Lya Rahman, Tổng quản lý Nhóm Bảo vệ cổ đông thiểu số Malaysia chia sẻ bí quyết thúc đẩy việc áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt: “Tại Malaysia, chúng tôi xây dựng hệ thống thẻ điểm quản trị công ty riêng từ năm 2009 và chỉ mới áp dụng thẻ điểm ASEAN từ năm 2012.

Trong công việc giám sát, chẳng hạn phát hiện có một thành viên HĐQT chỉ tham gia 70% cuộc họp thì sẽ có những chế tài dành cho vị này vì đã không làm tròn trách nhiệm thành viên HĐQT. Trong trường hợp cổ đông có yêu cầu thông tin nhưng không được DN cung cấp thì ngay lập tức, thông tin này sẽ xuất hiện trên mặt báo”.

Từ kinh nghiệm của các TTCK trong khu vực, có thể thấy, để thu hút NĐT, thúc đẩy thị trường vốn Việt Nam phát triển, ngoài nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị từ phía các DN niêm yết, cũng cần nỗ lực tuyên truyền để DN hiểu và áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt và cả chế tài xử lý nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm quy định về quản trị công ty từ phía cơ quan quản lý, giám sát thị trường.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ