Việc Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ký ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chỉ thị số 01, mới đây là Công điện số 126/CĐ-TTg đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã một lần nữa cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp để đưa nền kinh tế phục hồi hiệu quả, phát triển bền vững. Điều đó cũng có nghĩa, không thể chần chừ trong thực hiện nhanh và hiệu quả các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế.
Thực tế cho thấy, dù nền kinh tế vẫn tăng trưởng dương trong năm 2021, đạt 2,58%, nhưng đó là mức tăng trưởng thấp. Càng thấp hơn khi đó là mức tăng trưởng trên nền tăng trưởng thấp của năm 2020. Rõ ràng, kinh tế Việt Nam đang hồi phục chậm hơn so với nhiều nền kinh tế trên toàn cầu. Năm 2021, trong khi cả thế giới lao đao, Trung Quốc vẫn tăng trưởng 8,1%. Ngay cả Mỹ cũng đạt mức tăng trưởng 5,7%.
Dù mọi sự so sánh đều là khập khiễng, song đó là một thực tế phải thừa nhận. Hơn nữa, vấn đề còn nằm ở chỗ, việc Việt Nam hai năm liên tiếp có mức tăng trưởng thấp (2,91% trong năm 2020 và 2,58% trong năm 2021).
Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm, cũng như chiến lược 10 năm. Rất nhiều lần, nỗi lo tụt hậu, sập bẫy thu nhập trung bình đã được nhắc tới nếu kinh tế Việt Nam chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng thấp như vậy, thậm chí kể cả khi có được tốc độ tăng trưởng 6-6,5%.
Cuối năm ngoái, khi Chính phủ bắt đầu họp bàn về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội với đề xuất các gói tài khóa và tiền tệ quy mô lớn, các chuyên gia kinh tế đã không khỏi lo ngại về vấn đề thời gian. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để Chương trình được thực hiện thành công, vấn đề còn nằm ở dư địa thời gian và năng lực hấp thụ.
Dù có phần chậm hơn so với nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu, nhưng cuối cùng, Quốc hội cũng đã thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ để thực hiện Chương trình, với quy mô lên tới 350.000 tỷ đồng. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về việc thực thi chương trình này với các gói chính sách toàn diện, tổng thể, tác động cả cung và cầu.
Lần đầu tiên, Việt Nam có một gói chính sách quy mô lớn như vậy để phục hồi kinh tế. Vấn đề còn lại là thực hiện thế nào cho nhanh và hiệu quả. Không thể chần chừ được nữa, bởi những diễn biến trong thực tại của nền kinh tế, những khó khăn, rủi ro mà nền kinh tế đang đối mặt không cho phép bất kỳ ai chậm chân.
Cũng bởi thế, trong Công điện số 126/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt các biện pháp phải thực hiện, bao gồm cả việc triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình Phòng chống dịch Covid -19 (2022 - 2023); xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP; cũng như điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách tiền tệ, tài khóa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; rồi tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất - kinh doanh…
Rất nhiều nhiệm vụ cần được thực thi nhanh và hiệu quả, trong đó bao gồm cả việc nhanh chóng rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cho từng nhiệm vụ, dự án trong 2 năm (2022-2023) và từng năm 2022, 2023.
Không nhiệm vụ nào là dễ dàng. Càng không đơn giản để đưa được ngân khoản khổng lồ 350.000 tỷ đồng vào nền kinh tế để sớm phục hồi hiệu quả và phát triển bền vững. Nhưng nếu không nhanh chóng và quyết liệt, không sớm thực thi hiệu quả các giải pháp đã đề ra, thì Việt Nam có thể lỡ cơ hội đi cùng nhịp phục hồi với kinh tế toàn cầu. Chắc chắn, không một ai trong chúng ta muốn điều đó xảy ra!