Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam đã khiến không khí hồ hởi về những thành công rất đáng kể của ngành thuế và hải quan trong cắt giảm thủ tục hành chính tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh: Doanh nghiệp chung tay trong cải cách thể chế” do VCCI tổ chức cuối tuần trước lắng xuống.
“Thời tôi làm lãnh đạo đã có những sai lầm mà hiện nay đang phải đặt ra sửa. Nhưng có cái hồi đó không nghĩ ra được, không làm được vì chưa có công nghệ. Bây giờ đã có thì phải thay đổi. Tôi chỉ mong, chính sách rõ ràng, minh bạch, đổi mới, nhưng không chỉ thể hiện ở văn bản mà phải thấy được ở trong thực hiện”, bà Cúc nói.
Nguyên là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, bà Cúc hiểu hơn ai hết những thay đổi đang diễn ra trong việc thực thi cải cách thủ tục hành chính. Việc nói ra những lời gan ruột này chắc không dễ dàng.
“Hồi tháng 8 năm ngoái, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, đã dành 1 ngày để nghe các kiến nghị về thuế, 1 ngày nghe kiến nghị về hải quan và đã có nhiều thay đổi. Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề như có thể dùng mã số thuế để nhận diện thay vì viết tên doanh nghiệp trong hóa đơn không; có cần phải hóa đơn trong hồ sơ hoàn thuế không khi luồng tiền, luồng hàng đã thực có…”, bà Cúc đặt rất nhiều đầu bài cho các quan chức ngành thuế, hải quan trong lần cắt giảm thủ tục hành chính trong năm 2015.
Thực ra, kết quả cắt giảm số giờ nộp thuế, bảo hiểm xã hội hay giảm thời gian thông quan hàng hóa đã được thực hiện trong năm 2014 là rất lớn so với trước đó. Tính đến ngày 1/1/2015, số giờ nộp thuế giảm được khoảng 370 giờ, số lần khai và nộp thuế giá trị gia tăng giảm 8 lần, giảm 4 lần nộp thờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính…
Hải quan cũng đang hoàn thiện đề án rút ngắn thời gian thông quan để trình Chính phủ trong tháng 3/2015. Kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất để giảm tối thiểu 50% thời gian kiểm tra hàng hóa tại các điểm thông quan tại TP.HCM, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai… đang được tập trung.
Tuy nhiên, lo ngại từ phía doanh nghiệp vẫn là khoảng cách giữa văn bản và thực thi, nhất là khi tư duy “quản lý dựa trên sự nghi ngờ” vẫn còn đậm nét trong các nội dung quản lý.
Ngay ông Vũ Ngọc Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan cũng buộc phải thừa nhận, không dễ dàng cắt giảm thời gian thông quan khi có tới 34% hàng hóa xuất nhập khẩu phải thực hiện giám sát chuyên ngành.
“Có thể nói trong tổng số thời gian thông quan, phần lớn ở khâu giám sát chuyên ngành. Có lô hàng phải chịu sự quản lý của 2,3 cơ quan chuyên ngành mà các cơ quan này đều thực hiện kiểm tra độc lập, không kế thừa kết quả của nhau”, ông Ngọc Anh nói.
Vị phó tổng cục trưởng này đặc biết nhấn mạnh tới một câu trong Nghị quyết 19/2015/NQ-CP, đó là cải cách toàn diện về quản lý chuyên ngành chuyển sang hậu kiểm.
“Các bộ ngành sẽ có rất nhiều việc phải làm để thực thi được quy định này trong năm nay”, ông Ngọc Anh nói.
Một lần nữa, yêu cầu xã hội hóa các hoạt động dịch vụ công được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đặt ra. “Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 19/2014/NQ-CP, chưa có bộ nào rà soát nghiêm túc việc đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công. Khi Nhà nước còn ôm nhiều dịch vụ này thì không thể tập trung vào chức năng kiến tạo phát triển được”, ông Lộc nói.
Đây là lý do ông đề nghị với các cơ quan quản lý nhà nước rằng, không cần nhớ đến quá nhiều ngôn từ trong Nghị quyết 19/2015/NQ-CP mà chỉ cần nhớ đến 20 con số, đó là các mục tiêu đã được số hóa.
“Doanh nghiệp cũng sẽ dựa trên 20 con số này để thực hiện giám sát và kiến nghị các giải pháp cụ thể”, ông Lộc cam kết.
Dự kiến, kết quả khảo sát hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan sẽ công bố vào tháng 5 và tháng 6/2015.