Lạm phát giá tiêu dùng (CPI) đã giảm xuống mức 0 trong tháng 6 sau khi giá thịt lợn giảm mạnh. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và thấp hơn ước tính 0,2% của các nhà kinh tế về mức tăng CPI hàng năm.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết, Trung Quốc có khả năng rơi vào tình trạng giảm phát khi giá cả tiếp tục giảm trong tháng 7.
Một giai đoạn giảm phát tạm thời là tin tốt cho các hộ gia đình vì nó làm tăng sức mua của người tiêu dùng và giúp giữ lãi suất ở mức thấp. Tuy nhiên, thời gian giá giảm kéo dài có thể đẩy các nền kinh tế vào bẫy tăng trưởng thấp, lương bổng đình trệ và các công ty buộc phải cắt giảm việc làm để đối phó với nhu cầu trì trệ.
Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - đã chiến đấu với giảm phát trong nhiều thập kỷ.
Căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, khi các công ty phương Tây ngày càng chuyển hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc.
Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở nước này là 20,8% và các gia đình thận trọng đã dự trữ tiền mặt thay vì chi tiêu.
Thống kê chính thức cho thấy, số tiền gửi của các hộ gia đình đã tăng gấp đôi lên khoảng 13 nghìn tỷ bảng Anh (130 nghìn tỷ nhân dân tệ) kể từ sau đại dịch, với nhiều người sử dụng số tiền mặt dư thừa của mình để trả các khoản thế chấp và các khoản nợ khác.
Lạm phát toàn phần ở một số nền kinh tế lớn |
Duncan Wrigley, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics cho biết: “Lạm phát tiêu dùng chậm lại là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi chi tiêu yếu ớt của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với hàng hóa, cũng như năng lực sản xuất dư thừa”.
Lạm phát thấp và tăng trưởng mờ nhạt có nghĩa là các nhà phân tích hiện đang nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% vào năm 2023. Nền kinh tế chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2022 – một trong những tốc độ yếu nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc.
Các nhà kinh tế kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ phản ứng với triển vọng ảm đạm bằng việc cắt giảm lãi suất để kích thích nhu cầu.
“Chúng tôi cho rằng môi trường giảm phát đầy thách thức hơn và đà tăng trưởng giảm mạnh hỗ trợ cho quan điểm của chúng tôi rằng PBOC đã bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất”, theo các nhà phân tích tại Barclays.
Tháng trước, PBOC đã cắt giảm một loạt lãi suất cơ bản, hạ lãi suất cơ bản cho vay một năm (LPR) lần đầu tiên sau 10 tháng xuống 0,1% và đưa về 3,55%. Lãi suất 5 năm đã được cắt giảm theo cùng một biên độ xuống còn 4,2%.
Một số nhà kinh tế tin rằng Bắc Kinh sẽ phải bổ sung việc cắt giảm lãi suất bằng việc giảm thuế hoặc tăng chi tiêu để thúc đẩy hoạt động.
Theo các nhà kinh tế của Nomura: “Chỉ số lạm phát cực thấp hỗ trợ cho quan điểm của chúng tôi rằng PBOC có khả năng thực hiện thêm hai đợt cắt giảm lãi suất chính sách nữa”.
Tuy nhiên, một số người cho rằng Trung Quốc khó có thể tung ra một gói kích thích tài khóa lớn.
“Mặc dù thực tế là nền kinh tế đã gần giảm phát, nhưng có vẻ như PBOC không xem xét kích thích tiền tệ theo cách mà Mỹ hoặc châu Âu sẽ làm”, Heron Lim, chuyên gia kinh tế tại Moody’s Analytics cho biết.
“Cho đến nay, thông tin công khai hướng tới một gói kích thích hạn chế, có mục tiêu, phần lớn sẽ được chuyển thành hỗ trợ cho ngành công nghiệp, nâng cấp công nghệ và các công ty tư nhân, thay vì hỗ trợ đáng kể cho người tiêu dùng”, nhà kinh tế Duncan Wrigley cho biết.
Hôm thứ Hai (10/7), các nhà hoạch định chính sách đã công bố nhiều hỗ trợ hơn cho lĩnh vực bất động sản để chống lại những lo ngại ngày càng tăng về các khoản nợ không bền vững. Các công ty sẽ được cung cấp các khoản gia hạn trả nợ để giúp các nhà phát triển thiếu tiền mặt đối phó với sự suy giảm nhu cầu.
Lạm phát tháng 6 của Trung Quốc thấp nhất trong đa số các nền kinh tế |
Tình trạng giảm phát đang rình rập ở Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với tình trạng lạm phát liên tục xảy ra ở những nơi khác trên thế giới.
Tỷ lệ lạm phát của Anh ở mức 8,7% trong tháng 5, buộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải kéo dài đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ.
Không giống như nhiều nước phương Tây, Trung Quốc không vung tay chi tiêu quá mức trong thời kỳ đại dịch.
Mặc dù PBOC đã cắt giảm lãi suất trong thời gian phong tỏa, nhưng họ không tham gia vào hoạt động bơm tiền khổng lồ. Kích thích đại dịch quá mức được cho là nguyên nhân thúc đẩy lạm phát ở những nơi khác trên thế giới.
Tăng trưởng kinh tế đang chững lại của Trung Quốc có nguy cơ kìm hãm sự phục hồi ở các thị trường mới nổi khác, đặc biệt là Thái Lan và Hồng Kông (Trung Quốc), những thị trường phụ thuộc nhiều vào du khách Trung Quốc.