HNX tăng cường tiêu chí đánh giá quản trị công ty

(ĐTCK)“Ngày 2/10 tới, Sở GDCK Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức gặp mặt các DN niêm yết và công bố kết quả chương trình đánh giá Công bố thông tin và minh bạch (CBTT&MB) năm 2015.
Hàng năm, HNX tổ chức vinh danh các DN công bố thông tin và minh bạch nhất Hàng năm, HNX tổ chức vinh danh các DN công bố thông tin và minh bạch nhất

Năm nay, các DN đạt được nhiều tiến bộ trong CBTT&MB, nhưng vẫn còn không ít điểm yếu kém. Do đó, HNX chuẩn bị triển khai dịch vụ cung cấp thông tin cho DN niêm yết/đăng ký giao dịch để hỗ trợ DN trong vấn đề CBTT”, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HNX chia sẻ. 

Được biết, bộ tiêu chí đánh giá chất lượng CBTT&MB năm nay có sự thay đổi so với các năm trước, ông có thể cho biết cụ thể?

Năm nay là năm thứ 3, HNX tổ chức Lễ tôn vinh các DN niêm yết CBTT&MB trên Sở. Lễ tôn vinh nhằm mục đích vinh danh 30 DN CBTT&MB nhất và 10 DN có nhiều tiến bộ trong CBTT&MB. Việc đánh giá do đơn vị tư vấn độc lập trực thuộc Trường đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện.

Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng CBTT&MB năm 2014-2015 có nhiều cải tiến trong phương pháp luận so với các năm trước, nhằm đánh giá sâu hơn thông tin DN công bố, phân biệt được các DN công bố thông tin đầy đủ, tự giác, hoặc ở mức độ cao hơn là áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty (QTCT).

Tất nhiên, bộ tiêu chí năm nay vẫn dựa trên 5 nguyên tắc QTCT của OECD, nhưng được sửa đổi theo hướng giảm số lượng các tiêu chí đánh giá mang tính chất tuân thủ, tăng cường tiêu chí đánh giá về QTCT theo thông lệ quốc tế.

Nếu như bộ tiêu chí năm 2013-2014 bao gồm 121 tiêu chí với số điểm tối đa DN đạt được là 1 điểm/câu, thì bộ tiêu chí năm nay bao gồm 100 tiêu chí, trong đó 50 câu có điểm tối đa là 1 điểm/câu và 50 câu có điểm tối đa là 2 điểm/câu. 


HNX tăng cường tiêu chí đánh giá quản trị công ty ảnh 1

Ông Trần Văn Dũng

Kết quả đánh giá CBTT&MB năm nay như thế nào, thưa ông?

Sự thay đổi về cách đánh giá dẫn đến kết quả có thay đổi, nhưng kết quả này phù hợp với các Báo cáo Thẻ điểm quốc tế.

Nổi bật trong kết quả đánh giá là nhiều DN có sự cải thiện so với năm 2014 và đạt thông lệ quốc tế ở một số tiêu chí như: đối với tỷ lệ thành viên HĐQT không điều hành, năm 2014 có 42,5% số DN đảm bảo tỷ lệ ít nhất 1/3, trong khi năm 2015 là 68%, trong đó 52% số lượng HĐQT đạt trên 1/3 thành viên là không điều hành.

Nhìn chung, các DN đạt được nhiều tiến bộ trong CBTT&MB, nhưng có một điểm yếu là chưa tập trung vào vai trò với các bên có lợi ích liên quan. 

Không ít DN minh bạch nửa vời, như công bố lương, thưởng của HĐQT theo tỷ lệ hoặc theo con số tổng, chứ không cụ thể từng nhân sự. Hay DN công bố tổng nợ, chứ không công bố kỳ hạn nợ, lãi suất. HNX đánh giá tình trạng này như thế nào và có giải pháp gì để thúc đẩy DN minh bạch thực sự?

Kết quả đánh giá CBTT&MB năm 2015 cho thấy, 82% DN niêm yết thực hiện CBTT về thù lao, lương, thưởng, chi phí, các khoản lợi ích cho các thành viên HĐQT đã được ĐHCĐ thông qua.

Trong đó, có khoảng 49% số DN công bố chi tiết các khoản thanh toán cho từng thành viên HĐQT và 33% số DN công bố tổng chi phí các khoản thanh toán cho cả HĐQT.

Đối với việc CBTT các hợp đồng tín dụng, có 43,7% số DN công bố chi tiết toàn bộ dư nợ, lãi suất và ngày trả nợ cho từng chủ nợ, hoặc không có nợ; 28,24% số DN công bố sơ sài, hoặc không công bố.

Để thúc đẩy các DN minh bạch hóa thông tin, chúng tôi khuyến nghị cổ đông thông qua ĐHCĐ yêu cầu DN minh bạch hóa các thông tin trên. Đồng thời, HNX khuyến khích các DN thực hiện theo thông lệ QTCT tốt.

Bên cạnh đó, DN nên có cơ chế lương, thưởng gắn liền với hiệu quả hoạt động của DN, dựa trên các tiêu chí có thể đo lường được rõ ràng (chỉ số đo lường hiệu quả - KPI). Các tiêu chí này phải được công bố để cổ đông có thể đánh giá được tính hiệu quả của Ban lãnh đạo công ty. 

Cùng với việc chọn lọc và vinh danh các DN minh bạch nhất, HNX làm thế nào giúp các DN nhận ra điểm yếu kém trong QTCT của mình, để cải thiện qua từng năm?

Chi tiết kết quả đánh giá CBTT&MB và bộ tiêu chí năm 2015 sẽ được trình bày tại “Báo cáo CBT&MB năm 2015”. Trong cuốn báo cáo này, đơn vị đánh giá độc lập đã đưa ra kết quả đánh giá dựa trên các yếu tố ngành, vốn chủ sở hữu, cơ cấu tổ chức, kết quả kinh doanh, hay phân loại theo 5 nguyên tắc QTCT của OECD.

Cuốn báo cáo này sẽ được chuyển tới cho tất cả các DN niêm yết/đăng ký giao dịch trên HNX tại “Hội nghị gặp mặt DN năm 2015”. Ngoài ra, HNX tiến hành cung cấp kết quả đánh giá CBTT&MB cho từng DN thông qua các cuộc tiếp xúc với DN, hoặc khi DN yêu cầu.

Việc này sẽ giúp chỉ ra các tiêu chí DN thực hiện tốt hay chưa tốt theo từng nội dung, phân tích chi tiết để các DN có thể nhìn nhận vấn đề triển khai và thực thi các quy định, cũng như cung cấp thực tiễn CBTT và QTCT tốt, phù hợp với xu hướng và bối cảnh của Việt Nam.

So với các nước lân cận, DN Việt Nam có điểm số thấp về QTCT. Thậm chí, năm 2015, chúng ta chỉ có 42 DN được chọn chấm Thẻ điểm ASEAN, trong khi tiêu chuẩn chọn đến 100 DN. Theo ông, cần làm gì để cải thiện tình trạng này?

Trước hết, về việc lựa chọn DN chấm Thẻ điểm ASEAN, các tài liệu CBTT phải được viết bằng tiếng Anh. Trong khi đó, các văn bản pháp luật tại Việt Nam chưa bắt buộc DN CBTT bằng tiếng Anh. So sánh với các quốc gia khác trong khu vực như Singapore, Malaysia, Phillipines sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức thứ 2, các DN Việt Nam thiệt thòi hơn.

Vì vậy, số lượng DN Việt Nam được lựa chọn để chấm Thẻ điểm ASEAN vẫn còn ít là điều không thể tránh khỏi. Thêm vào đó, việc áp dụng cùng 1 hệ quy chuẩn để chấm QTCT với các nước trong khu vực khiến cho DN nước ta gặp nhiều hạn chế. Không ít thông lệ QTCT tốt được một số nước đưa vào văn bản pháp luật để tuân thủ, trong khi ở Việt Nam chỉ mới dừng lại ở mức khuyến khích, khiến chất lượng QTCT của chúng ta bị đánh giá là thấp.

Để cải thiện tình trạng này, về phía cơ quan quản lý, chúng tôi nghĩ cần hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường thanh tra, giám sát, cưỡng chế về QTCT bằng việc sử dụng cơ chế “tuân thủ và/hoặc giải thích”.

Nghĩa là, công ty đại chúng thực hiện các nguyên tắc về QTCT, nếu không thực hiện thì phải giải thích lý do cho cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đối với các nước trong giai đoạn đầu mới phát triển về QTCT, cơ chế này cần bắt buộc thực hiện và giải thích sẽ phù hợp hơn.

Trong năm 2014, nhiều văn bản pháp lý đã được điều chỉnh và ban hành nhằm tháo gỡ những bất cập, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế như Luật Doanh nghiệp 2014; Thông tư 200/2014/TT-BTC và Thông tư 202/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán DN…

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra Thông báo về việc khuyến nghị các công ty đại chúng thực hiện CBTT bằng tiếng Anh ngày 18/8/2014 và ban hành các mẫu phụ lục Thông tư 52/2012/TT-BTC bằng tiếng Anh đã tạo tiền đề cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng việc CBTT.

Bên cạnh đó, Thông tư 52/2012/TT-BTC về hướng dẫn CBTT trên TTCK và Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về QTCT đối với công ty đại chúng đang được sửa đổi theo hướng chặt chẽ, phù hợp hơn với các thông lệ quốc tế.

Về phía HNX thì sao, thưa ông?

Nhằm hỗ trợ DN cập nhật những thay đổi của các văn bản pháp lý nêu trên, cũng như tăng cường QTCT, bên cạnh Diễn đàn QTCT năm 2015 và Hội nghị gặp mặt DN năm 2015 tổ chức ngày 2/10 tới, HNX còn thực hiện nhiều hoạt động như: rà soát bộ tiêu chí đánh giá CBTT&MB hàng năm để sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam, hướng tới đánh giá QTCT, thay vì chỉ một mảng CBTT&MB của DN.

Trong quý I và II/2015, HNX đã tổ chức thành công 2 tuần lễ QTCT với các nội dung được đông đảo DN quan tâm: tổ chức ĐHCĐ; các khuyến nghị về lập báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững; cập nhật thông tin về chế độ kế toán DN, với sự tham gia của Vụ Chế độ kế toán - Bộ Tài chính nhằm ghi nhận, giải đáp những thắc mắc, khó khăn của DN trong quá trình triển khai Thông tư 200/2014/TT-BTC và Thông tư 202/2014/TT-BTC.

Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị phát hành các ấn phẩm nhằm quảng bá, phổ biến tới các DN niêm yết/đăng ký giao dịch trên HNX, bao gồm Sổ tay so sánh tóm tắt chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), sắp tới là Báo cáo CBTT&MB 2015 (dự kiến tháng 10/2015).

Bên cạnh đó, chúng tôi chủ động tham gia các cam kết quốc tế, sáng kiến “Sở GDCK phát triển bền vững” do Liên hợp quốc khởi xướng, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững thị trường vốn trong nước; khuyến khích sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, DN, NĐT và các bên liên quan, góp phần nâng cao chuẩn mực cũng như chất lượng thông tin công bố đối với các DN.

Được biết, HNX đang chuẩn bị triển khai dịch vụ cung cấp thông tin cho DN để hỗ trợ DN trong vấn đề CBTT. Ông có thể chia sẻ về hoạt động sắp triển khai này?

HNX đã và đang cung cấp dịch vụ thông tin chứng khoán hiện giao dịch tại các thị trường do Sở vận hành. Thông qua khách hàng là các hãng thông tin quốc tế như Reuters, Bloomberg, các CTCK, quỹ đầu tư, ngân hàng thương mại, công ty tài chính…, thông tin chính thống từ HNX được cung cấp và phân phối tới từng NĐT một cách kịp thời, chính xác.

Với mục tiêu hỗ trợ DN hoàn thiện kênh thông tin với NĐT, cung cấp thêm thông tin về chứng khoán của chính DN đang giao dịch tại HNX, tăng cường mối quan hệ với cổ đông và công chúng đầu tư, từ tháng 10/2015, HNX sẽ triển khai dịch vụ cung cấp thông tin với các gói tin đặc thù dành riêng cho các DN này, dự kiến bao gồm công bố thông tin bằng tiếng Anh của công ty và thông tin bằng tiếng Việt của các công ty cùng ngành. HNX cung cấp gói dịch vụ này miễn phí cho các DN đăng ký đến hết năm 2016.

Tường Vi thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục