Tuy nhiên, cởi mở như thế nào, để không tạo những lỗ hổng trong quản lý, trong khi vẫn đảm bảo thuận lợi cho NĐT lại đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm khi dự luật này được đưa ra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa tuần này.
Tại cuộc họp thẩm định dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) mở rộng của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng đã bày tỏ sự quan ngại về việc sửa đổi quy định quản lý cấp phép đầu tư theo hướng mở.
Theo ông Hùng, sự thông thoáng hơn trong thủ tục cấp phép đầu tư là cần thiết, nhưng sẽ đáng lo ngại trong việc kiểm soát quy hoạch đầu tư, nếu bỏ một số nguyên tắc, thủ tục cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Hiện NĐT đã được tạo điều kiện rất thuận lợi, khi được phép đầu tư vào các ngành nghề Nhà nước không cấm hoặc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
“Trong điều kiện cởi mở đó, nếu không có biện pháp quản lý thì rất dễ dẫn tới phá vỡ quy hoạch đầu tư. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước không cấm như giấy, xi măng, sắt thép, song thị trường đã bão hòa, nếu không có biện pháp quản lý, tiếp tục để DN nước ngoài đầu tư thì sẽ thành thừa, không những không hiệu quả cho nền kinh tế, mà còn gây khó khăn cho các DN trong nước. Hoặc khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, nếu quá thông thoáng trong cấp phép đầu tư, các DN sẽ đua nhau đầu tư vào ngành vải sợi may mặc, ảnh hưởng đến quy hoạch đầu tư đã được phê duyệt”, ông Hùng nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, việc quản lý ngành nghề đầu tư đúng quy hoạch cũng là vấn đề đặt ra liên quan đến chủ trương cải cách thủ tục đăng ký thành lập DN, thay cho việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho từng dự án. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Saigon Coop Mart, nếu theo tinh thần cải cách tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi thì các NĐT, kể cả trong nước và nước ngoài, đều có thể làm thủ tục đăng ký thành lập DN, chứ không cần xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho từng dự án cụ thể. Có nghĩa là NĐT có thể thành lập DN và về nguyên tắc có thể đầu tư vào mọi lĩnh vực mà pháp luật không cấm, rồi sau đó dự định thực hiện dự án cụ thể nào thì có thể chọn xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau (hoặc không). Trong khi đó, bản thân Luật DN sửa đổi cũng dự kiến không yêu cầu ghi rõ giới hạn ngành nghề đầu tư, kinh doanh trong giấy đăng ký thành lập DN.
“Vấn đề đặt ra là trong điều kiện không có giới hạn ngành nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập DN, thì cơ quan quản lý sẽ có biện pháp nào để đảm bảo khi cấp giấy phép thành lập DN tập trung đúng vào ngành nghề đầu tư mà mình muốn thu hút, không ảnh hưởng đến quy hoạch đầu tư đã có”, ông Hòa đặt câu hỏi.
Không chỉ có vậy, việc kiểm soát năng lực NĐT sẽ thế nào khi cởi bỏ hết các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra.
“Hiện nay, có nhiều NĐT nước ngoài vào đầu tư gần như tay trắng, nhưng nhờ có bảo lãnh vẫn được sử dụng nguồn vốn tín dụng, trong khi nhiều DN trong nước lại không tiếp cận được. Thậm chí, nhiều NĐT nước ngoài kiếm lợi nhuận toàn bằng vốn, tài nguyên và nguồn lực trong nước, trong khi hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam rất thấp. Vậy thì phải có một cơ chế kiểm soát thế nào để lựa chọn được các NĐT hiệu quả và có năng lực khi các giấy chứng nhận đầu tư được dỡ bỏ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng ý với quan điểm này, ông Ngô Văn Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cũng bày tỏ băn khoăn về việc liệu có biện pháp quản lý thay thế, khi bỏ cấp giấy chứng nhận đầu tư. Theo ông Minh, hỗ trợ đầu tư càng đặc biệt phải chú trọng khi các DN sử dụng tài nguyên và các nguồn lực của đất nước, nếu lại “cởi bỏ hết” thì có nguy cơ tạo ra kẽ hở trong công tác quản lý.
Theo phân tích của một chuyên gia, nếu bỏ giấy chứng nhận đầu tư thì không có căn cứ để cơ quan thuế thực hiện ưu đãi đầu tư cho NĐT, có khi lại gây tác dụng ngược là ảnh hưởng đến quyền lợi của NĐT. “Hiện các NĐT thực hiện đầu tư chủ yếu là theo dự án, công trình, nếu bỏ cấp giấy chứng nhận đầu tư thì lấy căn cứ nào để cấp ưu đãi đầu tư và nếu không có giấy chứng nhận thì làm sao quyết định được đối tượng nào được hưởng cơ chế này ưu đãi kia. Mặt khác, nếu bỏ giấy chứng nhận đầu tư mà cơ quan thuế vẫn thực hiện ưu đãi thì sau này nếu NĐT thông đồng với nhau để được hưởng ưu đãi thuế thì hậu quả là lợi ích quốc gia sẽ bị ảnh hưởng”, vị chuyên gia này cảnh báo.
Nhìn từ góc độ DN, ông Nguyễn Ngọc Hòa đánh giá cao quan điểm thay giấy chứng nhận đầu tư bằng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tinh thần tạo môi trường cởi mở, thông thoáng cho các NĐT. Tuy nhiên, theo ông Hòa, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực tế vẫn phải đảm bảo tất cả quy trình thủ tục và vẫn phải qua công tác thẩm định về quy mô, địa điểm đầu tư, vốn đầu tư, mục tiêu dự án… Có nghĩa là gần như không thay đổi về quy trình thẩm định so với việc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Vậy thực chất có phải là cải cách thủ tục và đổi mới quy trình không, hay chỉ là thay đổi tên gọi của giấy chứng nhận, đó là điều ông Hòa cũng muốn làm rõ.