DMC (PVC) đứng trước những cuộc chuyển mình

(ĐTCK) Từng có tên trong câu lạc bộ các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh cao của ngành dầu khí, song cú sốc giá dầu giảm mạnh kể từ năm 2014 đến nay đã khiến Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm Dầu khí (DMC, mã chứng khoán PVC) tuột dốc. Dứt khoát cắt phăng những mảng việc kém hiệu quả, DMC tới đây sẽ có những cuộc chuyển mình.
Lãnh đạo DMC trao đổi với các nhà đầu tư tìm hiểu thực tế doanh nghiệp. Lãnh đạo DMC trao đổi với các nhà đầu tư tìm hiểu thực tế doanh nghiệp.

Thẳng thắn nhìn nhận "gót chân Asin" của DMC là chuyển đổi mô hình chậm so với biến động thị trường, ông Hoàng Trọng Dũng, Tổng giám đốc DMC cho biết, trước đây, mỗi năm, riêng mảng dung dịch khoan DMC đạt lợi nhuận 200 - 300 tỷ đồng, nhưng kể từ khi giá dầu giảm mạnh, hoạt động khoan dầu khí đình trệ, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp cũng giảm theo. Trong khi đó, các tài sản khác của DMC lại chưa được khai thác hiệu quả.

Năm 2018, DMC đã tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, giảm các phòng ban, bán 2 công ty con, phát triển các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ ít bị tác động bởi diễn biến giá dầu thô và các dịch vụ trên bờ, doanh nghiệp đã có lãi trở lại, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất 12 tỷ đồng, trong khi doanh thu hợp nhất 2.465 tỷ đồng.

Ðến năm 2019, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DMC có chiều hướng tích cực hơn so với 2018, cung ứng dịch vụ tăng. Trong 9 tháng đầu năm, DMC đạt lợi nhuận sau thuế hơn 31 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 14,6 tỷ đồng).

Cùng với sự tích cực trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, dòng tiền của DMC cũng tiếp tục được cải thiện, nợ vay giảm đáng kể, trong đó nợ vay ngắn hạn giảm tới 76,8%.

Nhìn nhận thị trường đã có những thay đổi lớn, đồng thời được xác định là một trong ba đơn vị chủ chốt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về lĩnh vực dịch vụ, DMC đã bắt tay vào xây dựng chiến lược mới.

DMC (PVC) đứng trước những cuộc chuyển mình   ảnh 1

Theo “Ðề án Tái cơ cấu DMC giai đoạn 2020 - 2025” và “Chiến lược phát triển DMC đến 2025, định hướng đến 2035”, DMC sẽ tập trung phát triển ba lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Cụ thể, về lĩnh vực sản xuất, DMC đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, nâng cao hàm lượng công nghệ và chất xám cho các sản phẩm chính như Bentonite, xi măng G… Song song, DMC sẽ mở rộng phát triển các sản phẩm khác như chất xúc tác, nhựa PS…

Ðối với lĩnh vực kinh doanh, DMC sẽ triển khai mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cung cấp các loại hóa chất, hóa phẩm phục vụ hoạt động khoan, thăm dò, khai thác dầu khí. Các sản phẩm lọc hóa dầu và một số hóa phẩm cho các ngành công nghiệp khác.

Ðặc biệt, DMC sẽ tập trung nhu cầu khách hàng trong ngành dầu khí để củng cố, phát triển và mở rộng khả năng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật phục vụ cho cả khâu đầu và khâu sau để trở thành một trong ba đơn vị dịch vụ chuyên sâu của Tập đoàn.

Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển DMC trở thành nhà cung cấp chuyên nghiệp dịch vụ hóa, kỹ thuật, nhà sản xuất - kinh doanh các sản phẩm hóa chất, hóa dầu và các dịch vụ hóa kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực; có uy tín trong nước và quốc tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân từ 10 - 15% cho giai đoạn 2020 - 2025, từ 15 - 20% cho giai đoạn 2026 - 2035.

Ông Hoàng Trọng Dũng cho biết, DMC sẽ tổ chức Ðại hội cổ đông bất thường năm 2019 để thực hiện công tác nhân sự Hội đồng quản trị và đổi tên Công ty thành PV Chem.

Tên mới định vị DMC sẽ mở rộng không gian sản xuất - kinh doanh sang lĩnh vực hóa chất nói chung, chứ không bó hẹp mảng hoạt động dịch vụ trong ngành dầu khí đơn thuần. Trong quý I/2020, DMC sẽ thay đổi toàn bộ hệ thống nhận diện thương hiệu.

“Lợi nhuận biên của ngành hóa chất dao động từ 20 - 30%, đây là lĩnh vực tiềm năng để chúng tôi xâm nhập hoạt động sản xuất hóa chất quy mô lớn. Dựa vào lợi thế nguyên vật liệu ngành dầu khí đang có, chúng tôi đã ký thỏa thuận hợp tác với đối tác Thái Lan để đầu tư liên doanh sản xuất khí công nghiệp sản xuất Hydro và Heli… DMC đang nghiên cứu 4 dự án cho mảng hóa chất”, ông Dũng tiết lộ.

Trong lộ trình phát triển, DMC dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng vào năm 2021; 1.500 tỷ đồng vào năm 2025 và 3.000 tỷ đồng vào năm 2030.

Hiện PVN đang sở hữu 36% tại DMC, Tập đoàn có thể tăng tỷ lệ sở hữu tại DMC để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư mới.

Sau cuộc tái cấu trúc năm 2018 còn 5 ban/văn phòng và chi nhánh, bước sang năm 2020, DMC sẽ tiếp tục tái cấu trúc bằng cách chuyển các chi nhánh thành công ty, hạch toán độc lập để tăng cường tính chủ động, sáng tạo của các bộ phận.

Công ty Mẹ sẽ chỉ giữ lại một chi nhánh để kinh doanh hóa chất. DMC cũng đang đàm phán để thoái vốn tại liên doanh ở Lào, tập trung cho hoạt động lõi tại Việt Nam.

Ông Dũng chia sẻ, nhiều giải pháp quản trị đang được DMC quyết liệt triển khai như hoàn thiện bộ máy quản trị, cơ chế quản lý điều hành chuyên nghiệp, hiệu quả; nâng cao chất lượng hệ thống kiểm soát nội bộ; xây dựng cơ chế phân quyền, phân cấp tạo tính tự chủ và linh hoạt trong quá trình triển khai hoạt động; tinh giảm đội ngũ lao động gián tiếp, tăng tỷ trọng lao động trực tiếp; thực hiện cơ chế trả lương theo hiệu quả công việc...

Ðặc biệt, với đội ngũ nhân lực và kinh nghiệm hoạt động của mình trong lĩnh vực hóa chất, DMC sẽ tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học để tạo dựng thế mạnh riêng, vững chắc cho DMC trong cạnh tranh.

Sở hữu cơ cấu tài sản tốt, có số dư tiền và tương đương tới hơn một nửa vốn điều lệ, tài sản đã khấu hao nhiều, chỉ số nợ/dòng tiền tốt, đồng thời có chiến lược thay đổi mạnh mẽ, chủ động tìm kiếm các đại dương xanh, DMC được kỳ vọng sẽ có những bước chuyển tích cực trên hành trình hướng đến tương lai.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, báo cáo tài chính của DMC cho biết, đơn vị đã đạt 1.604 tỷ đồng doanh thu, giảm 4,6% so với cùng kỳ 2018.

Doanh thu giảm, nhưng nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện, lên mức 10,6% từ 7,7% cùng kỳ 2018, giúp lợi nhuận gộp thu về 170,6 tỷ đồng, tăng 31,6% so với 9 tháng 2018.

Mặc dù doanh thu tài chính 9 tháng của DMC giảm 28,2% so với cùng kỳ do lãi từ thanh lý các khoản đầu tư giảm mạnh và chi phí bán hàng, chi phí quản lý tăng lần lượt 13,8% và 4%, nhưng nhờ lợi nhuận gộp tăng trưởng và chi phí tài chính giảm 26,2% chủ yếu do chi phí lãi vay tiết giảm, diễn biến tỷ giá thuận lợi giúp giảm lỗ từ chênh lệch tỷ giá, kết quả, DMC thu về 31,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đảo chiều so với mức lỗ 14,6 tỷ đồng trong 9 tháng 2018. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ đạt 18,4 tỷ đồng.

Như vậy, DMC đã ghi nhận 4 quý liên tiếp có lợi nhuận sau giai đoạn thua lỗ từ 2016 đến quý III/2018, dù rằng mức lợi nhuận hiện còn thấp so với mức đỉnh của giai đoạn 2014-2015.

Cùng với lợi nhuận dương trở lại, cơ cấu nguồn vốn của Công ty cũng có chuyển biến tích cực khi nợ vay giảm 436,3 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay. Tính đến 30/9/2019, dư nợ vay của DMC còn lại 139,6 tỷ đồng, toàn bộ là khoản nợ vay ngắn hạn tại ngân hàng.

Minh Ðức - Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục