Lỗ lũy kế gần 4.000 tỷ đồng, PVC có còn cơ hội gượng dậy?

Lỗ lũy kế ngấp nghé vốn góp chủ sở hữu, trích lập dự phòng hàng ngàn tỷ đồng…, liệu Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam còn có thể gượng dậy?
Thị trường bất động sản gặp khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến PVC có kết quả kinh doanh thua lỗ. Trong ảnh: Địa điểm xây dựng Dự án Tháp dầu khí của PVC hiện đã được chuyển giao cho dự án khác. Thị trường bất động sản gặp khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến PVC có kết quả kinh doanh thua lỗ. Trong ảnh: Địa điểm xây dựng Dự án Tháp dầu khí của PVC hiện đã được chuyển giao cho dự án khác.

Lỗ lũy kế ngấp nghé vốn góp chủ sở hữu

Ngày 9/6 tới, 400 triệu cổ phiếu PVX của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, mã PVX, sàn HNX) sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Lý do là Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất năm 2019 của PVC, thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Bên cạnh đó, việc PVC ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất 3 năm liên tiếp là điều kiện đủ để hủy niêm yết bắt buộc, lần lượt là 416 tỷ đồng, 414 tỷ đồng và 392 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2019 của PVC ghi nhận 3.899 tỷ đồng, gần bằng vốn góp chủ sở hữu là 4.000 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân hủy niêm yết, ông Lương Đình Thành, Tổng giám đốc PVC cho biết, những năm qua, các công ty con, liên kết và đầu tư dài hạn khác của PVC hầu hết có kết quả kinh doanh thua lỗ, do nguồn công việc rất hạn chế, thị trường bất động sản gặp khó khăn, các dự án dừng, giãn tiến độ. Vì không đủ bù đắp các chi phí như chi phí quản lý, chi phí lãi vay, công nợ tồn động khó thu hồi…, nên công ty mẹ phải trích lập các khoản dự phòng theo quy định.

Thua lỗ kéo dài, khó khăn về nguồn tiền dẫn đến tình trạng thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn và nhiều vướng mắc, khó khăn khác đã nêu trong báo cáo tài chính kiểm toán. Do đó, kiểm toán viên đã từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của PVC.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của PVC cho thấy, dự phòng giảm giá chứng khoán ghi nhận 50,7 tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm cuối năm 2019. Tuy nhiên, dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi ghi nhận 1.294 tỷ đồng, dự phòng giảm giá hàng tồn kho 149,7 tỷ đồng, đều giảm so với giá trị cuối năm 2019, dự phòng phải thu dài hạn khó đòi không thay đổi là 30 tỷ đồng.

Những kỳ vọng hồi phục

Hoàn nhập, hồi tố, thoái vốn… là những thông tin tích cực được các cổ đông nắm giữ cổ phiếu PVX kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp hồi phục. Cụ thể, trước thềm hủy niêm yết, PVC thông qua phương án chuyển nhượng toàn bộ hơn 13 triệu cổ phần (tương ứng 16,06% vốn cổ phần) Tổng công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Dầu khí-Long Sơn (PVC Idico, mã PXL), dự kiến thực hiện trong quý II và quý III/2020.

Mục tiêu của PVC trong lần thoái vốn sắp tới là giá chuyển nhượng không thấp hơn nguyên giá đầu tư tính trên mỗi cổ phiếu là 10.280 đồng/cổ phiếu, đồng thời không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 phiên giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin.

Từng giao dịch quanh ngưỡng 2.000 đồng/cổ phần những năm 2015, 2016, cổ phiếu PXL bắt đầu hồi phục từ năm 2019 và đạt thị giá 9.600 đồng/cổ phần (đóng cửa phiên 3/6), khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất là gần 400.000 cổ phần/phiên.

Báo cáo tài chính của PVC ghi nhận khoản đầu tư này có nguyên giá 136 tỷ đồng, trích lập dự phòng tại thời điểm 31/3/2020 là 36,8 tỷ đồng, chiếm phần lớn trích lập dự phòng đầu tư tài chính ngắn hạn. Nếu thoái vốn thành công đúng như kế hoạch, thì khoản trích lập dự phòng này sẽ được hoàn nhập.

Đáng chú ý, tháng 4 năm nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản chính thức cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trên cơ sở đảm bảo đúng mục đích, đạt hiệu quả theo quy định của pháp luật để đưa Dự án Nhiệt điện Thái Bình II vào vận hành. Đây là dự án do Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư và PVC làm tổng thầu EPC.

Báo cáo tài chính quý I/2020 của PVC cho thấy, khoản phải thu khách hàng ghi nhận giá trị 1.616 tỷ đồng tại Ban Quản lý Điện lực Dầu khí Thái Bình II. Như vậy, nếu “nút thắt” trên được tháo gỡ, PVC sẽ nhận về dòng tiền lớn để thanh toán cho các nhà thầu. Theo các chuyên gia tài chính, điều này sẽ giúp PVC và các công ty con hoàn nhập dự phòng, xóa lỗ lũy kế.

Tuy nhiên, PVC cho biết, Dự án Nhiệt điện Thái Bình II vẫn còn tiềm ẩn các rủi ro chưa lường hết, như rủi ro phát sinh chi phí do dự án chậm tiến độ và chậm điều chỉnh Hợp đồng EPC. Bên cạnh đó, PVC cũng có thể phải đối diện với việc bị phạt hợp đồng với các nhà thầu phụ do chậm thanh toán vì thiếu hụt dòng tiền và dự án chậm tiến độ.

Kết thúc quý I/2020, doanh thu thuần hợp nhất của PVC giảm 57%, về 265 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm 28,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 23,3 tỷ đồng. Trong văn bản giải trình, PVC cho biết, đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, khôi phục và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Năm 2020, PVC đặt mục tiêu đạt 1.700 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, cố gắng giảm lỗ tối đa.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục