PVChem: Bước vào chu kỳ tăng trưởng mới

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Cho dù phải đối mặt với thách thức “kép” từ đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, Tổng công ty Hóa chất và dịch vụ dầu khí (PVChem, mã PVC) đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020 chỉ sau 9 tháng với cơ cấu tài chính chuyển biến tích cực. Đây là nền tảng quan trọng giúp PVChem bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.

PVChem: Bước vào chu kỳ tăng trưởng mới

Những điểm sáng trong bức tranh kinh doanh 9 tháng

Báo cáo tài chính của PVChem cho thấy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.416 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 19,7 tỷ đồng, dù mới hoàn thành 82,8% kế hoạch doanh thu nhưng đã vượt 194% kế hoạch lợi nhuận. Riêng tại Công ty mẹ, doanh thu 9 tháng đạt gần 984 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 29,3 tỷ đồng.

Thông tin mới nhất cho biết, tính đến hết tháng 10, PVChem đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất và lợi nhuận Công ty mẹ năm 2020 được Đại hội đồng cổ đông thông qua với tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 29,7 tỷ đồng, đạt 254% kế hoạch 10 tháng và 223% kế hoạch năm.

Song song với thực hiện vượt mức kế hoạch kinh doanh đề ra, báo cáo tài chính của PVChem cũng cho thấy những chuyển biến tích cực trong cơ cấu tài sản và nguồn vốn. Đơn cử, về công tác thu hồi công nợ, tính đến 30/9/2020, số dư các khoản phải thu ngắn hạn đã giảm 45,1% so với đầu năm, từ 888,5 tỷ đồng xuống 487,8 tỷ đồng. Tỷ trọng khoản phải thu trên tổng tài sản giảm từ 50% xuống chỉ còn 33,3%.

Liên Danh PVCHem - Dongil thực hiện Gói thầu 01 trong đợt Bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc hoá dầu Dung Quất lần thứ 4

Liên Danh PVCHem - Dongil thực hiện Gói thầu 01 trong đợt Bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc hoá dầu Dung Quất lần thứ 4

Đáng chú ý, PVChem thu hồi được hơn 20,7 tỷ đồng nợ khó đòi, thực hiện hoàn nhập quỹ dự phòng 17,3 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Giá gốc nợ xấu đã giảm mạnh từ 73,1 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 50 tỷ đồng vào cuối tháng 9. Giá trị dự phòng phải thu cũng giảm từ 67 tỷ đồng xuống còn 49,8 tỷ đồng. Cùng với đó, giá trị khoản mục hàng tồn kho tính đến hết quý III/2020 cũng giảm 26,5% so với đầu năm, từ 403,7 tỷ đồng xuống còn 296,7 tỷ đồng.

Những nỗ lực này đã giúp dòng tiền hoạt động kinh doanh của PVChem thặng dư 422,5 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, gấp nhiều lần lợi nhuận thu được, tạo dư địa để Tổng công ty giảm mạnh nợ vay. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2020, dư nợ vay của PVChem đã giảm đến 50,5%, từ 456,6 tỷ đồng xuống còn 225,6 tỷ đồng. Công nợ hiện tại chỉ còn lại các khoản vay ngắn hạn, mà không còn nợ vay dài hạn. So với đầu năm 2019, nợ vay của PVChem đã giảm đến 62,6%.

Ngược lại, nguồn lực dự trữ của PVChem liên tục gia tăng với số dư tiền và tiền gửi các loại đạt 519,7 tỷ đồng tính đến 30/9/2020, tăng 63,6% so với đầu năm và hiện là khoản mục lớn nhất, chiếm 35,5% tổng tài sản.

Việc làm tốt công tác quản trị khoản phải thu và hàng tồn kho đã giúp gia tăng đáng kể hiệu quả kinh doanh cho PVChem khi giúp giảm chi phí lãi vay phải trả, giảm rủi ro nợ khó đòi phát sinh và gia tăng thu nhập tài chính, góp phần làm tăng lợi nhuận trong giai đoạn khó khăn.

Đây được đánh giá là kết quả tích cực trong bối cảnh đơn vị phải đối mặt với điều kiện kinh doanh khó khăn khi đại dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động bị hạn chế, nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến ngành dầu khí giảm mạnh và lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu giảm xuống mức âm trong tháng 4/2020 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động chung của ngành, trong đó PVChem là một trong những đơn vị chịu ảnh hưởng lớn do hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ phân khúc thượng nguồn.

Triển vọng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới

Tại Việt Nam, PVChem được biết đến là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp hóa chất và dịch vụ kỹ thuật phục vụ hoạt động khoan dầu khí như dung dịch khoan, hóa chất phục vụ tìm kiếm, thăm dò, vận chuyển, chế biến và phân phối dầu khí, cung cấp các sản phẩm hóa dầu, sản xuất hóa phẩm phục vụ ngành công nghiệp dầu khí và dịch vụ xử lý giếng khoan, xử lý môi trường...

Để khắc phục khó khăn, PVChem đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp như cơ cấu lại nghành nghề tại một số đơn vị thành viên, tiết giảm chi phí, tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị... đem lại kết quả tích cực với lợi nhuận sau thuế từ lỗ trong năm 2016 đã có lãi 3 tỷ đồng trong năm 2017, mức lãi tăng lên 12 tỷ đồng trong 2018 và kết thúc năm 2019 ở mức 39,5 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch đề ra.

Bước sang năm 2020, tình hình lại khó khăn hơn bởi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, giá dầu giảm sâu ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của PVChem cũng như các doanh nghiệp trong ngành dầu khí. Trong bối cảnh đó, PVChem tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh việc tái cơ cấu hoạt động, thay đổi chiến lược kinh doanh với định hướng phát triển đồng đều trên cả 3 mặt trận sản xuất - kinh doanh - cung cấp dịch vụ, qua đó không chỉ phục vụ ngành dầu khí, mà còn phục vụ các ngành công nghiệp khác, hướng đến trở thành doanh nghiệp hóa chất, hóa dầu hàng đầu tại Việt Nam và có uy tín trong khu vực.

Hướng đi mới đã được PVChem cụ thể hóa bằng kế hoạch thực hiện một loạt dự án đầu tư với tổng vốn dự kiến cho giai đoạn 2021-2025 là 5.980 tỷ đồng. Riêng năm 2021, mức vốn đầu tư dự kiến là 583,6 tỷ đồng với một số dự án trọng điểm.

Chẳng hạn, tại Vũng tàu, PVChem dự kiến hợp tác nghiên cứu đầu tư cùng Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm H202 (oxy già) có công suất 20.000 tấn/năm từ nguồn khí hydro của Nhà máy Đạm Phú Mỹ, với tổng mức đầu tư dự kiến từ 500-600 tỷ đồng. Đồng thời, PVChem hợp tác với Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS) nghiên cứu dự án sản xuất khí công nghiệp sử dụng nguồn nhiệt lạnh (cold energy) của dự án LNG Thị Vải để sản xuất khí công nghiệp như xy, nitơ và argon với công suất 600 tấn/ngày, vốn đầu tư dự kiến 940 tỷ đồng. Đầu tư hệ thống tháp chưng cất trên cơ sở hệ thống thiết bị của Nhà máy Condensate Phú Mỹ với vốn dự kiến 59 tỷ đồng.

Tại khu vực phía Bắc, PVChem xem xét phương án xây dựng nhà máy sản xuất xút-clo và một số sản phẩm phụ từ gốc clo cung cấp cho các ngành công nghiệp với quy mô 20.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 840 tỷ đồng. Thêm vào đó, để nâng cao năng lực cung cấp sản phẩm-dịch vụ phục vụ cho ngành công nghiệp lọc hóa dầu và các ngành công nghiệp phụ trợ khác, tại Nghi Sơn (Thanh Hóa), PVChem dự kiến xây dựng xưởng sửa chữa và gia công cơ khí.

Song song với đó, PVChem đang nghiên cứu cơ hội đầu tư nhiều dự án khác để triển khai trong các năm tiếp theo như dự án Điện mặt trời áp mái tại Nhà máy Cái Mép, dự án Nhà máy sản xuất hoá chất phục vụ cho khâu sau tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án Nhà máy sản xuất hoá chất - hoá dầu tại miền Trung…

Để nâng cao năng lực tài chính và giải quyết bài toán vốn, bên cạnh công tác tiếp tục thu hồi, xử lý công nợ, quản lý vốn lưu động để cải thiện dòng tiền, PVChem cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ cho giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong năm 2021, PVChem dự kiến tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, gấp đôi mức hiện tại, trong đó 400 tỷ đồng từ phát hành thêm cổ phiếu và 100 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển. Đến năm 2023, vốn điều lệ của PVChem sẽ tăng lên 1.300 tỷ đồng và đến năm 2025 đạt 1.500 tỷ đồng.

Việc triển khai hàng loạt dự án đầu tư mới, đặc biệt là tập trung vào mảng hoá chất có tiềm năng, biên lợi nhuận cao nằm trong chuỗi giá trị gia tăng của ngành dầu khí, phù hợp với chiến lược phát triển của PVChem và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), kỳ vọng sẽ trở thành động lực giúp Tổng công ty bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân từ 10-15% cho giai đoạn 2021-2025 và 15-20% cho giai đoạn 2026-2035.

Năm 2021, PVChem đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.210 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 31 tỷ đồng. Đến năm 2025, doanh thu sẽ tăng lên 6.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 267 tỷ đồng, cao hơn bình quân giai đoạn 2012-2015. Tổng doanh thu hợp nhất cho cả giai đoạn dự kiến đạt 19.510 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 652 tỷ đồng.

Đây là kế hoạch khá tham vọng nhưng được đánh giá là khả thi khi PVChem có lợi thế lớn từ sự hỗ trợ của PVN, bên cạnh sở hữu vị thế, thương hiệu đầu ngành và mạng lưới đối tác, khách hàng là các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, cũng như bề dày kinh nghiệm tham gia vào nhiều dự án dầu khí lớn.

Thêm vào đó, triển vọng ngành hóa chất trong nước còn rất sáng khi đang có tốc độ tăng trưởng nhanh với nguồn cung hóa chất cơ bản trong nước mới đáp ứng 50% nhu cầu. Quy hoạch cơ bản phát triển ngành hóa chất của Chính phủ đến năm 2025, tầm nhìn 2035, đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành đạt 14-16%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, ngành hóa chất đáp ứng 80-90% nhu cầu sản phẩm hóa chất vô cơ thông dụng và 17-20% nhu cầu một số sản phẩm hóa chất hữu cơ.

Định hướng mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh hóa chất phục vụ ngành dầu khí và các ngành công nghiệp khác được kỳ vọng giúp PVChem giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực dầu khí vốn có điều kiện kinh doanh chịu ảnh hưởng lớn vào biến động giá dầu - yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Điều này mang lại sự ổn định và phát triển bền vững của PVChem trong tương lai.

Thúy Ngân
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục