Liên quan đến việc đề xuất chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid 19, VNBA vừa có công văn kiến nghị, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng.
Cụ thể, theo VNBA, từ đầu năm 2020, các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng như giảm phí dịch vụ, thanh toán cho khàng hàng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…. Nhờ những chính sách, giải pháp kịp thời, đúng hướng của hệ thống ngân hàng đã giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước ổn định.
Tuy nhiên, việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, tổ chức tín dụng chịu áp lực và gặp nhiều khó khăn trong việc phải loại dự thu đối với những khoản nợ cơ cấu. Trong khi đó, sắp tới, các tổ chức tín dụng còn phải trích lập dự phòng rủi ro trong thời gian 3 năm nếu dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN được ban hành.
Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, thực chất các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đã làm tăng tài sản không sinh lời, đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận, thậm chí một số tổ chức tín dụng có khả năng lỗ nếu dịch bệnh còn kéo dài.
Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, để có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, các ngân hàng đang phải tiết giảm chi phí hoạt động, thậm chí giảm lương, thưởng để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Do đó, ngành ngân hàng rất cần được hỗ trợ để cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19.
Theo một lãnh đạo cao cấp NHNN, hiện ngành ngân hàng đang cơ cấu khoảng 340.000 tỷ đồng, nhưng không phải tất cả đều phải khoanh nợ, vì doanh nghiệp chỉ tạm thời khó khăn dòng tiền, NHNN sẽ có số liệu tính toán cụ thể sau.
Vì vậy, VNBA kiến nghị, trong trường hợp đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục kéo dài và ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống, Chính phủ nên xem xét ban hành Nghị định cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN như áp dụng đối với Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh gây nên.
Bên cạnh đó, VNBA cũng kiến nghị cho phép các tổ chức tín dụng nhà nước được tăng vốn điều lệ thông qua giữ lại lợi nhuận hàng năm hoặc chia phần cổ tức của Nhà nước bằng cổ phiếu; tăng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành, các đơn vị cung cấp dịch vụ đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công.
Ngoài ra, VNBA còn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo quyết liệt để các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc giảm phí (cước) tin nhắn SMS đối với dịch vụ tài chính ngân hàng. Bộ Tài chính có chính sách giảm hoặc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các tổ chức tín dụng.