19/22 cổ phiếu tăng giá trên 100% có quy mô vốn hóa dưới 1.000 tỷ đồng
Thống kê mức thay đổi giá cổ phiếu trong năm 2019 trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho thấy, có 22 mã tăng giá trên 100%, trong đó 19 mã có vốn hóa vừa vừa nhỏ.
Thống kê này tính đến ngày 19/12, không bao gồm các cổ phiếu mới niêm yết trong năm cũng như các cổ phiếu đã hủy niêm yết trong năm.
Top cổ phiếu tăng giá trên 2 sàn niêm yết năm 2019 (tính đến ngày 19/12).
Đứng đầu về quy mô vốn hóa trong số 22 mã tăng giá trên 100% là cổ phiếu GTN của Công ty cổ phần GTNFoods, với vốn hóa 5.500 tỷ đồng.
GTN thực sự gây chú ý từ cuối tháng 2/2019 khi Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) thể hiện mong muốn M&A với mục tiêu được đánh giá là nhắm đến Sữa Mộc Châu trong nỗ lực mở rộng thị phần.
Thực tế, câu chuyện tăng giá tại GTN từ đầu năm đến nay gần như chỉ xoay quanh những biến động trong cơ cấu cổ đông, hơn là đến từ tăng trưởng trong những chỉ tiêu kinh doanh chính.
Cụ thể, về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019, trong khi doanh thu của GTN đạt 1.986 tỷ đồng, tăng 1,4%, thì giá vốn hàng bán cùng chi phí bán hàng tăng nhanh hơn, còn doanh thu tài chính giảm, khiến lợi nhuận trước thuế thu ở mức 144 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, cơ cấu cổ đông tại GTN biến động mạnh: trong khi VNM nâng sở hữu lên 43,17% tính đến đầu tháng 11/2019 và đang thể hiện mong muốn mua thêm lên 75%, Công ty cổ phần Thực phẩm sông Vàng nâng sở hữu từ 6,15% lên 9,73%, thì lần lượt Công ty cổ phần Đầu tư BZZ, Tael Two Partners, Penm IV Germany và Công ty cổ phần Chứng khoán TP. HCM thoái hết vốn tại GTN, còn cổ đông lớn nhất trước đây là Công ty cổ phần Invest Đại Tây Dương giảm sở hữu từ hơn 28% về 14%.
Ngày 18/12/2019, giao dịch tại GTN tiếp tục đột biến với 78,9 triệu cổ phiếu, tương đương 31,56% vốn được chuyển nhượng.
Chưa rõ đây là giao dịch giúp VNM hoàn tất nâng sở hữu lên 75% như dự kiến, hay là sự chuyển nhượng giữa các nhóm cổ đông khác.
Nếu thương vụ M&A của VNM đã hoàn tất, thì những nhà đầu tư nhỏ lẻ đang nắm giữ cổ phiếu GTN nên xem xét chốt lời, vì thực tế nhiều thương vụ M&A cho thấy, giá thường đi ngang, hoặc giảm sau đó.
2 cổ phiếu khác đáng chú ý trong nhóm có mức tăng giá ấn tượng là DCL của Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long và FIT của Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T - đây là 2 doanh nghiệp hiếm hoi trong nhóm có quy mô vốn hóa đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Đợt tăng giá của FIT diễn ra trong chưa đầy 1 tháng trở lại đây, tăng 120% từ ngày 25/11 đến 19/12.
Trong cùng khoảng thời gian, DCL ghi nhận mức tăng 60% sau nhiều tháng đi ngang trước đó, tính cả mức tăng mạnh trong tháng 3 thì tổng mức tăng so với đầu năm là 179%. Hiện tại, FIT là công ty mẹ của DCL, với tỷ lệ sở hữu 74,61%.
Cổ phiếu TSC của Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ - công ty con của FIT có giá tăng từ 1.500 đồng/cổ phiếu lên hơn 4.000 đồng/cổ phiếu, nhưng diễn biến giảm giá trong nửa cuối tháng 11 khiến TSC không còn nằm trong Top đầu.
Ngoài 3 cổ phiếu GTN, FIT và DCL nêu trên, có 19/22 số cổ phiếu dẫn đầu về mức tăng giá là các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ, trong đó 5 mã tăng giá mạnh nhưng quy mô vốn hóa hiện vẫn dưới 100 tỷ đồng, bao gồm L35 của Công ty cổ phần cơ khí Lắp máy Lilama, LM7 của Công ty cổ phần Lilama 7, HLY của Công ty cổ phần Viglacera Hạ Long I, TBX của Công ty cổ phần Xi măng Thái Bình và VTS của Công ty cổ phần Viglacera Từ Sơn.
Trong 5 mã vốn hóa nhỏ đó, mức lãi của nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu chỉ là trên giấy, vì rất khó để hiện thực hóa lợi nhuận, bởi lượng cổ phiếu ít, cơ cấu cổ đông cô đặc, thanh khoản của đa số cổ phiếu đều rất thấp, có mã hầu như không có thanh khoản.
Đáng chú ý, cổ phiếu LM7 và TBX đang có hệ số P/E ở mức cao, hàng trăm lần, còn VTS được đánh giá khó thoát khỏi tình cảnh thua lỗ năm thứ hai liên tiếp.
"Chơi" cổ phiếu nhỏ, khó kịp "rút chân"
Năm 2019, chỉ có 34,5% số cổ phiếu niêm yết trên HNX và HOSE tăng giá, trong đó phần lớn là các cổ phiếu vừa và nhỏ.
Ngoại trừ sóng cổ phiếu khu công nghiệp trong 9 tháng đầu năm, với sự bứt phá của D2D, SZL, SZC, IDV…, phản ánh kỳ vọng hưởng lợi từ việc dòng vốn đầu tư nước ngoài chuyển dịch vào Việt Nam làm tăng nhu cầu thuê đất cũng như giá thuê và sóng ở nhóm cổ phiếu Viettel (chủ yếu là các cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM) nhưng sau đó hạ nhiệt, thì nhìn chung, thị trường không ghi nhận sóng ngành trên diện rộng, mà diễn biến thị giá phản ánh nhiều hơn câu chuyện riêng tại từng doanh nghiệp.
Trong bối cảnh VN-Index biến động chủ yếu trong vùng 950 - 1.000 điểm gần như suốt năm và có một thời gian ngắn bứt phá nhưng rồi lại giảm, phản ánh bức tranh giằng co, phân hóa tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, dòng tiền vào thị trường giảm kéo thanh khoản giảm mạnh so với năm 2018, thì nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có cơ hội “lên ngôi”.
Tuy nhiên, đặc điểm của nhiều doanh nghiệp trong nhóm này là tình hình hình tài chính kém khả quan, kết quả kinh doanh thất thường, thậm chí là kém minh bạch, giá tăng vì tin đồn thay vì sự chuyển biến trong hoạt động kinh doanh.
Cổ phiếu MBG của Công ty cổ phần Tập đoàn MBG vừa có đợt giảm giá từ 58.000 đồng/cổ phiếu (phiên 14/11) xuống 25.700 đồng/cổ phiếu phiên 17/12, tức mất 56% giá trị trong hơn 1 tháng, nhưng diễn biến tăng giá trước đó và mức giá thời điểm đầu năm chỉ là 3.800 đồng/cổ phiếu vẫn giúp cổ phiếu này tăng trên 600%, dẫn đầu trong Top tăng giá ấn tượng năm 2019.
Giá cổ phiếu MBG tăng sốc khiến thị trường nghi ngại động lực tăng đến từ khả năng kéo giá để cổ đông mua phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu trong năm 2018 thoái vốn khi hết thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm, hơn là từ những chuyển biến trong hoạt độngkinh doanh.
11 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 504 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 16,7 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 84% và 95% kế hoạch năm.
Tương tự, cổ phiếu VCR của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex tăng từ 5.000 đồng/cổ phiếu đầu tháng 3/2019 lên 30.000 đồng/cổ phiếu cuối tháng 6/2019. Sau khi điều chỉnh xuống 15.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu này có một đợt tăng lên 25.000 đồng/cổ phiếu, rồi giảm dần, hiện dao động quanh mức 13.000 đồng/cổ phiếu.
Trong bối cảnh dự án Cái Giá - Cát Bà của VCR chưa thực sự “hồi sinh”, hai cổ đông lớn của VCR là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) đã tranh thủ các đợt tăng giá, thanh khoản tốt để thoái vốn và chính VCR cũng bán ra toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ.
Trong cả 2 câu chuyện tại VCR và MBG, nhà đầu tư có cơ hội thu lợi lớn nếu bắt đúng sóng, nhưng với những người đến sau, không kịp “rút chân”, mức thua lỗ là không nhỏ.
Năm ngoái, cổ phiếu SRA của Công ty cổ phần Sara Việt Nam trở thành hiện tượng khi bất ngờ giao dịch đột biến sau suốt 10 năm gần như bị lãng quên.
Thị giá tăng từ 9.300 đồng/cổ phiếu lên gần 80.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong 1 tháng rưỡi giai đoạn giữa năm.
Sau khi giảm về 20.000 đồng/cổ phiếu, SRA nhanh chóng leo lại đỉnh cũ, rồi giảm 50%, kết thúc năm vẫn nằm trong Top cổ phiếu sinh lời cao nhất thị trường.
Diễn biến giảm giá kéo dài trong năm 2019 khiến SRA trở thành một trong những cổ phiếu có mức giảm giá mạnh nhất trên sàn niêm yết, hiện được giao dịch quanh mức 9.000 đồng/cổ phiếu.
Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận của SRA suy giảm qua từng quý từ đầu năm đến nay, sau khi bứt phá trong năm 2018.
Đầu năm nay, cổ phiếu VHG của Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Quảng Nam trên HOSE gây ấn tượng với chuỗi 22 phiên tăng trần liên tiếp, đưa thị giá tăng vọt gần 4 lần trong chưa đầy 1 tháng, khiến thị trường đồn đoán về việc đổi chủ, tái cấu trúc tại doanh nghiệp, nhưng tình hình không được cải thiện.
Sau đó, cổ phiếu VHG hủy niêm yết và đăng ký giao dịch trên UPCoM vào cuối tháng 5, từ đó đến nay có diễn biến giảm giá, hiện còn 600 đồng/cổ phiếu.
Đây là những ví dụ cảnh báo rủi ro hiện hữu khi đua sóng ở các cổ phiếu thị giá thấp, với những tin tức đồn đoán.