Đối với cơ quan quản lý
Điểm mạnh: một số văn bản pháp luật liên quan tới QTCT đã được ban hành như Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014, Nghị định 58/2012/NĐ- CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Thông tư 52/2012/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin của công ty đại chúng trên TTCK, Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 quy định về QTCT áp dụng cho các công ty đại chúng.
Bên cạnh đó, 2 sở GDCK đã phát hành các tài liệu hướng dẫn về QTCT và nghiên cứu về chỉ số QTCT, chỉ số môi trường, xã hội và quản trị (ESG), đánh giá và xếp hạng QTCT của các DN…, nhằm khuyến khích các DN niêm yết áp dụng các thông lệ tốt về QTCT.
Điểm yếu: là hệ thống văn bản pháp lý chưa xử lý được các vấn đề một cách triệt để liên quan đến QTCT của DN đại chúng. Hai là các quy định về niêm yết trên TTCK không bao gồm các quy định về QTCT tối thiểu. Và cuối cùng là khái niệm QTCT còn khá mới mẻ đối với hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến DN.
Đối với doanh nghiệp
Điểm mạnh:
-Các thủ tục và quy trình tổ chức ĐHCĐ đã được cải thiện như thời gian tổ chức ĐHCĐ theo quy định, thông tin cung cấp về ĐHCĐ tương đối đầy đủ;
-Kịp thời công bố thông tin định kỳ, bao gồm báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, báo cáo quản trị được thực hiện khá tốt;
-Báo cáo quản trị năm/bán niên được công bố kịp thời cho cơ quan quản lý và có nội dung đầy đủ theo Thông tư 52/2012;
-Trang thông tin điện tử của công ty cung cấp khá đầy đủ các thông tin liên quan tới điều lệ công ty, bản cáo bạch, báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, nghị quyết ĐHCĐ…
Điểm yếu:
-Chưa thấy rõ vai trò và sự hiện diện của kiểm toán độc lập trong ĐHCĐ;
-Quyền lợi của cổ đông nhỏ chưa được chú trọng khi tính đại chúng của DN niêm yết còn thấp và tỷ lệ tập trung sở hữu vào các cổ đông lớn còn cao;
-Các vấn đề liên quan tới môi trường, xã hội và quản trị (ESG) chưa được đề cập nhiều trong báo cáo thường niên;
-DN chưa công bố rõ ràng giao dịch với các bên có liên quan kịp thời;
-Các thông tin phân tích tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, quản trị rủi ro còn sơ sài, chưa cung cấp thông tin hữu ích cho nhà đầu tư;
-Chất lượng thông tin trên báo cáo của HĐQT và ban kiểm soát còn sơ sài, chưa được chú trọng;
-Vai trò giám sát và thực hiện cải thiện báo cáo tình hình giám sát của HĐQT và ban kiểm soát đối với ban giám đốc chưa được nâng cao;
-Việc thực hiện tỷ lệ 1/3 thành viên HĐQT không tham gia điều hành và độc lập còn khó khăn;
-Chưa phân tách rõ chức năng của các tiểu ban chuyên trách trong HĐQT.
Để đạt được lòng tin của nhà đầu tư, DN không chỉ cần nỗ lực đạt được các yêu cầu của cơ quan quản lý thị trường, mà còn cần thể hiện tinh thần trách nhiệm và tự nguyện trong vấn đề QTCT, tinh thần tôn trọng nhà đầu tư trong quá trình thực hiện QTCT của mình.
Học Malaysia xây dựng Hiệp hội Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ Kinh nghiệm của Malaysia trong việc thành lập Hiệp hội Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ (MSWG) để bảo vệ lợi ích của cổ đông nhỏ lẻ thông qua khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ, vào quản trị của các công ty niêm yết trên Sở GDCK Bursa Malaysia. Đây là một mô hình rất tốt mà Việt Nam có thể học tập để bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ, một vấn đề đang rất “nóng” trên TTCK khi quyền của các cổ đông nhỏ lẻ bị xâm phạm bởi các cổ đông lớn và sự tham gia của họ vào quá trình ra quyết định của công ty là hạn chế. Hiệp hội Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ được thành lập với mục đích: -Đưa ra các tư vấn/cách giải quyết cho các vấn đề mà nhà đầu tư nhỏ lẻ gặp phải khi bị xâm phạm quyền lợi; -Trở thành diễn đàn cho cổ đông nhỏ lẻ chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo về QTCT; -Phát triển sáng kiến của cổ đông về những vấn đề QTCT; -Hợp tác với các nhà quản lý, các trường đại học, viện nghiên cứu về QTCT trong việc xây dựng lộ trình QTCT, đánh giá QTCT của DN… |