Quản trị công ty trong ngân hàng Việt Nam, chặng đường còn dài

(ĐTCK) Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Quản trị công ty (QTCT) trong tái cấu trúc ngân hàng”, một lần nữa gióng thêm hồi chuông về việc QTCT trong các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay.
Ở các ngân hàng Việt Nam, HĐQT can dự trực tiếp, lấn sân vào Ban điều hành Ở các ngân hàng Việt Nam, HĐQT can dự trực tiếp, lấn sân vào Ban điều hành

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, thực tiễn Việt Nam cho thấy, về cơ bản đã có khung pháp lý chi phối vấn đề quản trị - điều hành ngân hàng, hoạt động này cũng ngày càng minh bạch hơn và tiệm cận thông lệ quốc tế.

Cụ thể, mô hình tổ chức bộ máy của các ngân hàng hoàn thiện hơn bởi 34/35 ngân hàng có Ủy viên HĐQT kiêm Trưởng ban kiểm soát, các ngân hàng có số lượng Ủy viên Hội đồng quản trị từ 5 - 11 thành viên; 23/35 ngân hàng có ủy viên HĐQT độc lập. Đặc biệt, các ngân hàng đều đã thành lập ủy ban Quản lý rủi ro và quản lý nhân sự.

“Kết quả khảo sát cho thấy, công bố thông tin của hệ thống ngân hàng minh bạch hơn, bởi 100% các ngân hàng đều có website, trong số đó, 27/35 ngân hàng có báo cáo thường niên (và báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập) trong năm 2013 và 2014), 22/35 ngân hàng có báo cáo tình hình quản trị ngân hàng định kỳ và 24/35 ngân hàng có công bố thông tin về quản lý rủi ro”, TS. Lực cho biết.

Thực tế, với việc phải thực hiện các nguyên tắc của Basel và OECD, QTCT tại các ngân hàng luôn tốt hơn các DN thuộc lĩnh vực khác, nhưng câu chuyện đằng sau các con số trên lại khá “thú vị”. Ủy viên HĐQT độc lập của một ngân hàng cho biết, các ngân hàng đề ra vị trí “độc lập” này nhưng các ủy viên không được làm việc đúng với vị trí, tiếng nói của ủy viên độc lập rất èo uột và phần lớn các quyết định tập trung tại Chủ tịch HĐQT.

“Các ủy viên HĐQT độc lập là đồ “trang sức” của ngân hàng”, vị ủy viên này chia sẻ.

Một chuyên gia ngân hàng nhiều năm làm việc tại các ngân hàng nước ngoài cho biết: “Ở những quốc gia phát triển, ủy viên HĐQT độc lập không hưởng lương của ngân hàng mình làm, do vậy, trọng trách, tiếng nói, vị trí của họ là “độc lập”. Điều này rất khác với tình hình ở các ngân hàng Việt Nam, tính độc lập của ủy viên HĐQT trên giấy tờ thì có nhưng thực tế thì không!”.

“Việc các ngân hàng Việt Nam có báo cáo thường niên hay báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập không hoàn toàn chứng tỏ được việc QTCT đã tốt hơn, bởi các báo cáo này khá mù mờ về số liệu, chưa nói đến việc vẫn còn không ít ngân hàng không công bố báo cáo tài chính công khai”, một cán bộ kiểm toán cho biết.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Trên thế giới, nhiệm vụ của HĐQT là đưa ra định hướng chiến lược còn Ban điều hành là nơi thực hiện, HĐQT không can thiệp, tách rời khỏi Ban điều hành. Tuy nhiên, hầu như ở các ngân hàng Việt Nam, HĐQT can dự trực tiếp, lấn sân vào Ban điều hành. Việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi” đã đưa đến những hậu quả xảy ra trong thời gian vừa qua mà chúng ta đã chứng kiến, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ riêng đối với ngành ngân hàng”.

Kết quả điều tra khảo sát về QTCT trong ngân hàng do trường Đại học Kinh tế phối hợp với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng thực hiện vào tháng 12/2014 dưới sự tài trợ của Ngân hàng thế giới cho thấy, có đến 70% người được hỏi là lãnh đạo các ngân hàng chưa nhận thức đầy đủ về những nguyên tắc QTCT trong ngân hàng.

Chia sẻ với ĐTCK, một chuyên gia tham dự hội thảo nói: “Nếu coi QTCT là mấu chốt của tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà câu chuyện này vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn thì tiến trình này sẽ còn mất rất nhiều thời gian”.

Nghiên cứu của TS. Đinh Xuân Cường, Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, dựa trên các phân tích của các tác giả nước ngoài về hệ thống ngân hàng Thái Lan được công bố năm 2012 cho biết, Thái Lan cũng giống như nhiều nước tại châu Á khác có hệ thống QTCT nghèo nàn, yếu kém, đặc biệt, trong QTCT ở ngân hàng. Sự yếu kém trong QTCT chính là một nguyên nhân tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.

Cụ thể, QTCT ở Thái Lan đặc trưng bởi sự hoạt động kém hiệu quả của HĐQT, quản lý nội bộ yếu kém, báo cáo tài chính không đáng tin cậy, kém hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số. Bên cạnh đó là sự thiếu đầy đủ trong việc công khai minh bạch thông tin kiểm toán, thiếu sự tuân thủ các quy định. Không những vậy, các DN tại Thái Lan thường được đặt dưới quyền kiểm soát của gia đình, gia tộc, phục vụ lợi ích gia đình, gia tộc…

Dù còn nhiều bất cập tồn tại, một điểm sáng của kết quả điều tra khảo sát về QTCT trong ngân hàng do Trường Đại học Kinh tế phối hợp triển khai cuối năm ngoái là, hầu hết người được khảo sát là lãnh đạo ngân hàng đều mong muốn được nâng cao nhận thức về QTCT theo chuẩn quốc tế…    

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục