Đừng làm “như máy”, hãy quản trị công ty bằng trái tim

(ĐTCK) “Khung pháp lý về quản trị công ty (QTCT) ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ nhưng điểm số QTCT của các doanh nghiệp Việt vẫn thua kém so với các nước trong khu vực. Bên cạnh nguyên nhân do cơ chế thị trường còn yếu, chưa phát huy hiệu quả để nâng cao nhận thức về QTCT, vấn đề hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là thực thi quy định”.
Tọa đàm về quản trị công ty đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Tọa đàm về quản trị công ty đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp

Đó là những đánh giá của các chuyên gia tại tọa đàm về quản trị công ty trong khuôn khổ Lễ trao giải cuộc Bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất 2015, do Báo Đầu tư phối hợp cùng Sở GDCK TP. HCM tổ chức cuối tuần qua.

“Cần thực hiện quản trị công ty bằng trái tim”

Ông Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Việt Nam và các nước ASEAN có cùng khung pháp lý nhưng điểm số quản trị công ty (QTCT) của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thua kém so với các nước. Nguyên nhân có thể do các doanh nghiệp Việt Nam chưa muốn quản trị tốt hoặc doanh nghiệp đang hiểu sai về QTCT. Nếu áp dụng Luật Doanh nghiệp mới và thực hiện cho tất cả các công ty cổ phần thì có thể điểm số về QTCT sẽ còn thấp hơn nhiều.

Luật Doanh nghiệp mới có xu hướng mở rộng, tăng tính linh hoạt để thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng QTCT tốt. Điều này thể hiện qua số lượng điều khoản có câu “trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác” tăng lên, tức thúc đẩy doanh nghiệp có quyền tự chọn áp dụng những thực tiễn tốt về QTCT. Luật cũng cho phép doanh nghiệp được chọn mô hình quản trị là đa hội đồng hay đơn hội đồng. Vấn đề quan trọng nhất để đo lường QTCT tốt chính là bảo vệ cổ đông.

Đánh giá, so sánh Việt Nam với các nước thì mức độ bảo vệ NĐT của Việt Nam rất yếu, đứng thứ 116/188 quốc gia. Khi xây dựng Luật, chúng tôi nhận thức được điều này và có những thay đổi tương ứng. Nếu Luật mới được thực thi tốt thì điểm số này tăng khoảng 70 bậc với điều kiện các nước khác không thay đổi.

Luật mới quy định mức tối thiểu bảo vệ cổ đông cao hơn, như mở rộng quyền tiếp cận thông tin và quy định tạo điều kiện cho cổ đông dễ dàng hơn trong khởi kiện người quản lý trong trường hợp họ vi phạm.

Mục tiêu khi xây dựng Luật Doanh nghiệp là thiết lập những nguyên tắc tối thiểu về QTCT mà nếu không quy định, doanh nghiệp dễ vi phạm gây ảnh hưởng tới lợi ích cổ đông thiểu số. Tức nếu doanh nghiệp chỉ đảm bảo đúng quy định thì điểm quản trị sẽ chỉ ở mức trung bình. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 70.000 CTCP, do vậy, nếu Luật Doanh nghiệp đưa ra chuẩn mực cao, có thể phù hợp với những doanh nghiệp niêm yết nhưng chưa phù hợp với những CTCP nhỏ.

Vấn đề đặt ra, nếu để doanh nghiệp “tùy chọn” thì liệu chất lượng QTCT sẽ đi xuống. Tôi cho rằng, doanh nghiệp cần quản trị bằng trái tim và hướng đến mục tiêu lớn hơn là lợi ích của chính doanh nghiệp chứ không dừng ở mức tuân thủ. Doanh nghiệp khi áp dụng QTCT cũng nên thay đổi góc nhìn, không chỉ đứng trên lợi ích của riêng mình, mà còn nhìn sang các bên liên quan và môi trường, xã hội.

“Tối thiểu phải có BCTN bản tiếng Anh”

TS. Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc chương trình Cao học quản trị kinh doanh
 

Maastricht MBA, Đại học Bách khoa TP. HCM, chuyên gia quản trị công ty khu vực Asean

Kết quả đánh giá QTCT của các doanh nghiệp trong 3 năm qua không có nhiều thay đổi. Thẻ điểm QTCT ASEAN được đánh giá từ năm 2012 - 2014 của 6 quốc gia trong khu vực, mẫu thực hiện là 100 doanh nghiệp lớn nhất của từng quốc gia, đáng tiếc ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp không có tài liệu cổ đông bằng tiếng Anh.

Cụ thể, trong hơn 200 doanh nghiệp lớn nhất trên 2 Sở, năm đầu chỉ có 39 doanh nghiệp có BCTN bằng tiếng Anh; năm thứ hai là 40 và năm thứ ba là 50. Như vậy, mới chỉ đánh giá được 50 doanh nghiệp và những doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng khoảng trên 60% vốn hóa thị trường.

Khoảng cách giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nước không phải do khung luật pháp, bởi trong tổng số 25 câu hỏi thì Việt Nam đã đạt từ 18 - 20 tiêu chí về luật pháp. Nguyên nhân được lý giải chính là cơ chế thị trường còn yếu, chưa phát huy hiệu quả để nâng cao nhận thức về QTCT không chỉ ở NĐT mà cả ở công chúng, truyền thông, thông tin.

Bài toán phát triển và hội nhập đặt ra vấn đề rất lớn trong việc làm sao thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Lợi ích lớn nhất của việc nâng cao Quản trị công ty là giảm thiểu rủi ro, điều mà nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.

Nhiều NĐT nước ngoài ngạc nhiên khi gặp gỡ các DN Việt Nam thường chỉ nghe nói nhiều về khả năng sinh lợi, trong khi họ không quan tâm tới vấn đề này nhiều bằng tính bền vững và mức độ rủi ro của các cơ hội đầu tư khi đầu tư các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Ngoài ra, việc doanh nghiệp cung cấp thông tin bằng tiếng Anh là rất quan trọng, tối thiểu BCTN phải có bản tiếng Anh vì đây là tài liệu quan trọng nhất chứa đựng nhiều nội dung về QTCT mà DN cần tập trung để cải thiện.

Hy vọng với tình hình hiện tại sẽ có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia trong việc thu hút và mời gọi đầu tư quốc tế bằng cách chuẩn bị tài liệu của mình cho bất kỳ NĐT đến từ bất cứ nơi nào trên thế giới.

“Doanh nghiệp có QTCT tốt thường được các NĐT tổ chức đánh giá cao”

Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM
 

Dưới góc độ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp niêm yết thực hiện chuẩn mực về QTCT có sự thay đổi lớn và nỗ lực hơn nhiều. Doanh nghiệp có QTCT tốt giúp giảm thiểu rủi ro, NĐT nhìn nhận doanh nghiệp tốt hơn, trả giá cao hơn cho cổ phiếu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE có QTCT tốt thường là công ty thực hiện quy định pháp luật tốt và nhận được đánh giá cao hơn từ NĐT, nhất là NĐT tổ chức.

Theo thống kê của HOSE, 100% công ty niêm yết tuân thủ đúng điều lệ mẫu, đầy đủ theo Luật Doanh nghiệp, trong đó có 21% số lượng công ty đã thực hiện hoàn toàn theo điều lệ mẫu, tức ở mức đáp ứng được yêu cầu về QTCT cao hơn yêu cầu tối thiểu của Luật.

30% doanh nghiệp tách bạch chức danh chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc; chỉ có 1/3 doanh nghiệp đáp ứng có tối thiểu 1/3 thành viên HĐQT độc lập, có ít doanh nghiệp có tiểu ban trực thuộc HĐQT. Vấn đề hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là thực thi quy định.

Qua BCTN của các doanh nghiệp cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã không thực hiện đúng những quy định của chính doanh nghiệp ban hành, chưa thực hiện quy chế công bố thông tin đề ra.

“Để cổ đông nhỏ đề xuất thành viên HĐQT độc lập là giải pháp hay”

Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Đầu tư Dragon Capital
 

QTCT nếu không thực hiện bài bản hoặc vi phạm nguyên tắc QTCT sẽ dễ xảy ra rủi ro. Các công ty có QTCT tốt theo chuẩn luôn được trả giá cao hơn và quan trọng hơn là sự phát triển của công ty đó sẽ bền vững hơn các công ty khác.

Hiện QTCT có chuẩn của OECD, bao gồm 6 nguyên tắc: đảm bảo cơ sở khuôn khổ cho QTCT  hiệu quả; đảm bảo được quyền của cổ đông và chức năng sở hữu của cổ đông; đảm bảo đối xử công bằng giữa các cổ đông; quan tâm vai trò giữa các cổ đông; công bố thông tin và minh bạch hóa hoạt động công ty; cuối cùng là trách nhiệm của HĐQT.

Về cơ bản, khung pháp lý đáp ứng đủ để điều tiết 6 nguyên tắc, nhưng nhiều công ty chỉ thực hiện “như máy” theo quy định và chưa thực sự nghĩ rằng đây là chuẩn mực tốt mà công ty nên làm để hoạt động hiệu quả, thu hút NĐT.

Với các doanh nghiệp Việt Nam, tôi thấy có sự cải thiện về mặt pháp lý, chẳng hạn quy định thành viên HĐQT độc lập không phải là cổ đông lớn. Tuy nhiên, quy định cổ đông lớn là cổ đông sở hữu từ 5% vốn cổ phần là tỷ lệ quá lớn, nên vẫn có tác động, ảnh hưởng đến các quyết định của doanh nghiệp. Theo tôi, việc cho cổ đông nhỏ đề cử thành viên HĐQT độc lập là một giải pháp hay.

Nhóm PV thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục