PVI: Năm thứ 4 được Forbes Việt Nam vinh danh

(ĐTCK) Theo danh sách TOP 50 Công ty niêm yết tốt nhất năm 2017 do Forbes Việt Nam công bố mới đây, CTCP PVI (mã PVI) vinh dự là 1 trong 3 doanh nghiệp thuộc khối tài chính-bảo hiểm được vinh danh.
Hội đồng quản trị PVI nhiệm kỳ 2017-2022

Đây cũng là lần thứ 4 liên tiếp PVI nằm trong danh sách bầu chọn của Forbes Việt Nam. Bảng xếp hạng này lựa chọn các công ty niêm yết đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất theo từng lĩnh vực, mà cổ phiếu đang được giao dịch trên HOSE và HNX.

Lĩnh vực tài chính góp mặt 8 doanh nghiệp và riêng mảng bảo hiểm, PVI vinh dự là 1 trong 3 doanh nghiệp được Forbes Việt Nam vinh danh.

Để thực hiện danh sách này, Forbes Việt Nam áp dụng phương pháp xếp hạng công ty niêm yết của Mỹ, có cân nhắc đến các đặc thù của công ty niêm yết tại Việt Nam. Dữ liệu sử dụng để đánh giá dựa trên báo cáo tài chính đã kiểm toán của 5 năm gần nhất.

Các công ty được chấm điểm theo các tiêu chí: tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận; tỉ lệ sinh lời ROE, chỉ số biến động giá ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2012-2016. Tiếp đó, Forbes Việt Nam xem xét độc lập mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp về thương hiệu, chất lượng quản trị doanh nghiệp, nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ và triển vọng phát triển trong tương lai.

Trong số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, PVI được đánh giá là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, với quy mô vốn và tài sản lớn. Với kết quả kinh doanh ổn định, PVI trở thành điểm đến của dòng tiền, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, góp phần duy trì sức hấp dẫn của cổ phiếu PVI trong mắt giới đầu tư.

Từ một công ty bảo hiểm phi nhân thọ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, PVI đã phát triển trở thành một định chế tài chính-bảo hiểm hàng đầu Việt Nam. Công ty mẹ PVI Holdings có các cổ đông chiến lược mạnh như PVN, HDI Global, OIF…, với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên đến 49%.

Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm gần nhất đạt 10,06%/năm, các chỉ số tài chính đã có sự cải thiện căn bản, đặc biệt trong giai đoạn 2014-2016, theo các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS.

Với chiến lược đúng đắn trong tái cấu trúc, PVI tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định, góp phần đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, cổ đông, người lao động và cộng đồng.

Kể từ khi niêm yết, với sự tăng trưởng ổn định trên các lĩnh vực hoạt động, PVI luôn giữ vững cam kết với cổ đông, nhà đầu tư, thông qua việc tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo lợi ích cổ đông và chính sách cổ tức bằng tiền mặt ổn định.

Giai đoạn 2012-2016, với việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, PVI đã chi trả cổ tức trung bình 14,8%/năm, cao hơn mức Đại hội đồng cổ đông phê duyệt hàng năm. Đặc biệt, năm 2016, PVI đạt tổng doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 9.163 tỷ đồng và 714 tỷ đồng,  hoàn thành tương ứng 108% và 140% kế hoạch được giao; tỷ lệ chi trả cổ tức là 20% bằng tiền mặt, gấp 1,7 lần chỉ tiêu đề ra.

2016 cũng là năm thứ 3 liên tiếp PVI khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Tương tự, Tái bảo hiểm PVI tiếp tục giữ vị trí dẫn dắt thị trường tái bảo hiểm Việt Nam. Hoạt động đầu tư đạt hiệu quả cao, mang lại nguồn lợi nhuận chính cho PVI.

Bên cạnh việc thực hiện các cam kết với cổ đông, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư, PVI luôn duy trì vị thế là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Giai đoạn 2012-2016, tổng số tiền thuế PVI đã nộp vào ngân sách nhà nước lên tới gần 2.800 tỷ đồng.

Năm 2017, trong bài phát biểu đại diện cho HĐQT PVI trúng cử nhiệm kỳ 2017-2022, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch PVI bộc bạch: “Giai đoạn 2012-2017, bên cạnh những thách thức, PVI cũng đón nhận nhiều cơ hội để tạo ra những bước đột phá khi thị trường bảo hiểm Việt Nam đang duy trì đà tăng trưởng ổn định 15%/năm.

Trong hoạt động đầu tư, Chính phủ đang thúc đẩy quá trình tư nhân hóa nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng và năng lượng là những lĩnh vực PVI có nhiều lợi thế cạnh tranh.

PVI kiên định thực hiện mục tiêu chiến lược trở thành một định chế tài chính-bảo hiểm chuyên nghiệp, thương hiệu quốc tế, phát triển dựa trên nền tảng tri thức, công nghệ hiện đại, theo nguyên tắc quản trị minh bạch, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”.   

Một số chỉ tiêu tài chính của PVI giai đoạn 2012-2016:

Tổng tài sản của PVI tăng bình quân 11,49%/năm, từ 10.771 tỷ đồng (2012) lên 16.643 tỷ đồng (2016); vốn chủ sở hữu tăng bình quân 4,1%/năm, từ 5.772 tỷ đồng lên 6.778 tỷ đồng.

Tổng doanh thu giai đoạn này đạt 41.185 tỷ đồng, hoàn thành 110% kế hoạch; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 2.140 tỷ đồng, hoàn thành 144% kế hoạch. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trung bình hàng năm/vốn điều lệ đạt 18,43%.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục