“Quả táo” cứu phố Wall

(ĐTCK) Lo ngại về tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, cùng sự không chắc chắn của Brexit, giới đầu tư tiếp tục bán mạnh trong phiên đầu tuần mới. Tuy nhiên, phố Wall may mắn hồi phục nhờ sự hỗ trợ đắc lực của cổ phiếu Apple.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau phiên hồi phục đầu tuần, giá dầu thô lại giảm mạnh trở lại kéo nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc trong phiên đầu tuần mới. Đà lao dốc của nhóm cổ phiếu năng lượng khiến phố Wall chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ trong phiên đầu tuần và tưởng chừng sẽ có thêm phiên giảm điểm thì bất ngờ cổ phiếu Apple bật tăng (đóng cửa tăng 0,7% lên 169,60 USD/cổ phiếu), lan tỏa sự hứng khởi tới các cổ phiếu công nghệ khác, qua đó giúp phố Wall đảo chiều thành công.

Đà tăng của nhóm công nghệ cũng kéo nhiều nhóm khác phục hồi và khi chốt phiên, có 8 trên 11 lĩnh vực của S&P tăng điểm, trong đó công nghệ dẫn đầu với mức tăng 1,4%, theo sau là lĩnh vực truyền thông tăng 0,8%. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu năng lượng giảm 1,6% mức giảm mạnh nhất trong các nhóm ngành. Tiếp đến là tài chính giảm 1,4% do nhà đầu tư lo lắng về tăng trưởng chậm toàn cầu.

Kết thúc phiên 10/12, chỉ số Dow Jones tăng 34,31 điểm (+0,14%), lên 24.423,26 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,64 điểm (+0,18%), lên 2.637,72 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 51,27 điểm (+0,74%), lên 7.020,52 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu cũng đa số chìm trong sắc đỏ, nhưng giữa phiên nỗ lực hồi phục trở lại. Tuy nhiên, các chỉ số chính của khu vực này nhanh chóng quay đầu và giảm mạnh về cuối phiên do nhận thông tin không khả quan. Theo đó, Thủ tướng Anh Theresa May một lần nữa thêm vào sự không chắc chắn của thỏa thuận Brexit khi trì hoãn cuộc bỏ phiếu dự kiến tại Hạ viện về thỏa thuận Brexit vì cho rằng, nếu bỏ phiếu lúc này, tỷ lệ phản đối sẽ rất cao.

Ngoài ra, dữ liệu kinh tế báo hiệu sự chậm chạp trong tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Đức cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 10/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 56,57 điểm (-0,83%), xuống 6.721,54 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 166,02 điểm (-1,54%), xuống 10.622,07 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 70,74 điểm (-1,47%), xuống 4.742,38 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh xuống mức thấp nhất 6 tuần do ảnh hưởng từ đà bán tháo trước đó trên phố Wall. Ngoài ra, chứng khoán Nhật Bản lao dốc trong phiên đầu tuần còn do dữ liệu vừa công bố cho thấy, kinh tế Nhật Bản có quý tăng trưởng âm tồi tệ nhất trong 4 năm trong quý III do các công ty cắt giảm đầu tư.

Chứng khoán Trung Quốc cũng giảm trở lại sau dữ liệu thương mại tháng 11 kém khả quan, gây lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Đà giảm của chứng khoán Trung Quốc, cũng như phố Wall trong phiên cuối tuần trước cũng kéo chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 10/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 459,18 điểm (-2,12%), xuống 21.219,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 21,31 điểm (-0,82%), xuống 2.584,58 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 311,38 điểm (-1,19%), xuống 25.752,38 điểm.

Trên thị trường vàng, sau khi leo lên mức cao nhất 5 tháng, giá kim loại quý này đã đảo chiều giảm nhẹ trở lại trong phiên đầu tuần mới do đồng USD tăng, trong khi giá dầu thô lao dốc trở lại.

Kết thúc phiên 10/12, giá vàng giao ngay giảm 4 USD (-0,32%), xuống 1.243,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 5,7 USD/ounce (-0,46%), xuống 1.243,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 năm 2019 giảm 4,6 USD/ounce (-0,37%), xuống 1.249,4 USD/ounce.

Sau khi hồi phục tốt trong phiên cuối tuần trước do phản ứng tích cực với thông tin OPEC và các đồng minh đạt được thỏa thuận cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày, giá dầu thô đã nhanh chóng lao dốc trở lại trong phiên đầu tuần mới do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Kết thúc phiên 10/12, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 1,61 USD (-3,06%), xuống 51,00 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,7 USD (-2,77%), xuống 59,97 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục