Quá trình chuyển đổi sang mô hình lưu thông kép của Trung Quốc vấp phải nhiều rào cản lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhiều thập kỷ chủ yếu dựa vào nhu cầu bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng mô hình lưu thông kép, nghĩa là kinh tế sẽ được thúc đẩy bởi cả nhu cầu bên trong và bên ngoài.
Quá trình chuyển đổi sang mô hình lưu thông kép của Trung Quốc vấp phải nhiều rào cản lớn

Việc áp dụng mô hình mới nhằm giúp nền kinh tế Trung Quốc trở nên linh hoạt hơn và ít bị ảnh hưởng hơn trước những cú sốc từ bên ngoài. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cơ cấu này đã vấp phải những rào cản lớn.

Khi ông Đặng Tiểu Bình phát động “cải cách và mở cửa” vào năm 1978, Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược phát triển được mô phỏng theo các nền kinh tế Đông Á thành công như Nhật Bản và Hàn Quốc: Hoan nghênh đầu tư trực tiếp nước ngoài, mở rộng thương mại xuyên biên giới, tận dụng chi phí lao động thấp để thúc đẩy khu vực sản xuất, và tận dụng nhu cầu bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng. Trong 4 thập kỷ qua, dòng vốn FDI, khoảng 2/3 đến từ Hồng Kông (Trung Quốc), đã giúp Trung Quốc biến Quảng Đông và các tỉnh ven biển khác thành các trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong quá trình công nghiệp hóa, thu nhập và tài sản tăng lên, người lao động của Trung Quốc đã trở thành người tiêu dùng cả hàng hóa và dịch vụ. Kết quả là tỷ lệ ngoại thương trên GDP giảm, từ mức cao nhất 67% vào năm 2006 xuống còn khoảng 35% hiện nay, mặc dù Trung Quốc vẫn dựa vào việc làm do các ngành xuất khẩu mang lại.

Khi Trung Quốc xây dựng lĩnh vực sản xuất, họ cũng đầu tư mạnh vào việc mở rộng ngành xây dựng và tài chính, từ đó đặt nền móng cho một thị trường bất động sản năng động. Trong suốt thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm danh nghĩa của ngành xây dựng, tài chính và bất động sản lần lượt đạt mức 13%, 14,8% và 10,5%.

Năm 2021, ngành xây dựng đóng góp 13,8% vào GDP Trung Quốc, với giá trị gia tăng của ngành bất động sản đạt 6,8% GDP, mặc dù tỷ lệ này đã giảm xuống 6,1% vào năm 2022.

Hiện nay, bất động sản đang chiếm khoảng 70% tài sản của các hộ gia đình, một điểm có ý nghĩa quan trọng với tiêu dùng. Hơn nữa, các khoản cho vay bất động sản chiếm 27% tổng tín dụng ngân hàng, nghĩa là thị trường bất động sản phát triển mạnh cũng rất quan trọng đối với sự ổn định tài chính.

Đà tăng trưởng nhanh chóng của thị trường bất động sản một phần được thúc đẩy bởi sự đổi mới về tài chính bắt nguồn từ Hồng Kông (Trung Quốc). Thay vì hoàn thành các dự án và sau đó thu hồi vốn đầu tư, các nhà phát triển nhà ở bắt đầu bán căn hộ trước khi hoàn thành. Điều này cho phép họ sử dụng các khoản trả trước từ người mua nhà, ngoài số tiền do tổ chức cho vay phát hành trong thời gian thi công, để tài trợ cho chính dự án đó. Từ năm 2015 đến năm 2022, tỷ lệ trả trước và thế chấp trong tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản đã tăng từ 62,4% lên 80,4%.

Nhưng cách tiếp cận này có rủi ro. Với việc ký kết hợp đồng mua bán trước khi việc xây dựng hoàn thành, các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà phải đối mặt với việc tăng lãi suất, trong khi tốc độ tăng giá chậm lại.

Với các doanh nghiệp bất động sản đã mạnh tay vay vốn qua trái phiếu định danh bằng USD, họ rất dễ bị ảnh hưởng. Điều này trở thành vấn đề nghiêm trọng khi lạm phát gia tăng ở Mỹ buộc Fed tăng lãi suất nhanh chóng. Năm 2022, một loạt công ty bất động sản lớn phá sản, buộc chính quyền địa phương phải can thiệp để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà.

Những khó khăn của lĩnh vực bất động sản đã tạo ra thách thức lớn cho ngành tài chính. Trong năm 2021, thuế bất động sản trực tiếp chiếm 16,9% doanh thu thuế quốc gia và 24% doanh thu thuế của chính quyền địa phương. Nhưng giá bất động sản giảm đã kéo giảm con số doanh thu đó.

Năm ngoái, thu nhập từ bán đất thuộc sở hữu nhà nước giảm 23,2%, khiến thu ngân sách quốc gia của Trung Quốc giảm 20,6%. Doanh thu giảm cũng đang làm suy yếu khả năng hỗ trợ tăng trưởng của chính quyền địa phương.

Sự leo thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc và những gián đoạn từ đại dịch COVID-19 càng cản trở quá trình chuyển đổi cơ cấu của Trung Quốc. Lưu thông bên trong và bên ngoài của kinh tế Trung Quốc đều chậm lại đáng kể, gây tổn hại đến bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình, doanh nghiệp và tất cả cấp chính quyền.

Nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc đều giảm trong tháng trước, lần lượt giảm 4,5% và 7,5%. Ở Trung Quốc, việc làm được tạo ra không đủ nhanh để hấp thụ nguồn cung sinh viên mới tốt nghiệp. Tính đến tháng trước, có khoảng 6 triệu thanh niên (16-24 tuổi), chiếm 20,8% tổng lực lượng lao động, thất nghiệp. Trong khi đó, giá nhà đất và cổ phiếu vẫn chịu áp lực.

Nhưng có lý do để hy vọng rằng Trung Quốc sẽ phục hồi sau những khó khăn hiện tại. Chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có thể báo trước sự ổn định của mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc, hoặc ít nhất là một khoảng thời gian tạm lắng thay vì ngày càng xấu đi.

Dù là trường hợp nào, Chính phủ Trung Quốc vẫn cam kết kích thích thị trường việc làm, ổn định lĩnh vực nhà ở, quản lý rủi ro tài chính, hỗ trợ đổi mới công nghệ và khuyến khích tăng trưởng xanh và toàn diện. Thị trường dường như đang kỳ vọng vào một gói kích thích toàn diện và mạnh mẽ để hỗ trợ các mục tiêu này.

Phần còn lại của thế giới có lợi ích rõ ràng nếu Trung Quốc thành công. Thành công của Trung Quốc trong việc quản lý những thách thức phía trước có thể tạo ra sự khác biệt khi triển vọng thế giới đang bấp bênh giữa phục hồi và suy thoái.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục