Đón đầu cơ hội, CTCK chủ động tăng sức mạnh tài chính

(ĐTCK) TTCK Việt Nam sắp được nâng hạng, chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhất Đông Nam Á, Việt Nam có thể vượt Thái Lan và Phillippines… là tựa đề các bài báo của các hãng thông tấn lớn trên thế giới viết về TTCK những ngày gần đây. Đón đầu vận hội mới để gia tăng năng lực cạnh tranh, phục vụ tốt nhất yêu cầu của khách hàng, các CTCK đang khẩn trương làm mới sức mạnh tài chính của mình.
SHS vừa phát hành 250 tỷ đồng trái phiếu, dự kiến cuối năm phát hành thêm một đợt với quy mô lớn hơn SHS vừa phát hành 250 tỷ đồng trái phiếu, dự kiến cuối năm phát hành thêm một đợt với quy mô lớn hơn

Ngày 21/7, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đã hoàn thành việc phát hành đợt I/2015 250 tỷ đồng trái phiếu. Cụ thể, trái phiếu SHS phát hành đợt này là loại trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 2 năm (7/2015 - 7/2017).

Lãi suất kỳ 6 tháng đầu cố định là 8,5%/năm. Lãi suất áp dụng cho các kỳ tính lãi tiếp theo được thả nổi với lãi suất tối thiểu bằng trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, trả sau, kỳ hạn 12 tháng được công bố tại Sở giao dịch của 4 ngân hàng thương mại tại Hà Nội bao gồm: BIDV, Vietcombank, VietinBank, SHB với biên độ (+) 2 - 3%/năm.

Đại diện SHS cho biết, thực hiện mua toàn bộ 250 tỷ đồng trái phiếu trong đợt I/2015 là 3 tổ chức tài chính lớn và uy tín gồm ngân hàng, quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm. Việc phát hành thành công 250 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp SHS bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và phát triển các sản phẩm mới.

Dự kiến, vào cuối năm nay, SHS sẽ phát hành thêm một đợt trái phiếu với quy mô lớn hơn đợt đầu. Sau khi tái cấu trúc hoạt động thành công, 2 năm trở lại đây, SHS có những bứt phá ngoạn mục về các mảng hoạt động như: tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành, môi giới chứng khoán... Hiện SHS đứng trong Top 5 CTCK có thị phần lớn nhất trên 2 sàn HNX và HOSE.

Không chỉ có SHS, cuộc chạy đua tăng vốn của các CTCK đã diễn ra từ cuối năm ngoái. Tháng 11/2014, VCBS đã phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu cho các NĐT cá nhân. MBS dự kiến huy động khoảng 600 tỷ đồng vốn mới từ trái phiếu. Hay SSI dự kiến phát hành 1.000 - 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm.

Ngoài lý do khách quan là Thông tư 36/2014/TT-NHNN siết nguồn vốn vay từ ngân hàng đổ vào TTCK, bản thân các CTCK còn nhanh chân trong cuộc đua tăng năng lực tài chính bởi cạnh tranh thu hút khách hàng trên thị trường đang ngày một quyết liệt.

Theo xu hướng hội nhập ngành, các CTCK có năng lực tài chính mạnh sẽ được cung cấp nhiều dịch vụ mới cho NĐT, như các sản phẩm dịch vụ chứng khoán phái sinh, các dịch vụ rút ngắn thời gian thanh toán cho NĐT, hay mua bán chứng khoán trong ngày…

Huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu đang được nhiều CTCK lựa chọn. Tuy nhiên, không phải CTCK nào cũng có thể áp dụng phương thức này. Các đợt phát hành trái phiếu thành công thường chỉ thực hiện được tại những CTCK có uy tín, hoạt động hiệu quả và có dòng tiền ổn định. 

Khác với vốn vay ngân hàng, có thể tăng giảm quy mô và thời hạn vay một cách linh hoạt, huy động vốn từ trái phiếu có những điều kiện chặt chẽ hơn. Bởi vậy, các CTCK sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng bài toán sử dụng vốn, đồng thời phải năng động tìm kiếm khách hàng, nghiên cứu đưa ra sản phẩm mới để không rơi vào tình trạng “vốn chết”, vừa phải trả lãi suất cho trái chủ, vừa mất thị phần. Đây là thách thức với các CTCK, song cũng là động lực để TTCK phát triển, NĐT được phục vụ tốt hơn trong thời gian tới.

Từ nhu cầu tăng vốn nói trên của các CTCK và số liệu thống kê về kết quả hoạt động kinh doanh gần đây của các CTCK, thị trường và NĐT có thể dự đoán một trật tự mới trong bức tranh hoạt động của khối này đang dần hình thành: các CTCK đang hoạt động tại Việt Nam tập trung nhiều về lượng, nhưng chưa mạnh về chất, thậm chí nhiều CTCK hoạt động rất yếu kém, sẽ dần biến mất.

Thay vào đó, thị trường sẽ có ít CTCK hơn, nhưng những công ty phát triển sẽ có quy mô vốn chủ lớn hơn nhiều so với hiện nay, cơ cấu sản phẩm, chất lượng dịch vụ và sự chuyên nghiệp sẽ có sự cải thiện mạnh mẽ. Kinh nghiệm từ các TTCK khu vực và thế giới cũng cho thấy, những CTCK lớn trên thế giới hiện có quy mô vốn bằng toàn bộ các CTCK hiện tại của Việt Nam cộng lại. Trên thực tế, số lượng CTCK không quan trọng bằng quy mô và chất lượng CTCK.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục