Chất lượng báo cáo thường niên sẽ tốt hơn, nếu...

(ĐTCK) Năm thứ 12 Sở GDCK TP.HCM, Sở GDCK Hà Nội, Báo Đầu tư Chứng khoán phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chương trình chấm điểm báo cáo của doanh nghiệp niêm yết đã góp phần không nhỏ quảng bá và tôn vinh các doanh nghiệp Việt, thúc đẩy sự cố gắng, tinh thần thi đua hướng đến sự minh bạch và chuyên nghiệp của doanh nghiệp niêm yết. Đây là điểm cuộc thi rất nên lan tỏa trong các mùa giải tới.
Một chỉ tiêu được đánh giá là rất quan trọng đối với doanh nghiệp nhưng chưa được thể hiện trong các báo cáo thường niên, đó là “Cơ chế tư vấn và báo cáo các mối quan ngại 
về đạo đức”. Một chỉ tiêu được đánh giá là rất quan trọng đối với doanh nghiệp nhưng chưa được thể hiện trong các báo cáo thường niên, đó là “Cơ chế tư vấn và báo cáo các mối quan ngại về đạo đức”.

Cuộc thi truyền tải thông điệp rằng, báo cáo thường niên (BCTN) không chỉ đơn thuần là một báo cáo mô tả về doanh nghiệp với các thông tin trình bày theo các khuôn khổ quy định yêu cầu, mà còn được nâng lên như một ấn phẩm mang đầy nhiệt huyết nhằm giới thiệu, quảng bá tới nhà đầu tư, tới thị trường, tới đối tác về hình ảnh một doanh nghiệp năng động, chuyên nghiệp, minh bạch và đáng tin cậy, thể hiện qua các thông điệp về định hướng và chiến lược mà doanh nghiệp muốn hướng đến.

Quan sát từ cuộc thi cho thấy, các doanh nghiệp đã chú trọng nhiều hơn đến việc công bố thông tin minh bạch và đầy đủ trong BCTN.

Tuy nhiên, về tổng quan, chất lượng BCTN năm nay vẫn còn chênh lệch nhiều giữa các doanh nghiệp niêm yết, ngay cả trong TOP quy mô vốn hóa.

Cụ thể, đa số BCTN được lập có nội dung giải trình theo yêu cầu tuân thủ tối thiểu của các qui định hiện hành.

Trong một vài trường hợp, BCTN của một số doanh nghiệp đầu ngành, các doanh nghiệp có các đối tác và chủ sở hữu là các tổ chức lớn và danh tiếng trên thế giới, có bao gồm việc thuyết minh thêm các thông tin chi tiết trên mức yêu cầu của quy định, khiến BCTN trở nên phong phú với nhiều thông tin bổ ích, giúp người đọc hiểu rõ hơn hoạt động của doanh nghiệp.

Các thông tin trong báo cáo phát triển bền vững đã được nhiều doanh nghiệp chú trọng trình bày hơn so với các năm trước, đặc biệt trong nhóm vốn hóa lớn, mặc dù trong đa số trường hợp còn mang tính hình thức, doanh nghiệp chưa biết cách thực sự làm nổi bật đặc điểm và thế mạnh của mình.

Bà Phạm Thị Cẩm Tú, Phó tổng giám đốc E&Y Vietnam, Thành viên soát xét vòng chấm Sơ khảo Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2019.

Trong khi đó, nội dung này chưa được nhóm vốn hóa vừa và nhỏ chú trọng đầu tư. Qua so sánh sơ bộ các chỉ tiêu được trình bày trên BCTN của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam và bộ chỉ tiêu trong Global Reporting Initiative (“GRI”) Standards về yêu cầu công bố thông tin cho báo cáo phát triển bền vững của công ty, một chỉ tiêu được đánh giá là rất quan trọng đối với doanh nghiệp nhưng chưa được thể hiện trong các BCTN, đó là “Cơ chế tư vấn và báo cáo các mối quan ngại về đạo đức”.

Về quản trị rủi ro, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đã thực hiện việc xác định các loại rủi ro và trình bày phương pháp hạn chế rủi ro.

Tuy nhiên, hiện chưa thấy phổ biến các BCTN thể hiện sự đánh giá hiệu quả thực tế của công tác quản trị rủi ro trong năm của đơn vị và liệu các rủi ro này đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh trong năm như thế nào, cũng như chưa thấy được vai trò của các cấp quản lý trong việc rà soát tính hiệu quả của các quy trình quản trị rủi ro của đơn vị.

Công tác quản trị rủi ro ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh đa dạng hóa và toàn cầu hóa.

Do đó, nếu các doanh nghiệp có xây dựng cơ chế này và công bố trên BCTN để tất cả nhân viên và các đối tác, các nhà đầu tư hiện tại và tương lai được biết thì sẽ là rất tốt, thể hiện tốt hơn sự minh bạch thông tin của doanh nghiệp được báo cáo.

Hơn nữa, cũng cần phải nhìn nhận rằng, một số thông tin về chiến lược trung và dài hạn của công ty, phân tích nguyên nhân dẫn đến việc đạt/không đạt được kế hoạch đề ra, một số vấn đề liên quan đến môi trường... chưa được nêu một cách chi tiết trong BCTN.

Có thể do tâm lý của doanh nghiệp còn e ngại, chưa muốn chia sẻ thông tin, chưa chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, hoặc doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn, không muốn đề cập đến tình hình sản xuất - kinh doanh không được như mong muốn.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng BCTN, tôi có các khuyến nghị sau: Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp niêm yết, nên tăng cường hệ thống nội bộ về tập hợp, công bố thông tin và lập BCTN để nâng cao chất lượng BCTN với các thông tin được thuyết minh một cách minh bạch hơn và đầy đủ hơn.

Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc lập các BCTN minh bạch và đầy đủ thông tin, không chỉ cho mục đích tuân thủ, mà còn thể hiện sự cam kết của doanh nghiệp với các đối tác, cũng như là một công cụ thể hiện sự vượt trội của doanh nghiệp mình so với các doanh nghiệp khác trên thị trường.

Thứ hai, Ban Tổ chức và cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cần có cơ chế tuyên truyền, tăng cường công tác nâng cao ý thức đối với các doanh nghiệp niêm yết về các yêu cầu lập BCTN minh bạch và chi tiết;

Tổ chức nhiều hơn các cuộc hội thảo và trao đổi với các doanh nghiệp niêm yết, chia sẻ các thông lệ lập BCTN ở các thị trường tiên tiến do các cơ quan có uy tín trên trường quốc tế ban hành (ví dụ GRI Standards), cũng như giới thiệu và giải thích cho các doanh nghiệp được rõ về sự tồn tại và nội dung khuyến khích cần được thể hiện trong BCTN của doanh nghiệp;

Tuyên dương, khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp niêm yết làm tốt BCTN, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để nhắc nhở công bố thông tin minh bạch, đầy đủ, nhằm giúp doanh nhiệp niêm yết biết được những điểm làm chưa tốt và có hướng khắc phục kịp thời.

Ngoài ra, bộ câu hỏi chấm điểm cũng nên được bổ sung các nội dung giúp đánh giá yếu tố định tính trong việc nhận xét chất lượng các thông tin cung cấp, bên cạnh các yêu cầu về tính đầy đủ của thông tin của bộ câu hỏi hiện tại.

Cũng nên cân nhắc có các điểm thưởng cho các doanh nghiệp có thông tin công bố và áp dụng các qui trình/tiêu chuẩn mới. Chẳng hạn, nên có điểm thưởng cho các ngân hàng đã áp dụng  tiêu chuẩn Basel II…

Hy vọng, với ý nghĩa và mục tiêu giúp xây dựng và định hướng cho các doanh nghiệp niêm yết trong việc minh bạch hóa các thông tin công bố.

Cuộc bình chọn sẽ luôn nhận được sự quan tâm của thị trường, sự tham gia nhiệt tình của các doanh nghiệp niêm yết ở nhiều lĩnh vực với quy mô sâu rộng hơn, góp phần xây dựng thị trường thông tin minh bạch và đáng tin cậy, đón đầu sự quan tâm của các nhà đầu tư. 

Phạm Thị Cẩm Tú
Đặc san doanh nghiệp niêm yết

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục