Publicis + Omnicom gây cơn địa chấn trong làng quảng cáo thế giới

(ĐTCK) Publicis Omnicom sẽ chiếm gần 40% thị phần ngành quảng cáo tại Mỹ, cao hơn gấp 2 lần so với đối thủ gần nhất, WPP.
Maurice Levy (trái) và John Wren Maurice Levy (trái) và John Wren

Đầu tuần này, Publicis Groupe SA, tập đoàn quảng cáo lớn thứ hai thế giới của Pháp và Omnicom Inc., tập đoàn lớn thứ 3 thế giới của Mỹ đã chính thức báo tin về thoả thuận sáp nhập hai tập đoàn này để thành tập đoàn lớn nhất trên thị trường quảng cáo thế giới, vượt WPP, tập đoàn số 1 hiện nay. Với 130.000 nhân viên hoạt động tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập đoàn mới ra đời, có tên gọi là Publicis Omnicom Group, có tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt 35,1 tỷ USD, với doanh thu hàng năm đạt 23 tỷ USD (số liệu năm 2012).

Phát biểu tại buổi họp báo tổ chức tại Paris (Pháp), ông Maurice Levy, Giám đốc điều hành (CEO) Publicis cho biết, Publicis và Omnicom mỗi bên sẽ nắm 50% cổ phần của tập đoàn mới và việc sáp nhập dự kiến sẽ hoàn tất trước tháng 3/2014. Tập đoàn mới sẽ vẫn giữ các trụ sở tại Paris (Pháp) và New York (Mỹ), với cổ phiếu được niêm yết tại 2 sàn chứng khoán Paris New York .

“Đây là công ty mới phục vụ cho thế giới mới. Thương vụ này dự kiến tạo ra giá trị đáng kể cho các cổ đông, với chi phí tiết kiệm được lên tới 500 triệu USD”, ông Maurice Levy nhấn mạnh.

Theo thoả thuận, ông Maurice Levy và ông John Wren, 61 tuổi, CEO Omnicom sẽ là 2 đồng CEO Publicis Omnicom trong 30 tháng đầu, kể từ khi chính thức hoàn tất thủ tục pháp lý về sáp nhập. Sau đó, ông Maurice Levy sẽ lui về hậu trường giữ chức Chủ tịch, còn ông John Wren tiếp tục đảm nhiệm chức CEO.

Với ông Maurice Levy, 71 tuổi, đây là chiến tích cuối cùng trong sự nghiệp lẫy lừng trước khi “hạ cánh”, còn với ông John Wren, triển vọng để “vùng vẫy phát huy mọi khả năng sáng tạo” đang rộng mở ở phía trước.

Đây được xem là một trong những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất thế giới trong năm nay, đồng thời chắc chắn cũng là thương vụ nổi đình đám nhất của ngành quảng cáo thế giới.

Ông Michael Corty, chuyên gia phân tích của Hãng Morningstar (có trụ sở tại Chicago , Mỹ) nhận định: “Trong lĩnh vực quảng cáo toàn cầu, vụ sáp nhập này có thể xem như tạo ra cơn địa chấn lớn. Nó sẽ có tác động châm ngòi nổ cho các vụ M&A dây chuyền tiếp theo, bởi các đối thủ lớn còn lại sẽ phải tìm cách sáp nhập với nhau để nâng sức cạnh tranh”.

Nhiều chuyên gia về quảng cáo quốc tế nhận định, sau khi có vụ M&A trên, khái niệm “Big Six” (tức là 6 đại gia hiện thống trị lĩnh vực quảng cáo toàn cầu), gồm WPP (Anh), Publicis, Omnicom, Interpublic (có trụ sở ở Mỹ), Havas (Pháp) và Dentsu (Nhật Bản) không còn đúng nữa, bởi sẽ nổi lên 1 siêu đại gia mới Publicis Omnicom mạnh hơn rất nhiều. Nếu đứng riêng độc lập như hiện nay, WPP, Interpublic, Havas và Dentsu khó lòng mà cạnh tranh nổi với Publicis Omnicom. Vì vậy, 4 ông lớn này sẽ lại tìm cách nào đó sáp nhập với nhau, nhằm lập lại thế cân bằng trong cạnh tranh.

Chính ông Martin Sorrell, CEO của WPP cũng thừa nhận, vụ M&A này tạo ra sức ép rất lớn cho các đối thủ. “Đây là một thương vụ ghê gớm, có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường, nó có thể tạo ra hiệu ứng domino cho các vụ M&A tiếp theo trong lĩnh vực quảng cáo”, ông Martin Sorrell nói.

Tuy nhiên, cũng do chính vì Publicis Omnicom có quy mô quá lớn, lại hình thành từ 2 văn hoá công ty khác nhau, nên đã có một số lo ngại về sự bền vững của cuộc “xe duyên” bình đẳng này.

Thứ nhất, mối e ngại đến từ những khách hàng truyền thống của 2 tập đoàn này về xung đột lợi ích tiềm tàng. Được biết, hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, như Coca-Cola Co., PepsiCo, McDonald’s, Johnson & Johnson, Procter & Gamble… đều là khách hàng của một trong hai tập đoàn này. Trong đó có những cặp là đối thủ trực tiếp của nhau, chẳng hạn, như Coca-Cola và PepsiCo, AT&T và Verizon… Hiện Coca-Cola là khách hàng “ruột” của Omnicom, còn PepsiCo đã kết hợp nhiều năm nay với Publicis.

Để trấn an “người trong cuộc”, ông John Wren khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với các khách hàng để giải quyết những vấn đề có liên quan đến xung đột lợi ích. Không có gì đáng lo ngại cả”.

Tuy nhiên, ông David Jones, CEO của Havas, lại phát biểu mang tính “chọc ngoáy” rằng: “Đây là thương vụ chỉ làm cho hai người (CEO) hạnh phúc, còn khoảng 130.000 nhân viên lo âu và hàng đống khách hàng cảm thấy bất an”.

Mỗi e ngại thứ hai đến từ khả năng có 45 nước sẽ áp dụng các biện pháp chống độc quyền với đối với Publicis Omnicom, sau khi Tập đoàn hợp nhất các công ty con.

Theo phân tích của Pivotal Research Group (Mỹ), nếu được cơ quan chức năng Mỹ phê chuẩn, Publicis Omnicom sẽ chiếm gần 40% thị phần ngành quảng cáo tại Mỹ, cao hơn gấp 2 lần so với đối thủ gần nhất, WPP.

Hiện tại, nhiều người nhận định một cách dè dặt rằng, chỉ có thời gian mới có thể trả lời được rằng, hai đại gia này có chung sống hạnh phúc với nhau hay không.     


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục