Nối dài khoản lỗ
Đặt mục tiêu lãi ròng hơn 790 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2020 (bắt đầu từ tháng 10/2019), nhưng quý đầu tiên, Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) công bố khoản lỗ hơn 250 tỷ đồng.
HVG cho biết, trong quý I, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 45,8%, tương ứng giảm 619,6 tỷ đồng do hoạt động xuất khẩu cá tra đến các thị trường bị chững lại.
Từ đầu quý (tức tháng 10/2019), sức mua ở hầu hết các thị trường đều giảm mạnh do cung vượt cầu.
Riêng 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, lượng sản phẩm cá tra nói chung còn tồn ở đây phải mất ít nhất 6 tháng để tiêu thụ hết.
Sự sụt giảm ở cả 2 yếu tố sản lượng và giá trị dẫn đến lãi gộp hoạt động xuất khẩu thủy sản và hoạt động bán thủy sản nội địa giảm lần lượt là 86,1 tỷ đồng và 163,6 tỷ đồng.
Đây không phải là quý đầu tiên HVG báo lỗ. Trong niên độ tài chính trước đó, sau khi kiểm toán, Công ty mẹ HVG tăng mức lỗ ròng thêm 600 tỷ đồng, lên 1.075 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến 30/9/2019 lên 1.489 tỷ đồng, đồng thời bị kiểm toán đưa ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
Hiện tại, mức lỗ cao nhất trong năm 2019 đang thuộc về Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), khi ghi nhận mức lỗ hơn 2.308 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 659 tỷ đồng năm 2018, nâng mức lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31/12/2019 lên hơn 2.206 tỷ đồng.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh mà Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) tự lập vừa công bố cho thấy, PVX lỗ ròng 81 tỷ đồng trong quý IV/2019, lũy kế cả năm 2019 lỗ ròng hơn 198 tỷ đồng.
Không chỉ ghi nhận kết quả thua lỗ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của PVX trong năm 2019 âm gần 231 tỷ đồng, trong khi năm 2018, con số này là dương 267 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, khoản nợ phải trả ngắn hạn của PVX vào thời điểm 31/12/2019 là hơn 8.473 tỷ đồng, cao hơn tổng tài sản ngắn hạn (7.659 tỷ đồng).
Như vậy, 2019 là năm thứ 3 liên tiếp PVX thua lỗ, nên doanh nghiệp này đang đối diện việc cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc.
VIS dự kiến năm 2020 vẫn lỗ
Thông thường, sau khi ghi nhận lỗ 2 năm liên tiếp thì doanh nghiệp sẽ đặt mục tiêu hòa vốn hoặc có lãi, nhưng năm 2020, Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS) công bố kế hoạch lợi nhuận âm. Điều này có nghĩa, doanh ngiệp đã xác định cho việc rời sàn niêm yết.
Cụ thể, VIS công bố kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2020 với tổng doanh thu ước đạt hơn 3.634 tỷ đồng và dự kiến lỗ 65,5 tỷ đồng.
Trước đó, VIS lỗ 219 tỷ đồng trong năm 2019. Tổng lỗ lũy kế chưa phân phối của VIS tính đến hết năm 2019 là gần 545 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp thép khác, Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL) thua lỗ trong hai năm 2018 - 2019.
Trong quý IV/2019, Công ty lấy ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết tự nguyện trên HOSE và đăng ký giao dịch tại UPCoM.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị DTL cho biết, Công ty không thực hiện được kế hoạch hủy niêm yết do chưa đạt được tỷ lệ 51% cổ đông nhỏ đồng ý.
Theo quy định, doanh nghiệp có kế quả sản xuất - kinh doanh bị thua lỗ 3 năm liên tiếp hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Kết quả sản xuất - kinh doanh xác định căn cứ vào chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế” hoặc “lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ” (đối với trường hợp tổ chức niêm yết có công ty con).
Trường hợp tổ chức niêm yết có các đơn vị kế toán trực thuộc, chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế”, “lỗ lũy kế” căn cứ trên báo cáo tài chính tổng hợp. Trường hợp tổ chức niêm yết có công ty con, chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ”, “lỗ lũy kế” căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất.