PME nằm trong Top 3 doanh nghiệp tiêu biểu ngành sản xuất dược phẩm (do Vietnam Report bình chọn), được đánh giá cao cả về tiềm lực tài chính, uy tín và trình độ công nghệ bậc nhất, với doanh thu đứng thứ 2 toàn ngành.
Theo đó, kết thúc năm 2018, Pymepharco đạt doanh thu 1.675 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,2%; lợi nhuận trước thuế 387 tỷ đồng, tăng 7,7% so với thực hiện năm 2017. Các doanh nghiệp trong ngành chưa công bố báo cáo năm 2018 để so sánh, nhưng nếu tính đến quý III/2018, PME ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế vượt trội so với trung bình 15 doanh nghiệp niêm yết, lần lượt tăng trưởng ở mức 2,7% và 6%.
Kết quả này xuất phát từ việc sản phẩm của Pymepharco thuộc nhóm 2 trong đấu thầu nên ít bị biến động giảm giá, chưa kể dây chuyền thuốc bột pha tiêm Cephalosporin đạt tiêu chuẩn GMP châu ÂU (GMP-EU) được đưa vào vận hành từ đầu năm cũng đóng góp vào tăng trưởng.
Hàng năm, Công ty đều nghiên cứu và bổ sung nhiều sản phẩm, đưa số lượng mặt hàng sản xuất lên hơn 350 sản phẩm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm dược phẩm Việt Nam. Sản phẩm của PME không chỉ phủ rộng toàn quốc, mà còn xuất khẩu mạnh sang các thị trường như Hồng Kông, Philipines, Malaysia và đặc biệt là EU (CHLB Ðức).
Tính đến thời điểm hiện tại, Pymepharco được xem là công ty dẫn đầu về công nghệ khi sở hữu 2 nhà máy đạt chuẩn GMP-EU tại Việt Nam, bao gồm: Nhà máy sản xuất kháng sinh Cephalosporin dạng viên và Nhà máy sản xuất thuốc bột pha tiêm Cephalosporin. Ðồng thời, Công ty đang triển khai dự án Non-betalactam theo tiêu chuẩn GMP-EU, khi hoàn thiện sẽ trở thành nhà máy lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam, với công suất 1,2 tỷ viên/ca/năm và là điểm nhấn trong bức tranh tăng trưởng cho PME cho giai đoạn sau năm 2019.
Ông Huỳnh Tấn Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc PME cho rằng, Công ty đang đạt những thành công mà 10 năm trước không nghĩ sẽ thực hiện được. Tất cả là nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể cán bộ, nhân viên, cũng như việc lựa chọn được đối tác chiến lược phù hợp là Tập đoàn STADA - nhà sản xuất thuốc generic lớn thứ 3 tại châu Âu.
“Mục tiêu của PME là nằm trong Top đầu về sản xuất dược phẩm chất lượng ở Việt Nam với sự đồng hành của STADA”, ông Nam nói.
Trong khi đó, ông Peter Goldschmidt, Tổng giám đốc STADA cho rằng, Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng quan trọng tại châu Á, nơi Tập đoàn muốn tiếp tục mở rộng trong tương lai. Việc đầu tư vào Pymepharco là một bước đệm tuyệt vời, đóng vai trò to lớn trong việc phát triển thị trường Ðông Nam Á và các khu vực lân cận.
Theo BMI, quy mô thị trường dược Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức 6,5 tỷ USD vào năm 2019, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là 10,6%/năm. Dù ngành dược phẩm luôn được đánh giá là tiềm năng, nhưng thực tế, 5 năm qua, không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội và có tốc độ tăng trưởng tương xứng. Nguyên nhân là do không có sự đầu tư về chất lượng, tạo khác biệt trong cơ cấu sản phẩm.
Trong bối cảnh này, chỉ những doanh nghiệp có cơ sở sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để tham gia vào đấu thầu ở các nhóm 1, 2 và đấu thầu tập trung quốc gia như PME mới duy trì được sự tăng trưởng ổn định và cao hơn bình quân ngành.
Năm 2019, nhiều công ty chứng khoán dự báo tốc độ tăng trưởng của PME sẽ duy trì ở mức tích cực 10 - 12% nhờ sự tăng trưởng tự nhiên của ngành và lợi thế cạnh tranh của Công ty được củng cố khi cả 2 nhà máy đạt chuẩn GMP-EU đi vào hoạt động.
Năm 2019, doanh thu của PME đạt 1.917 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 400 tỷ đồng. Ðáng chú ý, việc sở hữu các nhà máy đạt chuẩn GMP-EU (cần thời gian, công sức và mất ít nhất 2 năm để đầu tư nhà máy theo chuẩn này) là lợi thế rất lớn của PME hiện tại.