Hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng gần gấp đôi trong 3 tuần tăng liên tiếp và hiện đang giao dịch ở mức 157 euro (161 USD) mỗi megawatt giờ (MWh) (tại 10h33 sáng theo giờ châu Âu). Khoảng 13% lượng khí đốt xuất khẩu hàng ngày của Na Uy đang gặp rủi ro trong bối cảnh các công nhân tại các mỏ tổ chức đình công.
Hiện có 3 công đoàn đã lên kế hoạch đình công bắt đầu vào ngày 5/7 trong khi một số công đoàn khác có thể diễn ra động thái tương tự trong thời gian tới. Các công nhân làm việc ngoài khơi ở Na Uy đang hy vọng được tăng lương cao hơn do ảnh hưởng bởi lạm phát bên cạnh một số thay đổi khác trong hợp đồng lao động.
Nguồn cung của Na Uy ngày càng trở nên quan trọng đối với châu lục này sau khi các lô hàng từ nhà cung cấp lớn nhất là Nga sụt giảm trong bối cảnh xung đột giữa Nga - Ukraine leo thang và các lệnh trừng phạt tiếp theo đối với Moscow. Tác động đang lan rộng khắp nền kinh tế châu Âu, làm tổn thương các ngành công nghiệp không thể chuyển chi phí nhiên liệu tăng lên cho người tiêu dùng cuối cùng.
Hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên châu Âu tại sàn giao dịch Hà Lan |
Với giá cả ở mức này, “không có nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đã bước vào lãnh thổ phá hủy nhu cầu, điều này cuối cùng có thể giúp ổn định thị trường. Trong ngắn hạn và với việc các nhà giao dịch đã tắt màn hình để bước vào kì nghỉ, chúng ta có thể thấy giao dịch các hợp đồng khí đốt thấp hơn”, Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank A / S cho biết.
Các ngành công nghiệp lớn ở châu Âu như Đức có thể phải đối mặt với sự sụp đổ do nguồn cung cấp khí đốt bị cắt giảm. Yasmin Fahimi, người đứng đầu Liên đoàn Công đoàn Đức cho biết, cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến lạm phát tăng cao kỷ lục và có thể dẫn đến bất ổn xã hội và lao động.
Nga đã cắt giảm 60% lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống Nord Stream lớn và đường liên kết này dự kiến ngừng hoạt động hoàn toàn vào tuần tới để bảo trì. Đức đã đặt ra nghi ngờ rằng, liệu đường liên kết sẽ tiếp tục cung cấp sau khi bảo trì hay không.
Các nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence cho biết, lĩnh vực công nghiệp của Đức với 35 - 40% nhu cầu khí đốt đặc biệt dễ bị tổn thương trước nguy cơ Nga ngừng dòng chảy khi các kho dự trữ cho các hộ gia đình và hệ thống sưởi mùa đông được ưu tiên.
Trong khi các nhà máy điện có một số phương án linh hoạt để chuyển sang các loại nhiên liệu khác, việc cắt giảm hoàn toàn nguồn cung của Nga cho Đức vào tháng 8 sẽ phá hủy nhu cầu tiêu thụ 20-25 tỷ mét khối, tương đương 27% so với nhu cầu của năm 2021.