Giới đầu tư nhanh chóng trấn tĩnh sau cơn hoảng loạn

(ĐTCK) Vụ việc Giám đốc tài chính của Huawei bị bắt ở Canada đã khiến giới đầu tư toàn cầu hoảng loạn bán tháo trong phiên thứ Năm, nhưng phố Wall đã nhanh chóng trấn tĩnh trở lại sau khi nhận được thông tin hỗ trợ.
Giới đầu tư nhanh chóng trấn tĩnh sau cơn hoảng loạn

Sau 1 ngày nghỉ giao dịch ngày quốc tang cố Tổng thống George HW Bush, phố Wall trở lại giao dịch trong phiên thứ Năm với thông tin không rất xấu. Theo đó, Canada đã bắt Giám đốc tài chính của Huawei theo đề nghị của Mỹ và có khả năng dẫn độ sang Mỹ. Vụ việc này sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi 2 bên vừa đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại cuối tuần trước.

Thông tin này đã khiến phố Wall lao dốc ngay khi mở cửa phiên thứ Năm và xuống mức thấp nhất ngày ở cuối phiên sáng khi các chỉ số mất khoảng 3% giống như phiên thứ Ba.

Ngoài thông tin Giám đốc Huawei bị bắt, phố Wall còn chịu tác động bởi nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc sau khi OPEC và các đối tác lớn kết thúc cuộc họp mà không đưa ra sản lượng cắt giảm cụ thể khiến giá dầu giảm mạnh.

Tuy nhiên, trong phiên chiều, thông tin từ Wall Street dẫn lời một quan chức Fed về việc khả sẽ xem xét lại tiến độ tăng lãi suất trong thời gian tới sau đợt tăng trong tháng 12 này đã hỗ trợ cho thị trường, giúp các chỉ số chính của phố Wall hồi phục. Trong đó, Dow Jones và S&P 500 chỉ còn giảm nhẹ khi đóng cửa, Nasdaq thậm chí còn may mắn đóng cửa với sắc xanh.

Kết thúc phiên 6/12, chỉ số Dow Jones giảm 79,40 điểm (-0,32%), xuống 24.947,67 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,11 điểm (-0,15%), xuống 2.695,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 29,83 điểm (+0,42%), lên 7.188,26 điểm.

Trong khi đó, do kết thúc sớm hơn, không nhận được các thông tin hỗ trợ từ Wall Street, nên chứng khoán châu Âu đồng loạt lao dốc khi nhà đầu tư bán tháo sau thông tin Giám đốc Huawei bị bắt ở Canada và có thể dẫn độ sang Mỹ. Thông tin này đã nhấn chìm nhóm cổ phiếu công nghệ và xuất khẩu.

Kết thúc phiên 6/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 217,79 điểm (-3,15%), xuống 6.704,05 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 389,26 điểm (-3,48%), xuống 10.810,98 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 163,90 điểm (-3,31%), xuống 4.780,46 điểm.

Tương tự, thông tin Canada bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei và có thể dẫn độ sang Mỹ khiến giới đầu tư chứng khoán châu Á hoảng loạn bán tháo trong phiên thứ Năm. Các cổ phiếu chip nói riêng và công nghệ nói chung chịu tác động mạnh nhất khi đồng loạt lao dốc, kéo các chỉ số giảm mạnh theo.

Kết thúc phiên 6/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 417,71 điểm (-1,91%), xuống 21.501,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 44,62 điểm (-1,68%), xuống 2.605,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 663,30 điểm (-2,47%), xuống 26.156,38 điểm.

Thông tin Fed có thể giãn tiến độ tăng lãi suất khiến đồng USD giảm mạnh trong phiên thứ Năm, qua đó tác động tích cực lên giá vàng. Cùng với đó, việc chứng khoán bị bán tháo trước tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư cũng tạo động lực cho giá kim loại quý này tăng mạnh khi bước vào phiên Mỹ. Tuy nhiên, đà phục hồi của phố Wall đã khiến giá vàng hạ nhiệt và chỉ còn đóng cửa với mức tăng khiêm tốn.

Kết thúc phiên 6/12, giá vàng giao ngay tăng 0,5 USD (+0,04%), lên 1.237,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 1 USD/ounce (+0,08%), lên 1.238,1 USD/ounce.

Sau cuộc họp ở Viên (Áo), OPEC và các đối tác lớn ngoài khối là Nga, Oman, Kazatkhstan đã đồng ý về một thỏa thuận cắt giảm sản lương tiếp, nhưng lại không đưa ra con số cắt giảm cụ thể. Điều này khiến nhà đầu tư thất vọng, bán mạnh và đẩy giá dầu thô lao dốc trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 6/12, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 1,40 USD (-2,65%), xuống 51,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,50 USD (-2,44%), xuống 60,06 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục