Phương Tây bị 'bất ngờ' trên mặt trận khí đốt với Nga

0:00 / 0:00
0:00
Khí đốt đang trở thành mặt trận thứ hai trong cuộc đối đầu Nga phương Tây.
Khí đốt đang trở thành mặt trận tiếp theo giữa Nga và phương Tây. Ảnh: AFP Khí đốt đang trở thành mặt trận tiếp theo giữa Nga và phương Tây. Ảnh: AFP

Sự thiếu hụt năng lượng luôn là một vấn đề hóc búa trước phản ứng với việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nhưng rất ít quốc gia đã chuẩn bị cho việc khí đốt trở thành mặt trận thứ hai trong cuộc xung đột rộng lớn hơn của Moskva với Mỹ và các đồng minh.

Trong vòng chưa đầy 5 tháng xung đột, Moskva đã trả đũa các làn sóng trừng phạt của phương Tây liên tiếp bằng cách thắt chặt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Điều đó đã khiến giá cả tăng vọt, gây ra lạm phát ảnh hưởng đến người tiêu dùng và các chính phủ châu Âu.

Nó cũng gây ra vấn đề khi châu Âu cạnh tranh trên trường toàn cầu để đảm bảo các lựa chọn thay thế cho khí đốt của Nga. Không có thời gian để xây dựng đường ống mới, các quốc gia từ châu Mỹ đến Trung Đông và châu Phi đang bị thu hút bởi các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng.

Nhưng điều này cũng không đủ để đáp ứng tất cả các nhu cầu. Kết quả là giờ đây khí đốt cùng với dầu mỏ đang có tư cách là động lực thúc đẩy địa chính trị.

Do đó, các kế hoạch đối phó với biến đổi khí hậu đang trở thành nạn nhân, khi đợt hạn hán kỷ lục ở Italy làm ​​nổi bật lên cái giá phải trả của việc không hành động.

Khi xung đột bùng phát, Đức đã đóng băng đường ống Nord Stream 2 để chặn dòng khí đốt từ Nga. Giờ đây, Nord Stream 1 sắp được bảo trì và Berlin đang cảnh báo rằng Moskva có thể kéo dài thời gian sửa chữa, nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của các ngành công nghiệp Đức.

Tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga đã giảm 60% nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream 1 chạy dưới Biển Baltic từ Nga đến Đức - đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn của châu Âu. Nguồn cung cấp cho Italy đã bị cắt giảm một nửa. Đức phụ thuộc vào Nga với 35% lượng khí đốt nhập khẩu của mình; Italy với 40%.

Các nhà kinh tế Holger Schmieding và Salomon Fiedler tại ngân hàng Berenberg nói rằng nếu Nga không tiếp tục giao hàng qua Nord Stream 1 sau ngày 24/7, EU “có thể sẽ cạn kiệt khí đốt vào cuối mùa Đông".

Các bước đi của Gazprom đã khiến giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh sau khi chúng giảm sau mùa sưởi ấm mùa Đông năm ngoái. Điều đó làm tăng doanh thu cho Nga vào thời điểm nước này đang chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và gây thêm căng thẳng cho châu Âu khi các nước EU hỗ trợ về chính trị và quân sự cho Ukraine.

Các động thái của Gazprom cũng có thể được coi là nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây và như một biện pháp ngăn chặn việc áp đặt thêm các lệnh cấm vận.

Đức và Italy đã chứng kiến ​​nguồn cung của họ bị cắt giảm trong khoảng thời gian các nhà lãnh đạo của họ cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Kiev để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky và ủng hộ vị thế ứng cử viên EU cho Ukraine.

Tim Ash, chiến lược gia cấp cao về các thị trường mới nổi tại châu Âu cho biết: “Cắt Nord Stream 1 chảy sang châu Âu rõ ràng là một nỗ lực của Moskva nhằm ngăn chặn nỗ lực xây dựng kho dự trữ khí đốt của châu Âu trong suốt mùa Hè và có lẽ là sẵn sàng cho một phần khác trong cuộc chiến năng lượng ở châu Âu vào mùa Đông này”.

Tóm lại, khi Ukraine đang chịu tổn thất lớn nhất trong cuộc xung đột, phần còn lại của châu Âu, theo phe Kiev chống lại Moskva, cũng đang đối mặt với những hậu quả.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục