Phương án tăng vốn của các ngân hàng trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
Các ngân hàng dồn dập chia cổ tức 2020 tỷ lệ cao bằng cổ phiếu để tăng năng lực tài chính. Tuy nhiên, áp lực sư dụng đồng vốn tăng thêm hiệu quả cũng là vấn đề được đặt ra.
Phương án tăng vốn của các ngân hàng trong năm 2021

Tăng vốn mạnh từ cổ tức và chào bán riêng lẻ

Một điểm đáng chú ý trong đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay của MB diễn ra ngày 27/4 tới là kế hoạch tăng vốn điều lệ qua ba phương án: chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và chào bán cho cán bộ nhân viên. Đầu tiên, ngân hàng dự kiến tăng vốn từ 27.987 tỷ đồng lên 38.676 tỷ đồng bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%.

Phương án hai, MB sẽ chào bán riêng lẻ khoảng 70 triệu cổ phiếu. Đối tượng phát hành riêng lẻ cần thoả mãn tiêu chí là nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ có khả năng và sẵn sàng hợp tác nhằm tạo hệ sinh thái số.

Một số nhà đầu tư được MB lựa chọn như: Viettel (dự kiến chào bán tối đa 43 triệu cổ phiếu) ; Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương mại và xuất nhập khẩu Viettel (chào bán tối đa 27 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác.

Mức giá chào bán sẽ được thoả thuận và không thấp hơn giá trị sổ sách tại báo cáo tài chính được kiểm toán tại thời điểm gần nhất. Cổ phiếu chào bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo thoả thuận và quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, ngân hàng kế hoạch phát hành 19,24 triệu cổ phần bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) cho các cán bộ chủ chốt và nhân viên tài năng của MB.

HDBank cũng trình ĐHCĐ diễn ra ngày 23/4 tới, với kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.000 tỷ lệ 20.110 tỷ đồng trong năm nay. Cụ thể, HDBank dự kiến phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 25%.

Ngày 28/4 tới, OCB sẽ trình ĐHCĐ dự kiến chia cổ tức 2020 tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 14.449 tỷ đồng, tương đương tăng 32%.

Các phương án tăng vốn được đưa ra trình đại hội đồng cổ đông lần này gồm: chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành riêng lẻ.

Có thể nhận thấy, OCB là ngân hàng có tỷ lệ chia cổ tức cao và đều đặn qua các năm, là cơ sở kỳ vọng cho các nhà đầu tư cổ phiếu của ngân hàng.

Bên cạnh đó, OCB sẽ bán ra khoảng 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP với mức giá 10.000 đồng/cp nhằm tạo động lực gắn kết lâu dài cho cán bộ nhân viên. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, tỷ lệ giải toả mỗi năm là 25%.

Ngoài ra, ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, ngân hàng sẽ trình nới room sở hữu nước ngoài lên mức tối đa 30%.

Trước đó, trong năm 2020, ngân hàng đã thực hiện thành công tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng bằng phát hành riêng lẻ cho đối tác ngoại Aozora Bank đến từ Nhật Bản và phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 25%. Hiện tại, Aozora Bank đang là cổ đông chiến lược nắm 15% vốn chủ sở hữu của ngân hàng.

SeABank sẽ trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 9,12% và phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành ESOP để tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng, lên trên 15.200 tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ thường niên 2021 diễn ra ngày 6/4, ACB đã trình cổ đông thông qua tỷ lệ cổ tức 2020 ở mức 25% bằng cổ phiếu để tăng vốn lên 27.019 tỷ đồng.

Cụ thể, ACB dự định phát hành thêm hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, nguồn vốn từ lợi nhuận để lại sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại để chia tính đến 31/12/2020. Với vốn điều lệ hiện tại gần 21.616 tỷ đồng, nếu phát hành thành công, ACB sẽ nâng tổng mức vốn điều lệ dự kiến lên 27.019 tỷ đồng.

Sau khi tăng vốn thành công, Dragon Financial Holdings Limited vẫn là cổ đông lớn duy nhất của ACB với tỷ lệ sở hữu 6,92%. Nhưng hiện room ngoại tại ACB đã được lấp đầy ở mức tối đa 30% theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP.

Còn tại MSB, phương án tăng vốn điều lệ thông qua mới đây là chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu. Dự kiến sau khi hoàn thành kế hoạch, vốn điều lệ của MSB sẽ đạt 15.221 tỷ đồng.

Nam A Bank có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ.

Cổ đông BIDV cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2021 thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng (tức tăng 20,6%) theo hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm. Cụ thể: BIDV dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%).

BacA Bank cũng đề ra kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2021 thông qua phát hành hơn 44.6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương 6.3% vốn điều lệ. Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ BacA Bank tăng từ 7.085 tỷ đồng (31/12/2020) lên hơn 7,531 tỷ đồng.

SCB cũng đã công bố về việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu SCB ra công chúng. Theo đó, SCB dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030, trong đó, riêng năm 2020-2021 tăng thêm 5.000 tỷ đồng.

Theo phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng trong năm 2020-2021, SCB sẽ chào bán 500 triệu cổ phần (tương ứng với 5.000 tỷ đồng) cho cổ đông hiện hữu.

Áp lực sử dụng đồng vốn hiệu quả

Theo HĐQT ACB, việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn đối với Ngân hàng, tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ, thêm nguồn vốn để cải tạo, đều tư các dự án chiến lược trong năm 2019 - 2024.

MB cho hay, số vốn điều lệ tăng thêm, dự kiến 10.688 tỷ đồng) sẽ được sử dụng để bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực (4.783 tỷ đồng); bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác (5.905 tỷ đồng).

Đại diện MSB cho biết, bên cạnh việc luân chuyển nguồn vốn của ngân hàng nhằm bổ sung vào nguồn vốn trung dài hạn, MSB chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ đảm bảo và hỗ trợ tốt cho các chỉ tiêu an toàn tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế như phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel (Basel II) và đang hướng tới Basel III.

SeABank lý giải, việc tiếp tục bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của ngân hàng trong giai đoạn hiện nay.

ĐHCĐ năm 2020 của VIB cũng đã thông qua phương án tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu. Vốn điều lệ VIB dự kiến sau các phương án tăng vốn này là khoảng 16.000 tỷ đồng, đảm bảo tối ưu cho sự tăng trưởng mạnh về tổng tài sản trong năm 2021 và đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh.

Việc tăng vốn trong năm 2021 được BacA Bank cho biết, sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn, phát triển mạng lưới và bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.

Còn với số vốn điều lệ được bổ sung trong năm nay, HDBank cho biết, Ngân hàng sẽ dùng để cho vay trung dài hạn, dự kiến số tiền 2.000 tỷ đồng và phần còn lại bổ sung nguồn vốn lưu động trong hoạt động của ngân hàng.

Trên cơ sở tổng vốn điều lệ tăng thêm 5.000 tỷ đồng năm nay, SCB sẽ ưu tiên bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, tập trung vào đầu tư tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ thông tin và đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các chi nhánh phù hợp với định hướng kế hoạch hàng năm để đáp ứng yêu cầu về nền tảng phát triển của SCB.

Theo chủ trương của NHNN, năm nay các ngân hàng cũng sẽ chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì cả tiền mặt như trước. Khác với các ngành nghề khác, ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên các tổ chức tín dụng cũng phải tuân thủ theo quy định của NHNN, kể cả chính sách cổ tức chia trả cho cổ đông.

Cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí khác, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp các TCTD có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, hỗ trợ hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thùy Vinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục