Năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất PVI đạt 9.163 tỷ đồng, hoàn thành 108% kế hoạch năm 2016. Trong đó, doanh thu hoạt động bảo hiểm đạt 7.955 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch năm; Doanh thu hoạt động tài chính, cho thuê văn phòng và khác đạt 1.209 tỷ đồng, hoàn thành 196% kế hoạch.
Lãi sau thuế hợp nhất năm 2016 đạt 574 tỷ đồng, hoàn thành 150,61% kế hoạch năm.
Riêng Công ty mẹ PVI Holdings đạt tổng doanh thu 984,35 tỷ đồng, hoàn thành 159% kế hoạch; lãi sau thuế đạt 543 tỷ đồng, hoàn thành 178% kế hoạch đề ra.
Năm 2017, PVI đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 8.708 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 452 tỷ đồng. Đối với công ty mẹ PVI Holdings, kế hoạch tổng doanh thu phấn đấu đạt 594 tỷ đồng, lợi nhuận sau thế 311 tỷ đồng, dự kiến trả cổ tức 12%.
Trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là bảo hiểm thì việc xếp hạng tín nhiệm quốc tế là khá quan trọng. Nếu là doanh nghiệp Việt Nam thì thường chỉ xếp hạng B, khó có thể nâng hạng lên A và có thể ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tiến xa ra khu vực
- Ông Bùi Vạn Thuận
Tại đại hội, một cổ đông đề nghị Đoàn chủ tịch cho biết thông tin liên quan đến định giá tòa tòa nhà PVI Tower - tài sản mà PVI đang định bán.
Ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI cho biết, đây là một khoản đầu tư thành công của PVI khi tỷ lệ lấp đầy lên tới 90% sau khi ngay khi tòa nhà đi vào hoạt động. Ngay cả 1 đối tác khó tính là Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) cũng đã thuê tòa nhà PVI Tower.
“Việc PVI bán tòa nhà PVI Tower cũng là điều bình thường và sẽ bán nếu được giá. Hiện có khá nhiều nhà đầu tư/đối tác/quỹ quan tâm tới PVI Tower, nhưng mức giá hiện chưa được tiết lộ. Nhưng chắc chắn là phải được giá và mang lại hiệu quả thì chúng tôi mới bán”, ông Thuận nói.
Tại đại hội, thông tin cũng thu hút sự quan tâm của cổ đông là lộ trình thoái vốn của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tại PVI sau khi PVI trình kế hoạch này lên PVN đã được thực hiện đến đâu?
Về vấn đề này, ông Thuận khẳng định, đến thời điểm này, PVN đã trình lên Chính phủ và đang chờ Chính phủ phê duyệt.
Ông Thuận cũng thông tin về việc nới room ngoại lên trên 49% nhằm đạt mục tiêu cải thiện thứ hạng xếp loại tín nhiệm quốc tế (rating), đồng thời giúp PVI mở rộng thị trường ra nước ngoài.
“Trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là bảo hiểm thì việc xếp hạng tín nhiệm quốc tế là khá quan trọng. Nếu là doanh nghiệp Việt Nam (có vốn Việt Nam chi phối - PV) thì thường chỉ xếp hạng B, khó có thể nâng hạng lên A và có thể ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tiến xa ra khu vực. Việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài ngoài giúp PVI có cơ hội nâng hạng rating, còn giúp PVI mở rộng thị trường nước ngoài”, ông Thuận cho biết.
Trước câu hỏi của cổ đông về việc PVI có ý định chuyển sàn hay không, PVI Re (công ty con của PVI) sẽ niêm yết khi nào, ông Thuận cho biết, Công ty cũng đang thực hiện các thủ tục chuyển sang sàn HOSE.
Còn với PVI Re, cũng đang xây dựng kế hoạch, cố gắng trong năm nay sẽ hoàn tất việc niêm yết và cũng sẽ lựa chọn sàn HOSE để niêm yết
Đại hội đã thông qua hầu hết mọi tờ trình, trong đó có nội dụng chi trả cổ tức năm 2016 tăng lên thành 20% bằng tiền mặt (cao gấp 1,7 lần kế hoạch được thông qua tại đại hội năm ngoái - 12%).
Đại hội cũng đã bầu Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới.